Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Đánh giá sát mức độ tiếp cận thuốc của người dân vùng sâu, vùng xa

Đức Diệu 26/06/2024 17:35

ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều: Đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá về tính thực tiễn, việc tiếp cận về thuốc của người dân, mức độ đáp ứng nhu cầu về thuốc của các cơ sở y tế, khả năng kinh tế của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Chiều 26/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tập trung tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận sâu một số nội dung liên quan đến dự thảo luật.

Toàn chiều 24
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 26/6

Đại biểu Phạm Thị Kiều cơ bản tán thành với nhiều chính sách của Nhà nước về dược tại luật hiện hành và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung, trong đó, có một số chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá về tính thực tiễn, việc tiếp cận về thuốc của người dân, mức độ đáp ứng nhu cầu về thuốc của các cơ sở y tế, khả năng kinh tế của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; đồng thời, đánh giá về sự hiệu quả, giá trị của dược liệu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, nghiên cứu bổ sung các chính sách đặc thù, mang tính thực tiễn hơn của Nhà nước để người đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận một cách tốt nhất về thuốc và có sự đầu tư thỏa đáng để phát triển dược liệu trong vùng dân tộc thiểu số.

Kiều 26
ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều: Cần nghiên cứu xây dựng các quy phạm chặt chẽ hơn trong kinh doanh dược

Về một số nội dung có liên quan đến thủ tục hành chính tại Điều 24, 25, 26, 27 của Luật Dược hiện hành, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính thì việc cải cách thủ tục đề nghị cấp lại, điều chỉnh chứng chỉ hành nghề dược là cần thiết. Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá tác động để đơn giản hóa một số giấy tờ, thời gian giải quyết đối với một số nội dung.

Thứ nhất, cần đánh giá về sự cần thiết phải có bản sao chứng chỉ hành nghề dược đã được cấp theo Điều 25 về hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề dược; trong khi đó, chứng chỉ hành nghề dược do cơ quan có thẩm quyền cấp, việc quy định thành phần hồ sơ như vậy là không phù hợp. Tương tự như vậy, tại Điều 26 về hồ sơ đề nghị điều chỉnh nội dung chứng chỉ hành nghề dược cũng cần xem xét lại nội dung này.

Thứ 2, tại Điều 27 về thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung chứng chỉ hành nghề dược, quy định:

“Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp; 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp lại, điều chỉnh nội dung chứng chỉ hành nghề dược, người đứng đầu cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề dược cấp chứng chỉ hành nghề dược; trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Quy định về thời gian giải quyết theo quy định này đã thực hiện hơn 7 năm qua và hiện nay, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp để cắt giảm thời gian giải quyết. Vì vậy, tôi đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng giảm thời gian giải quyết đối với thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung chứng chỉ hành nghề dược để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Ngoài ra, cần rà soát thêm đối với các thủ tục hành chính khác trong dự thảo để giảm bớt thành phần hồ sơ, liên thông quy trình giải quyết và đặc biệt là có phương án để đánh giá, giảm thời gian giải quyết thủ tục trong lĩnh vực dược.

Thứ ba, hiện nay đang bùng nổ việc bán thuốc, quảng cáo thuốc trên các nền tảng mạng xã hội với việc quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, “thổi phồng” tác dụng của thuốc, bán thuốc giả, đánh đồng giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh … làm nguy hại đến sức khỏe của người dân, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng và một mức độ nào đó đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế. Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, cần nghiên cứu xây dựng các quy phạm chặt chẽ hơn trong kinh doanh dược, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng việc quy định về kinh doanh, quảng cáo về dược theo quy định của luật hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung; có các chế tài mạnh hơn đối với các vi phạm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của người dân trong việc mua, sử dụng, không mắc bẫy các hành vi vi phạm như tôi vừa nêu ở trên; chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để người dân tham khảo, tìm hiểu các thông tin về thuốc.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đánh giá sát mức độ tiếp cận thuốc của người dân vùng sâu, vùng xa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO