Đào thắm
Thấy trời bắt đầu trở gió se se lạnh, ông Đặng mở lịch ra xem. Chớp mắt một cái lại sắp hết năm.
Làng hoa đào Đắk Mil chuẩn bị tất bật vào vụ khoanh vỏ, vặt lá, cắt nước. Cái giống đào đỏng đảnh hệt như một cô gái biết mình có nhan sắc rực rỡ làm mê đắm bao kẻ si tình nên đòi hỏi phải được chăm sóc, nâng niu kỹ càng, cẩn thận. Càng kỹ càng, cẩn thận bao nhiêu, hoa càng rực rỡ và khoe sắc đúng thời điểm bấy nhiêu. Tết vui hay không trông vào các “cô” hoa đào ấy cả.
Năm nào cũng vậy, ông Đặng chú ý thời tiết từ lúc trung thu để canh thời gian vặt lá, khoanh vỏ cho đào nở đúng dịp. Kinh nghiệm này ông học được từ một người đồng đội vốn là dân một làng hoa truyền thống. Người đồng đội ấy coi đào như bạn thân, có thể kể về nghề trồng hoa đào từ ngày này qua ngày khác không thấy chán. Đêm trung thu, trong tiếng trống lân rộn ràng, mọi người bày cỗ trông trăng, rước đèn phá cỗ thì những người trồng đào ngắm trăng để dự đoán thời tiết lúc giáp tết. Trăng đục trời lạnh, trăng trong trời nóng. Cứ căn vào đấy mà gia giảm chuyện nhặt sâu, tuốt lá, hãm hay kích hoa nở.
Năm nay, công việc bận rộn hơn một chút bởi ngoài việc chăm sóc vườn đào thì vợ chồng ông còn chuẩn bị gả chồng cho Dung, đứa con gái lớn. Biết nhà nhiều việc, cậu con trai út đang học lớp 12 không giúp được việc chăm sóc đào vì bài vở năm cuối cấp nặng nề thì lại tranh thủ cơm nước, dọn dẹp nhà cửa cho bố mẹ. Chiến - cậu con rể tương lai những hôm cuối tuần không phải trực cũng chạy ra để ra giúp nhà vợ một tay. Ai không biết cứ nghĩ việc tuốt lá cây là cái việc dễ nhất trên đời nhưng không phải vậy. Ông Đặng không thuê mướn người ngoài mà tự làm vì tuốt lá cần cẩn trọng từng tí một. Từ cái việc không được tuốt thẳng từ đọt xuống để tránh tổn thương đến mầm hoa, đến việc vặt lá nào, để lại lá nào, rồi cây nào tuốt lá vào lúc nào để cả hoa nở rộ đúng thời điểm. Ông đã phải tìm hiểu, mày mò, học hỏi bao lâu mới đúc rút được kinh nghiệm.
Đâu phải cứ nhặt lá là xong. Còn phải khoanh vỏ để hãm cây, bắt cây chuyển sang giai đoạn ra hoa. Cái anh này mới đúng là nhiêu khê. Dao phải thật sắc. Chọn buổi sáng ngày không mưa khoanh một vòng tròn sâu tới phần gỗ của cây, sao cho sau một ngày thấy nhựa cây đùn ra ở vết khoanh là thành công. Phải khéo léo, cẩn thận để vết khoanh không nông quá khiến nhựa không đùn ra được nhưng cũng không được sâu quá dễ dẫn đến chết cây. Bao mưa nắng, bao khó nhọc mới ra được những cây đào rực rỡ cho mọi người trưng tết.
Ông Đặng thích cây cối, hoa lá từ nhỏ, niềm yêu thích ấy được truyền lại từ bố ông, một người thầy giáo hiền lành, giản dị. Nhớ ngày còn bé, những lúc bố rảnh rỗi, ông học bài xong lại lẽo đẽo theo chân bố nhổ cỏ, ngắt lá, bắt sâu cho những cây hoa hồng, hoa cúc bố trồng. Vừa làm, bố vừa nói cho ông nghe ý nghĩa của mỗi loài hoa và cách con người học được từ chúng. Ông ngạc nhiên lắm. Hoa cỏ là loài vô tri, chẳng biết nói năng, đi đứng mà con người lại học tập chúng ư. Bố ông cười, bảo đừng coi thường cây cỏ con ạ. Cây cỏ lặng im mà thấu hết mọi sự trong nhân gian, bé nhỏ mà kiên cường, mạnh mẽ. Như cây tùng chịu đựng giá rét vẫn ngạo nghễ giữa đất trời. Cây cúc thanh bạch, mộc mạc của những con người sống giản dị, vô tư, không màng danh lợi… Những lời dạy của bố đã theo ông suốt những tháng năm thơ ấu, đến khi trưởng thành. Trong cuộc đời của mình, những lúc căng thẳng, muốn gục ngã, buông xuôi, ông tìm cách cân bằng từ cỏ cây, hoa lá. Ngắm cây, ngắm hoa, ông nhớ lời cha từng nói, mạnh mẽ mà đứng dậy.
Nhưng phải đến lúc về hưu từ cách đây mấy năm trước, ông mới bắt tay trồng hoa đào. Lúc đầu, nhiều người ngăn cản. Họ bảo khí hậu Tây Nguyên không hợp để trồng đào. Ở đây, người dân từ xưa đến giờ chỉ chơi mai, chơi cúc mỗi dịp tết đến, xuân về. Ông không tranh cãi, không nao núng, chỉ lẳng lặng chăm chút những gốc đào đầu tiên mình ra tận làng đào Nhật Tân mua giống về trồng. Ông có niềm tin mãnh liệt mình sẽ thành công, nhất là khi ngắm nhìn những nụ đào thắm từ cây đào ông trồng trước hiên nhà từ ngày ông quyết định chọn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên nồng nàn này.
***
Mười tám tuổi, tiếp nối bước chân của anh Cả và anh Hai, ông Đặng lên đường nhập ngũ. Thời gian trong quân ngũ, ông không từ bỏ giấc mơ giảng đường đại học, vừa rèn luyện vừa tranh thủ ôn thi, ông thi đỗ vào học viện biên phòng. Ra trường, ông được phân về đồn biên phòng nằm trên địa bàn biên giới huyện Đắk Mil thuộc một tỉnh Tây Nguyên. Ban đầu, ông định công tác vài năm rồi xin về gần nhà để chăm sóc bố mẹ. Nhưng rồi mến đất, mến người, tình cảm ông dành cho mảnh đất này đã giữ ông ở lại. Ông nên duyên cùng một cô giáo cũng là người miền Bắc xung phong vào Tây Nguyên giảng dạy. Khi còn sống bố mẹ lúc nào cũng ủng hộ quyết định của ông. Bố bảo, vợ chồng anh Cả cùng các cháu sống ngay gần nhà nên ông không cần phải lo lắng, cứ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngoài anh Cả, các thế hệ học trò cũ của bố kính trọng thầy nên cũng thường xuyên về thăm nom, chăm sóc. Chính quyền địa phương cũng quan tâm đến gia đình liệt sĩ, bố mẹ chẳng thiếu thốn gì.
Lúc hai vợ chồng dành dụm xây được mái ấm nho nhỏ, ông Đặng xin nghỉ phép ra Bắc đón bố mẹ vào chơi. Ông nhờ bố chiết cành đào để ông mang vào trồng. Cây đào ấy được anh Hai gửi về từ biên giới phía Bắc. Anh Hai nhập ngũ năm ông Đặng còn nhỏ xíu, chẳng nhớ được gì nhiều. Chỉ nhớ hôm ấy là một ngày mùa đông rét mướt, mẹ mượn được chiếc xe đạp chở ông lên ga tàu tiễn anh Hai. Mấy tháng sau, có đoàn phóng viên lên mặt trận, anh Hai gửi về một gốc đào cho bố trồng. Rồi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, chiến sự ngày càng ác liệt. Anh Hai không về nữa. Thịt da anh cũng tan vào cỏ cây vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Cây đào anh gửi về ra hoa, màu hoa đỏ thắm. Năm nào, bố ông cũng ngồi dưới gốc đào chờ đón giao thừa như thể ngóng anh Hai trở về. Từ biên giới phía Bắc, cây đào bén rễ ở một vùng quê Bắc bộ yên bình rồi sinh sôi, nở những cánh thắm ở vùng biên giới Tây Nguyên trong những ngày xuân ấm áp. Bố mẹ mất, ông thấy trong hình bóng cây đào có cả bóng hình bố mẹ, anh Hai, cả tình quê nồng nàn trên mỗi cánh hoa thắm…
***
Dừng tay nghỉ ngơi uống ly nước vối, ông Đặng “khà” một tiếng đầy sảng khoái rồi quay sang bảo vợ:
- Đúng là trên đời này chẳng ai ủ nước vối ngon bằng mẹ cái Dung. Tôi uống nước vối bà ủ mà cứ như bị bỏ bùa mê.
Chỉ thấy bà nguýt ông một cái:
- Già rồi, các con nó cười cho đấy.
Chiến và Dung nhìn bố mẹ rồi trao cho nhau nụ cười như ngầm bảo ước gì về già chúng mình cũng được như bố mẹ. Ông Đặng ngắm vườn đào, nhìn vợ, nhìn con, tự nhiên bao nhiêu cảm xúc ùa đến. Gia đình ông sắp có thêm một đứa con. Mối tình của chúng nó cũng bắt nguồn từ hoa đào.
Cách đây mấy năm, lúc ông Đặng còn chưa về hưu, dịp đầu xuân năm mới, cơ quan nơi Chiến công tác có dịp lên thăm, chúc tết đồn biên phòng. Cậu chàng cứ đứng ngắm, xuýt xoa trước mấy cây đào ông tự tay trồng, chăm sóc tại đơn vị. Vốn đã có thiện cảm với cậu thanh niên có vẻ ngoài hiền lành, dễ mến, ông hỏi han, bắt chuyện. Không ngờ bố Chiến sinh ra tại một ngôi làng chuyên nghề trồng đào ngoài Bắc, đi kinh tế mới tại Đắk Nông từ những năm tám mươi. Sau mấy chục năm trồng cà phê, nay về già, bố Chiến quyết mang giống đào từ Bắc vào trồng trên Tây Nguyên. Tưởng trồng vui cho đỡ nhớ quê và để nhắc lại những tháng năm thơ ấu, ai ngờ hợp khí hậu, gặp đất tốt, vườn đào của bố Chiến được nhiều người tìm đến, hỏi mua mỗi dịp tết. Ông mở rộng thêm vườn đào, dạy kỹ thuật cho những ai muốn học nghề. Nghe Chiến kể, ông Đặng thích lắm. Đến ngày nghỉ, ông xin Chiến địa chỉ đến thăm vườn đào nhà Chiến. Niềm vui như vỡ oà khi bố Chiến không phải ai khác mà chính người đồng đội năm xưa đã kể cho ông nghe kinh nghiệm nhìn trăng trung thu đoán thời tiết để chăm sóc đào trong những đêm cùng trực gác. Cách nhau có gần 100km mà mấy chục năm rồi mới gặp lại, mới biết mà đi lại. Từ dạo ấy, mỗi khi có dịp, ông Đặng lại đưa vợ con xuống thăm bạn hoặc gia đình Chiến tới nhà ông nấu nướng liên hoan. Dần dần, tình yêu giữa Chiến và Dung nảy nở. Đôi bạn đồng ngũ thân lại càng thêm thân, ra sức vun vào cho đôi trẻ. Ấy thế mà chúng nó cũng tìm hiểu mấy năm mới xin gia đình hai bên cho cưới vì còn bận công tác. Mỗi lần nhắc đến chuyện cưới xin, con gái ông làm nũng hệt như trẻ con:
- Anh Chiến làm công an xã cũng bận bịu tối ngày, chẳng mấy khi rảnh rỗi. Con vừa là giáo viên, vừa là bí thư đoàn trường. Bọn con chờ bố về hưu có người giúp trông cháu thì mới dám cưới chứ ạ.
Ông cốc đầu con gái, giả vờ mắng:
- Tôi chịu. Con ai người đấy giữ. Tôi giờ chỉ chăm vườn đào của tôi thôi.
- Thế thôi, con chả lấy chồng. Để xem ai thèm cháu mà giục là biết ngay.
Ông lắc đầu, chịu thua đứa con gái. Trong đầu ông hiện lên hình ảnh bế đứa cháu bụ bẫm, chỉ cho nó xem những cánh đào thắm trong nắng xuân tươi hồng, ấm áp.
Tiếng của Chiến cắt ngang dòng suy nghĩ của ông. Chiến tự tin bảo, năm nay thời tiết thuận lợi, nhà mình lại chăm đúng cách nên chắc hoa sẽ nở đẹp bố ạ. Ông Đặng đứng dậy, vừa tiếp tục công việc nhặt lá, vừa bàn bạc với vợ và các con. Năm ngoái, trừ chi phí, công cán, hai vợ chồng ông để dành được một ít. Năm nay mà được thì lại có thêm một khoản. Hai ông bà đều có lương hưu, đủ để ăn mặc. Việc học của thằng út thì đã có mấy ha cà phê “gánh vác”. Tiền bán đào, ông và vợ sẽ bàn ủng hộ cho việc làm đường giao thông nông thôn ở mấy bon giáp biên giới. Đường xá đi lại thuận tiện, đời sống bà con đỡ vất vả. Các cô giáo đồng nghiệp của vợ ông đi dạy ở các điểm trường cũng thuận tiện hơn. Nỗi trăn trở của một người lính biên phòng gần dân, dựa vào Nhân dân bao năm qua thôi thúc ông, đến giờ về hưu mới có điều kiện thực hiện.
Dung xung phong đề xuất chi đoàn ủng hộ nước uống cho bà con làm đường. Chiến bảo để con đề nghị anh em ủng hộ ngày công để cùng làm với người dân. Vợ ông chỉ cười hiền, khẽ bảo ông làm gì tôi làm nấy, không làm được thì cổ vũ tinh thần cho ông. Ông nghe vợ nói, nghe tiếng các con ríu rít bàn bạc, cảm tưởng như có thể nghe tiếng dòng nhựa nóng đang chuyền đi khắp các thân, cành đào để ủ mầm hé nụ cho một mùa rực rỡ. Ông nghe mùa xuân đang đến thật gần trong tiếng Chiến dịu dàng nói với Dung:
- Em nhỉ, lúc nào làm nhà, hai đứa mình cũng trồng một vườn đào. Mùa xuân, mọi người đến nhà chơi, chụp ảnh dưới những cánh đào thắm sẽ đẹp lắm đấy…