Đào tạo nghề giúp giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số Đắk Nông
Đắk Nông chú trọng đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đang góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
Đồng bào DTTS đã thích học nghề
Những năm gần đây, đồng bào DTTS ở Đắk Nông đã thay đổi nhận tư duy, nhận thức về học nghề. Đồng bào DTTS xác định học nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội về tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Năm 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đắk Mil tổ chức 2 lớp dạy nghề may công nghiệp trình độ sơ cấp cho 60 chị em là người DTTS của xã Đắk N'Drót.
Chị em được dạy nghề miễn phí theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719).
Lớp học trang bị máy may, vải, kim, chỉ đầy đủ để học viên kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Ngoài ra chị em còn được nhận tiền trích từ nguồn hỗ trợ kinh phí hỗ trợ tiền ăn, đi lại mỗi ngày 30.000 đồng.
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Mil thực hiện việc dạy nghề lưu động tại bon Đắk Me và bon Đắk R’La của xã Đắk N'Drót, tạo thuận lợi cho học viên.
Chị H'Chanh ở bon Đắk Me chia sẻ: “Chúng tôi được trung tâm tổ chức học tại nhà văn hóa của bon nên rất thuận lợi. Chị em trong bon vừa tranh thủ làm nông nghiệp vừa học nên trung tâm linh động bố trí thời gian để chúng tôi học thuận lợi nhất. Sau hơn 2 tháng học, chúng tôi cơ bản nắm được kỹ thuật cắt may”.
“Khi địa phương tuyên truyền về học nghề, tôi thấy đây là cơ hội để mình có thêm nghề ngoài làm nông và có thêm việc làm nên chọn học. Từ nhỏ, tôi rất thích nghề may. Sau khi học xong, tôi sẽ mở tiệm nho nhỏ tại nhà để tự tạo việc làm, tăng thu nhập”, chị H’Chanh chia sẻ.
Chị H’Uyên cũng ở bon Đắk Me vui vẻ chia sẻ dự định cho tương lai: “Chỉ khoảng 1 tháng nữa, tôi được cấp chứng chỉ nghề may công nghiệp. Tôi sẽ tự may những bộ đồ thật đẹp cho bản thân và gia đình. Tôi sẽ nhận đồ may gia công tăng thu nhập cho gia đình”.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Mil cho biết: “Chúng tôi tổ chức các lớp dạy nghề ngay tại thôn, bon tạo điều kiện thuận lợi cho người học, từ đó nhiều người tham gia. Học viên người DTTS đều xác định sản xuất nông nghiệp hay làm việc các lĩnh vực phi nông nghiệp thì cần được học tập, có tay nghề mới làm được việc. Từ đó, họ học tập nghiêm túc”.
Năm 2023 và 2024, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy Đức tổ chức 24 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 678 người, trong đó trên 70% học viên là người DTTS.
Trong 2 năm qua, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy Đức mở các lớp dạy nghề về trồng trọt, bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng, chăn nuôi, thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật hàn, dệt thổ cẩm, nấu ăn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuy Đức đánh giá: “Tham gia các lớp học đa số là người DTTS. Bà con chăm chỉ học tập và áp dụng hiệu quả. Bên cạnh các chính sách ưu đãi đối người DTTS thì những năm gần đây, người DTTS chú trọng học nghề hơn so với trước đây. Học viên chủ yếu chọn học những nghề đang làm và thấy cần thiết để áp dụng kiến thức đã học để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tự tạo việc làm tại nhà, địa phương".
Học viên DTTS được đào tạo nghề theo Quyết định 729
Thực hiện Quyết định số 729/QĐ-UBND, ngày 14/6/2023 của UBND Đắk Nông phê duyệt có trên 80% học viên là người DTTS được đào tạo nghề.
Năm 2023, Đắk Nông tổ chức 82 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 2.490 người thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo quyết định 729. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp có 1.796 người; đào tạo nghề phi nông nghiệp có 1.694 người.
Nguồn: Sở LĐ-TB & XH tỉnh Đắk Nông
Thống kê của Sở LĐ-TB & XH cho thấy, có tới trên 83% học viên là người DTTS, DTTS thuộc diện hộ nghèo; 0,6% học viên là người khuyết tật; 6% thuộc hộ cận nghèo và lao động nông thôn khác.
Các nghề lĩnh vực nông nghiệp gồm: Kỹ thuật chăn nuôi thú y; Kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật; Kỹ thuật trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su; Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê; Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu; Kỹ thuật trồng nấm; Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng.
Các nghề phi nông nghiệp gồm: Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật hàn; Nấu ăn; Sửa chữa máy nông nghiệp; May công nghiệp; Trang điểm; Dệt thổ cẩm; Kỹ năng giao tiếp du lịch và phục vụ buồng phòng; Tin học; Điện dân dụng; Xoa bóp bấm huyệt.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB & XH tỉnh Đắk Nông cho biết: Thực hiện Quyết định số 729 có tới 18 nghề được tổ chức đào tạo. Sự phong phú các nhóm nghề giúp người học có nhiều sự lựa chọn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu của bản thân và gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều nghề mới mẻ và xuất phát phát từ nhu cầu của người học rất bổ ích như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng; Kỹ năng giao tiếp du lịch và phục vụ buồng phòng; Xoa bóp bấm huyệt...
Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo của Đắk Nông giảm từ 2% trở lên, riêng hộ đồng bào DTTS giảm từ 4% trở lên.
Theo Sở LĐ-TB & XH Đắk Nông, tỷ lệ tự tạo việc làm, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập sau khi được đào tạo nghề ở vùng dân tộc thiểu số đạt khoảng 80%.