Đánh thức tiềm năng dược liệu ở Đắk Nông (kỳ 3): Giải pháp phát triển bền vững cây dược liệu

Ngô Đồng | 13/02/2023 12:54

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng hiện nay, việc phát triển dược liệu vẫn còn manh mún nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa và sản xuất theo quy mô lớn. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị về khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu cần phải được chú trọng hơn nữa.

ADQuảng cáo

Phát triển chưa đồng bộ

Theo đánh giá, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải khẳng định, việc trồng, chế biến dược liệu vẫn còn theo hình thức tự phát, chưa đồng bộ. Số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị đặc trưng, liên kết hình thành vùng hàng hóa bền vững còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đầu tư về lĩnh vực dược liệu còn thấp, chưa tương xứng với quỹ đất phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Đối với việc phát triển dược liệu dưới tán rừng chưa được các đơn vị chủ rừng quan tâm chú trọng do chưa có quy hoạch vùng khai thác, trồng dược liệu tán rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng. Tình trạng người dân vào rừng để khai thác các loài dược liệu và tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra, gây ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý, bảo tồn các loại dược liệu, làm suy giảm về số lượng và nguy cơ dẫn đến tuyệt chủng một số loại dược liệu quý, hiếm.

Các sản phẩm về cây dược liệu được Liên minh HTX tỉnh trưng bày tại các hội nghị do Liên minh HTX tỉnh tổ chức

Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2019-2022 của tỉnh còn hạn hẹp nên chưa cân đối thực hiện các dự án phát triển dược liệu. Tỉnh, các địa phương chưa quan tâm, đầu tư đúng mức đến nghiên cứu thổ nhưỡng, kỹ thuật nuôi trồng, sản xuất giống, tiêu chuẩn chất lượng giống dược liệu để việc bảo tồn, phát triển và sản xuất dược liệu có hiệu suất cao.

Quy trình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sử dụng, công nghệ chế biến, công dụng chính cho mỗi loại dược liệu chưa được hoàn thiện. Các sản phẩm từ dược liệu chưa được đầu tư nghiên cứu và chưa có cơ chế và giải pháp bảo đảm đầu ra ổn định.

Cơ chế, chính sách chưa được xây dựng đồng bộ và phù hợp để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư và địa phương nhằm đẩy mạnh khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dược liệu. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhà máy chế biến, sản xuất dược liệu và thuốc từ dược liệu, thị trường tiêu thụ thường phụ thuộc nhiều vào các cơ sở thu gom, sơ chế và chế biến dược liệu.

Công tác truyền thông về lĩnh vực phát triển dược liệu còn hạn chế, chưa có những chương trình lớn và chuyên sâu để nâng cao nhận thức và quảng bá về nguồn tài nguyên dược liệu nói chung và các sản phẩm từ dược liệu nhằm khuyến khích người Việt dùng dược liệu Việt.

Vườn quốc gia Tà Đùng là 1 trong 3 địa điểm được tỉnh khoanh vùng bảo tồn tại chỗ 49 loài cây thuốc đặc hữu, quý hiếm, có giá trị. Ảnh: Lê Phước

Quy hoạch, bảo tồn, phát triển phù hợp

Để tiếp tục khai thác hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế của dược liệu Đắk Nông, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện công tác phát triển dược liệu trên địa bàn.

Trước hết, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị, thu hút nguồn lực để khai thác, bảo tồn, phát triển dược liệu.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến việc phát triển dược liệu trên địa bàn. Các đơn vị liên quan hỗ trợ địa phương điều tra, đánh giá lại trữ lượng và sự đa dạng chủng loại cây dược liệu trong các khu vực rừng tự nhiên. Đây là cơ sở để xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển dược liệu phù hợp với từng địa phương.

ADQuảng cáo

Toàn tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn, phát triển các nguồn dược liệu quý, hiếm. Trọng tâm, chú trọng bảo hộ, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý có giá trị; phát triển y học cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe.

Các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức rà soát diện tích đất, vùng có điều kiện phù hợp để đưa vào trồng cây dược liệu; tăng cường quản lý và bảo vệ nguồn cây dược liệu quý mọc dưới tán rừng.

Máy sản xuất trà túi lọc từ các vị thuốc dược liệu

Các mô hình trồng thử nghiệm một số loại dược liệu theo đặc thù của từng địa phương để đánh giá khả năng thích nghi, dược tính và hiệu quả kinh tế, từ đó triển khai nhân rộng.

Các ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, nguồn vốn tham mưu cho tỉnh xây dựng, hoàn thiện, tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động sản xuất, bảo tồn và phát triển cây dược liệu.

Hằng năm, cơ quan chức năng, quản lý nhà nước xây dựng các kế hoạch xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hợp tác xã để đầu tư, đổi mới trang thiết bị, tăng năng suất, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Trong đó, có thể nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các địa phương tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội, khí hậu, thổ nhưỡng như Kon Tum, Bình Phước, Bắc Kạn… để xúc tiến thành lập các HTX trong các vùng được quy hoạch trồng dược liệu.

Bảo tồn cây thuốc đặc hữu, quý hiếm

Công tác tuyên truyền cần được tăng cường, nhất là phổ biến các kiến thức cho người dân về lợi ích và công dụng chữa bệnh của một số loại dược liệu phổ biến, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc bảo tồn và phát triển bền vững dược liệu.

Các sản phẩm được điều chế từ dược liệu của HTX Dược liệu An Phúc Khang, xã Đắk Ha (Đắk Glong)

Đắk Nông tập trung nguồn lực đầu tư, nghiên cứu, phát triển ít nhất 1 loại cây dược liệu đặc trưng như mật nhân, sâm cau, nghệ bọ cạp… bổ sung vào loại cây chủ lực của tỉnh theo “Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” để sản xuất theo hướng hàng hóa. Các dự án phát triển trồng dược liệu lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đặc biệt, Đắk Nông khoanh vùng, bảo tồn tại chỗ 49 loài cây thuốc đặc hữu, quý hiếm, có giá trị tại 3 địa điểm Vườn quốc gia Tà Đùng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và khu vực thuộc xã Quảng Trực (Tuy Đức).

Căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, đặc điểm sinh thái, nhu cầu sử dụng cũng như diện tích đất đai, Đắk Nông dự kiến phát triển 16 loài dược liệu tại 5 tiểu vùng sinh thái của tỉnh.

Tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng phục vụ nghiên cứu, nhân giống, sản xuất giống dược liệu tại Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Các tổ chức, cá nhân khai thác và trồng dược liệu được hỗ trợ xây dựng hệ thống sơ chế, chế biến dược liệu tại chỗ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức tiềm năng dược liệu ở Đắk Nông (kỳ 3): Giải pháp phát triển bền vững cây dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO