Thông tư 05/2024/TT-BGTVT của Bộ GT - VT, có hiệu lực từ ngày 1/6/ 2024, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo và người học lái xe.
Thuận lợi cho người học
Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT của Bộ GT - VT, người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và các hạng F được đào tạo nội dung học lý thuyết có thể lựa chọn một trong các hình thức sau: tập trung tại cơ sở đào tạo; tập trung tại cơ sở đào tạo kết hợp với đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
Trên thực tế, đa số người học lái ô tô đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Việc học lái ô tô là nguyện vọng cá nhân, không được ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng công việc chuyên môn.
Do đó, quy định mới này góp phần giúp các học viên chủ động hơn trong việc học lý thuyết; nhận được sự ủng hộ của đa số các học viên đang theo học lái xe.
Ngoài ra, khối lượng chương trình, phân bổ thời gian đào tạo các hạng xe B1, B2, C cũng giảm 4 giờ học môn kỹ thuật lái xe, bổ sung môn học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông trong 4 giờ.
Tổng số thời gian thực hành B1, B2, C giảm đáng kể so với quy định cũ. Thời gian đào tạo thực hành cũng được rút ngắn so với trước đây nhưng vẫn bảo đảm học viên tiếp thu đủ lượng kiến thức, kinh nghiệm để tham gia giao thông đường bộ. Trong khi đó, số lượng km thực hành lái xe vẫn giữ nguyên.
Cùng với đó, học viên lái xe các hạng B1, B2, C được kiểm tra, xét cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ đào tạo thay cho kỳ thi tốt nghiệp khoá học nghề trước kia.
Điều này cũng giúp người học và cơ sở đào tạo linh hoạt hơn trong việc học, thực hành để đạt kết quả cao nhất khi tham gia thi sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Cơ sở đào tạo được tự chủ nhiều hơn
Ông Tống Nhật Trường, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục nghề nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết, những quy định mới trong đào tạo, sát hạch lái xe theo Thông tư 05 của Bộ GT - VT đã và đang tăng tính tự chủ cho cơ sở đào tạo.
Đơn cử như, Khoản 3 Điều 13 Thông tư 05 quy định cơ sở đào tạo lái xe căn cứ vào chương trình đào tạo lái xe được quy định và chương trình khung đào tạo lái xe, người đứng đầu cơ sở đào tạo lái xe tự chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng nội dung chi tiết các môn học để phê duyệt và đưa vào tổ chức đào tạo.
Việc được tăng tính tự chủ trong xây dựng giáo án, giáo trình, thời gian đào tạo… giúp các cơ sở chủ động hơn trong việc soạn giáo án, giáo trình, bố trí cơ cấu các tiết dạy và học theo hướng cân bằng giữa lý thuyết và thực hành.
Phần đào tạo thực hành cũng được rút ngắn thời gian khá rất nhiều so với trước đây; các nội dung đào tạo thay đổi phù hợp hơn với thực tiễn, bảo đảm người học vẫn có đủ lượng kiến thức và kinh nghiệm để tham gia giao thông đường bộ trên thực tế.
Thông tư mới cũng quy định rõ thời gian học lái xe ban đêm được tính từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau giúp cả cơ sở đào tạo và người học lái xe xác định chính xác khung thời gian để triển khai đào tạo phù hợp.
Với quy định mới, cơ sở đào tạo lái xe sẽ là đơn vị tiếp nhận hồ sơ của giáo viên dạy thực hành lái xe và tổ chức tập huấn theo chương trình tập huấn về nghiệp vụ theo quy định của Bộ GT - VT.
Quy định cũ đơn vị tiếp nhận là Sở GT - VT (đối với các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý) và Cục Đường bộ Việt Nam (cơ sở đào tạo của cơ quan trung ương) cũng thuận lợi hơn rất nhiều cho các cơ sở đào tạo.
Chặt chẽ hơn trong công tác quản lý
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện, người lái (Sở GT - VT), Thông tư số 05 cũng quy định chặt chẽ hơn về công tác quản lý chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe thông qua hệ thống camera giám sát có kết nối dữ liệu với Cục Đường bộ Việt Nam và Sở GT - VT cấp tỉnh.
Theo đó, hệ thống camera phải được bố trí tại phòng sát hạch lý thuyết, mô phỏng các tình huống giao thông, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch (bao gồm các bài: xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc).
Hệ thống sử dụng camera có IP, độ phân giải cao được đồng bộ về thời gian với máy chủ sát hạch lý thuyết, máy tính điều hành thiết bị chấm điểm thực hành lái xe trong hình; bảo đảm kết nối trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh (dạng video) theo giao thức chuẩn mở sử dụng cho trao đổi dữ liệu hai chiều thời gian thực giữa máy chủ và máy trạm về Cục Đường bộ Việt Nam.
Đồng thời, phải bảo đảm tính bảo mật, ngăn chặn các truy cập trái phép từ bên ngoài tránh tình trạng can thiệp để gian lận trong thi cử.
Như vậy, những quy định này vừa tăng tính tự chủ cho cơ sở đào tạo, tạo thuận lợi cho người học, đồng thời, giúp ngăn chặn tình trạng gian lận khi thi lý thuyết, thực hành, đảm bảo học viên học đủ số giờ quy định đối với mỗi học phần; từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.
Đắk Nông có 6 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô, 3 trung tâm sát hạch lái xe ô tô loại 1. Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã cấp mới được 4.174 GPLX mô tô hạng A1; sát hạch, cấp mới được 3.816 GPLX ô tô; cấp đổi được 3.609 GPLX các hạng; cấp mới và cấp lại 366 lượt giấy phép xe tập lái ô tô các hạng, cấp 109 giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe.