Đạo đức báo chí và vi phạm đạo đức báo chí

Vũ Hà| 17/06/2020 09:25

Báo chí cách mạng nước ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trung thành tuyệt đối với hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Với tiêu chí đó, nhà báo có nghĩa vụ tuyên truyền, quảng bá, giải thích, vận động, cổ vũ và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; biểu dương những cá nhân và tổ chức thực hiện tốt, chống lại những quan điểm, hành động đi ngược hoặc chống đối Đảng và hệ thống chính trị. Đó là một nguyên tắc và cũng là tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ trong phát hiện và xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Ảnh tư liệu

Đạo đức báo chí là khái niệm chỉ tư cách, lương tâm nghề nghiệp trong hoạt động báo chí, biểu hiện qua hành vi, nguyên tắc ứng xử của người làm báo. Người cầm bút có đạo đức phải kiên trì theo đuổi những nguyên tắc báo chí: Trung thực, khách quan, kịp thời và trách nhiệm; đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thể hiện khi tác nghiệp. Một nhà báo giỏi, có trách nhiệm với xã hội, với những tác phẩm báo chí chất lượng,  ngoài trình độ chuyên môn phải là người có phẩm chất đạo đức tốt và có đạo đức nghề nghiệp.

Đạo đức của nhà báo thể hiện trong quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí. Để đạt được hiệu quả thông tin, một tác phẩm báo chí phải đạt các tiêu chí như: mới, thời sự, cập nhật; chân thực, khách quan; có ý nghĩa xã hội, có giá trị giáo dục và nhân văn… Ngoài ra, tác phẩm báo chí còn phải đảm nhiệm các chức năng xã hội khác như: định hướng dư luận xã hội; giám sát, quản lý và phản biện xã hội; giáo dục và giải trí. Khi sáng tạo tác phẩm báo chí, những yêu cầu về năng lực chuyên môn của nhà báo phải gắn với những chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động báo chí hiện nay, không phải lúc nào các nhà báo cũng thực hiện tốt được những yêu cầu này, do đó đã làm ảnh hưởng đến giá trị thông tin của các tác phẩm báo chí và lớn hơn là làm mất niềm tin của công chúng đối với báo chí. Sự xói mòn của đạo đức báo chí đi liền với quá trình thương mại hóa, đã, đang diễn ra trong lĩnh vực truyền thông. Áp lực lợi nhuận kinh doanh, thời gian hoàn thành công việc đặt một bộ phận không nhỏ vào tình thế có thể vi phạm các nguyên tắc đạo đức để kịp thời tạo ra được những ấn phẩm truyền thông.

Sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong thực hiện quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí thể hiện ở chỗ: Không nghiên cứu, thâm nhập thực tiễn để phát hiện đề tài mà chỉ sao chép, bịa đặt thông tin, hư cấu; tác phẩm báo chí sai số liệu, nhầm lẫn thông tin; mục đích thông tin không rõ ràng, lạm dụng những chi tiết giật gân, câu khách; tác phẩm thiếu tính khách quan, chân thực và giá trị nhân văn; không tự biên tập tác phẩm của mình, vô tình hoặc cố ý để lọt sai sót, đánh đố biên tập viên; vì lợi ích cá nhân, nhóm hoặc vì mục đích thương mại mà coi nhẹ các chức năng, nguyên tắc hoạt động của báo chí; không theo dõi, nắm bắt và xử lý thông tin phản hồi từ hiệu quả, hậu quả của tác phẩm báo chí…

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò của mạng xã hội… Không nên đối lập giữa báo chí và mạng xã hội mà nên tìm cách khai thác những tiện ích từ mạng xã hội. Nhưng tất cả thông tin từ mạng xã hội phải được kiểm chứng. Không có sai phạm nào chỉ một người, và đương nhiên sai phạm của một cá nhân hay một tập thể sẽ liên đới đến những người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành tổ chức đó. Khi xử lý một sai phạm của báo chí, người đứng đầu, quản lý đơn vị báo chí là người chịu trách nhiệm trực tiếp, đầu tiên trước pháp luật và xã hội; sau đó là những người liên quan, người trực tiếp gây ra sai phạm.

Một trong những lỗi phổ biến hiện nay là lấy tin từ mạng xã hội nhưng không kiểm chứng. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, phương tiện để lan truyền những sai lệch nhanh, mạnh mẽ, gây tác động lớn hơn nhiều so với trước. Bên cạnh đó, do đặc thù của mạng xã hội nên thông tin có độ lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Nhiều khi những thông tin không được kiểm chứng gây bão trên mạng xã hội và tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm cho người dân tiếp cận thông tin không chuẩn mực bị phân tâm, hoang mang hay hiểu sai về chính sách, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Nguyên nhân nào ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức nhà báo? Nguyên nhân khách quan quan trọng nhất đó là ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường trong điều kiện thu nhập của nhà báo không tăng. Về chủ quan, đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức thường xuyên của một bộ phận nhà báo. Thiếu kiến thức cơ bản về báo chí và không nhận thức đúng vai trò, chức năng của báo chí với xã hội. Thậm chí có một bộ phận nhỏ của nhà báo chỉ đơn thuần coi báo chí là phương tiện kiếm sống, thậm chí làm giàu. Từ đó đã đẩy một số nhà báo dấn sâu vào con đường tiêu cực.

Tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị đi đôi với ngăn chặn, xử lý nghiêm những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trên cơ sở Luật Báo chí, nâng cao trách nhiệm của phóng viên đối với cơ quan báo chí và trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với xã hội là điều quan trọng nhất để bảo vệ và nâng cao đạo đức báo chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo đức báo chí và vi phạm đạo đức báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO