Đạo đức là cái gốc của người cách mạng

Hoàng Hoài| 19/05/2022 07:31

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, bởi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, không có đạo đức cách mạng không lãnh đạo được Nhân dân.

Người coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối. Đối với con người, sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa; người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng.

Người quan niệm, đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định thắng lợi của mọi công việc, “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Người cán bộ theo Bác Hồ cần xây dựng là người có nhân cách phát triển toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và được khái quát gọn trong 2 chữ “đức và tài”.

Trong đức và tài, Người khẳng định đức là gốc. Lấy đức làm gốc không có nghĩa là coi nhẹ tài, bởi có tài mà không có đức là người vô dụng, nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Đạo đức là gốc, là nguồn, là nền tảng, bởi vì muốn làm cách mạng, trước hết con người phải có tâm trong sáng, đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, Nhân dân lao động, với cả dân tộc mình. Cái tâm, cái đức ấy lại được thể hiện trong lời ăn tiếng nói hàng ngày với người dân, với đồng chí, đồng nghiệp.

Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Chuyên đề năm 2022 Chỉ thị 05 cho các điểm cầu trong tỉnh

Theo Bác, đạo đức của người cách mạng đó là trung với nước hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Những phẩm chất này có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau, thiếu một phẩm chất thì người cán bộ, đảng viên không thể làm tròn nhiệm vụ do Đảng, Nhân dân và cách mạng giao phó.

Trong đó, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là một phẩm chất đặc biệt quan trọng, gắn liền với hoạt động hàng ngày của mọi cán bộ, đảng viên. "Cần" trong quan điểm của Người là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, ham lao động, ham học hỏi, cầu tiến bộ. Trong mọi công việc phải luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo, làm cho bằng được; lao động với tinh thần độc lập, tự lực, khoa học và có kế hoạch, luôn đặt lợi ích của dân tộc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân. Khi có đức tính cần thì làm việc gì dù khó khăn đến mấy cũng xong, cũng hoàn thành.

"Kiệm" là tiết kiệm trong lao động, tiết kiệm thì giờ, tiền của. Phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương hình thức, tránh chè chén lu bù”. "Liêm" là luôn tôn trọng giữ gìn của công, "không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của Nhân dân”, phải "trong sạch, không tham lam, không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình.

"Chính" nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Để là chính, mỗi người, đối với mình phải “chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình.

Đối với chí công vô tư, Người chỉ rõ: Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên sau, phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Người giải thích: "Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp dĩ công vi tư”.

Chính vì vậy, các phẩm chất của người cách mạng "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" có mối quan hệ mật thiết với nhau. Người coi "cần, kiệm" như hai chân của con người, phải đi đôi với nhau. Cần mà không kiệm chẳng khác nào "gió thổi vào nhà trống". Còn kiệm mà không cần thì sản xuất được ít, không đủ dùng, không có tăng thêm, không có phát triển. "Cần, kiệm, liêm, chính" là bốn đức của con người, thiếu một đức thì không thành người; cũng như trời có bốn mùa, đất có bốn phương, thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất.

Hiện nay, đứng trước cám dỗ của lợi ích vật chất, mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau.

Tư tưởng của Bác về đạo đức cách mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và xây dựng Ðảng trong giai đoạn hiện nay. Hễ là người cán bộ, đảng viên thì phải tiên phong, gương mẫu “miệng nói tay làm”, phải nêu tấm gương đạo đức cách mạng trước quần chúng; cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Cán bộ, đảng viên phải xây đi đôi với chống. Ðó là xây dựng nền đạo đức cách mạng mới, lành mạnh; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Người cũng yêu cầu, cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời. Đây là yêu cầu cốt lõi trong rèn luyện đạo đức vì đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải tích cực, liên tục học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng.

Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người một lần nữa nhấn mạnh về Đảng và vấn đề đạo đức của người cách mạng, của cán bộ, đảng viên. Đó là "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân".

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/dao-duc-la-cai-goc-cua-nguoi-cach-mang-93084.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/dao-duc-la-cai-goc-cua-nguoi-cach-mang-93084.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đạo đức là cái gốc của người cách mạng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO