Chính sách

Đánh giá cán bộ, công chức bằng KPI sẽ hết cảnh "vui cả làng"

Hằng Nguyễn 09/04/2025 18:02

13 năm làm cán bộ của một Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị cấp huyện, anh Đinh Minh Trung luôn được đánh giá "hoàn thành tốt nhiệm vụ", như một lẽ đương nhiên.

Đánh giá kiểu "cả làng cùng vui"

"Mẫu và nội dung trong bản đánh giá năm nào cũng giống nhau, chỉ điều chỉnh một vài điểm cho phù hợp với từng năm. Nhưng nhìn chung việc đánh giá không quá căng thẳng", anh Trung nói về quá trình đánh giá cán bộ, công chức những năm trước.

Anh đúc kết: "Tôi không phải người xuất sắc, cũng không tệ đến nỗi không làm gì. Mối quan hệ của tôi với đồng nghiệp và cấp trên khá tốt nên hầu như không phải lo lắng. Mọi việc cứ diễn ra bình bình như thế nhiều năm nay".

Làm việc ở một cơ quan trong hơn 10 năm, hầu hết đồng nghiệp đều là những người quen thân, anh Trung cho rằng để đánh giá thực chất một cán bộ theo mức độ hoàn thành công việc thường không dễ.

"Lâu dần thành quen, rồi tôi cũng không mấy khi suy nghĩ về câu chuyện đánh giá đồng nghiệp nữa. Và cuối cùng thì ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", anh cho biết.

Đánh giá cán bộ, công chức bằng KPI sẽ hết cảnh vui cả làng - 1

Anh Trung luôn được đánh giá "hoàn thành nhiệm vụ" nhiều năm nay như một công thức đã được viết sẵn.

Ngược lại, chị Nguyễn Thị Nguyệt, 16 năm làm công chức tại phòng Tài chính - Kế hoạch huyện luôn căng thẳng với những lần tổng kết cuối năm.

"Trước đây bác tôi làm chức to trong cơ quan huyện nên tôi vốn được nâng đỡ. Khi bác về hưu, tôi bị cô lập trong cơ quan. Tính tôi bộc trực, không được lòng mọi người nên khi không còn người bảo bọc tôi thường bị soi mói, tìm lỗi để bắt bẻ", chị Nguyệt thở dài kể lại.

Năm 2024, khi công cuộc tinh giản biên chế nhà nước gay gắt hơn, chị quyết định nghỉ việc vì cho rằng khó bám trụ qua đợt này.

"Về chuyên môn, tôi chỉ tự tin nói rằng tôi làm được việc chứ không phải xuất sắc. Các bản đánh giá của các sếp và đồng nghiệp về tôi đều... lờ nhờ. Tôi nghĩ nếu có một đợt thanh lọc, tôi sẽ bị loại bỏ đầu tiên", chị Nguyệt bộc bạch.

Luật Cán bộ, công chức hiện hành có các quy định về việc đánh giá cán bộ, công chức dựa trên nhiều tiêu chí, bao gồm: Chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc; Ý thức tổ chức kỷ luật và Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, theo thực tế quá trình làm việc của nhiều cán bộ, công chức, việc đánh giá vẫn chủ yếu dựa theo cảm tính.

Bộ tiêu chí chấm điểm mới

Làm việc với Cục Việc làm mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh nêu hướng thay đổi, cơ quan nhà nước phải dùng KPI (chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động) để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công nhân viên chức, giống như các doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc này là cần thiết và cần được quy định rõ trong luật. GS Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, một trong những tồn tại lớn nhất của hệ thống hiện nay chính là tâm lý "dĩ hòa vi quý", dẫn đến việc đánh giá cán bộ thiếu khách quan.

Theo ông, để việc hoạt động của bộ máy chính quyền có hiệu quả cần phải xây dựng một hệ thống giám sát minh bạch. Ở đó, kết quả làm việc của mỗi một cá nhân cán bộ, công chức, viên chức sẽ được ghi nhận theo từng tháng, từng quý. Kết quả cuối năm, việc đánh giá sẽ có số liệu rõ ràng, không thể đưa yếu tố tình cảm cá nhân vào.

Đánh giá cán bộ, công chức bằng KPI sẽ hết cảnh vui cả làng - 2

Việc đánh giá cán bộ, công chức đang hướng tới dựa vào KPI.

Đồng quan điểm, TS Khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời từ ISEAS (Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore) cho rằng, việc đánh giá cán bộ, công chức bằng cảm tính từ trước đến nay là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho việc loại ai, giữ lại ai trong quá trình tinh gọn bộ máy lần này trở nên không dễ dàng.

Theo ông Giang, xây dựng quy định về KPI trong cơ quan nhà nước là rất quan trọng. Tuy nhiên, để xây dựng cơ chế triệt để cần thời gian.

"Lý tưởng nhất là đặt ra những yêu cầu chung cho công chức tham gia bộ máy nhà nước từ cấp trung ương đến địa phương. Từ đó, mỗi một cơ quan lại có những yêu cầu khác nhau từ cách tổ chức thi tuyển đến đánh giá.

Theo tôi, những yêu cầu cụ thể này không nên mang tính phổ cập. Có thể có bộ khung chung, nhưng mỗi cơ quan, tổ chức sẽ thiết kế lại cho phù hợp với những người làm việc trong hệ thống của mình", ông Giang phân tích.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/danh-gia-can-bo-cong-chuc-bang-kpi-se-het-canh-vui-ca-lang-20250408002736891.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/danh-gia-can-bo-cong-chuc-bang-kpi-se-het-canh-vui-ca-lang-20250408002736891.htm
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Đánh giá cán bộ, công chức bằng KPI sẽ hết cảnh "vui cả làng"
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO