Xây dựng Đảng

Đảng bộ Đắk Nông lớn mạnh qua các thời kỳ phát triển

Hồ Đức Diệu 21/03/2024 08:20

Qua các thời kỳ lịch sử, Đảng bộ Đắk Nông luôn đoàn kết một lòng, phát huy ý chí cách mạng, lãnh đạo Nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng và xây dựng, phát triển tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.

Quy tụ ý chí, sức mạnh dân tộc

Từ những “hạt giống đỏ” của Ban cán sự đầu tiên được thành lập trong Ngục Đắk Mil năm 1941, tháng 12/1960, Trung ương quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức và Đảng bộ tỉnh Quảng Đức trực thuộc Liên khu ủy V, đánh dấu bước phát triển về vai trò và quy mô lãnh đạo phong trào cách mạng của Đảng bộ tỉnh Quảng Đức, chuyển từ gìn giữ lực lượng sang thế tiến công cách mạng.

Sự kiện này cũng đánh dấu thời kỳ quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Đức chính thức là đơn vị hành chính cấp tỉnh và có một Đảng bộ lãnh đạo toàn diện phong trào cách mạng, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào các dân tộc M’Nông, Mạ, Êđê… đã sớm giác ngộ và đi theo cách mạng. Đắk Nông trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng, là địa bàn trọng yếu ghi nhiều dấu ấn lịch sử trong cả hai cuộc kháng chiến.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đắk Nông là hậu cứ quan trọng của lực lượng Việt Minh ở Đắk Lắk. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đắk Nông là địa bàn trọng yếu của hành lang chiến lược Bắc - Nam, tuyến chiến lược quan trọng từ Nam Tây Nguyên vào Đông Nam Bộ.

Chiến thắng Đức Lập (9/3/1975), được coi là trận đánh mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử. Ngày 23/3/1975, Gia Nghĩa - tỉnh lỵ Quảng Đức cũ được giải phóng, đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển Đắk Nông cho đến ngày nay.

moc-thoi-gian-dai-hoi.jpg

Qua các thời kỳ phát triển, dù trong chiến tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc hay trong công cuộc xây dựng và phát triển thời bình, Đảng bộ Đắk Nông qua các thời kỳ đã phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, quy tụ sức mạnh đoàn kết để gặt hái thành công.

Vai trò đó được thể hiện rõ nét nhất, tập trung nhất là qua các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh.

Đơn cử, trong bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước sắp đến chặng đường giành thắng lợi, ngày 5/9/1969, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đức lần thứ I khai mạc tại căn cứ Nâm Nung. Đây được xem là đại hội đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc tập trung trí tuệ trong Đảng để đưa ra đường lối, quyết sách về xây dựng, phát triển Đảng, lãnh đạo quần chúng nhân dân phát huy sức mạnh đoàn kết, đánh đuổi ngoại xâm. Đại hội nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá tình hình, chỉ rõ những thành tích đạt được cũng như những yếu kém, khuyết điểm của Đảng bộ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Quảng Đức, đặc biệt là từ sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968. Đồng thời, Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo là phát huy những thắng lợi đã giành được, tiếp tục giữ vững phong trào trong tỉnh, đẩy mạnh hoạt động chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch, chống bình định lấn chiếm, giành giữ dân, giữ vững vùng căn cứ và mở rộng vùng giải phóng, tăng cường công tác xây dựng Đảng các cấp, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về mọi mặt. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân trên chiến trường Nam Tây nguyên đã dành được thắng lợi này đến thắng lợi khác trên mặt trận Nam Tây Nguyên. Trong đó, điển hình là giải phóng Đức Lập (9/3/1975) và giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975), góp phần quan trọng cho cho tổng tiến công, giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển, phát huy truyền thống Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông luôn đoàn kết, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, nhanh chóng vượt qua thách thức, phát huy nội lực, khai thác ngoại lực để cùng chung sức, đồng lòng, đoàn kết xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Đắk Nông, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 8 tập thể: Nhân dân và LLVT nhân dân tỉnh Đắk Nông; Nhân dân và LLVT nhân dân: huyện Đắk Mil, huyện Đắk R’Lấp, xã Nâm Nung (Krông Nô); xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp); xã Quảng Sơn (Đắk G’Long); Tiểu đoàn 301 (BCHQS tỉnh); Đồn Biên phòng Bu Prăng (BCH bộ đội Biên phòng tỉnh)…

Phát huy đoàn kết, trí tuệ

Sau 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (1/1/2004-1/1/2024), Đảng bộ Đắk Nông đã có 4 kỳ đại hội. Ở mỗi kỳ đại hội, nhất là từ khi Đắk Nông được tái lập (1/1/2004), Đảng bộ Đắk Nông đã phát huy sức mạnh, ý chí và trí tuệ tập thể, trách nhiệm của toàn dân trong xây dựng nghị quyết. hàng loạt quyết sách kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn từng giai đoạn đã được ban hành để lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và toàn dân cụ thể hóa vào cuộc sống.

Đơn cử, trong năm đầu tái lập (2004), Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh đã tranh thủ ý kiến của những người gắn bó nhiều năm với mảnh đất Đắk Nông để có cái nhìn toàn diện nhằm đưa ra định hướng xây dựng nghị quyết cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ IX, nhiệm kỳ 2005-2010.

hinh-bieu-quyet.jpg
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã biểu quyết thông qua nhiều chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng cho phát triển

Đại hội IX đã thảo luận và thông qua mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2005 - 2010 là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ; đưa tỉnh Đắk Nông phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân - thế trận an ninh Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến sau năm 2015 đưa kinh tế của tỉnh Đắk Nông đạt mức bình quân chung của cả nước với cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

bieu-do-duc-dieu-new.png

Từ mục tiêu chung của Đại hội IX cho thấy, là đại hội đầu tiên kể từ ngày Đắk Nông tái lập, với trọng trách đưa ra được quyết sách để giải quyết những khó khăn trước mắt của một tỉnh mới tái lập, vừa xác định được chiến lược phát triển mang tính dài hơi, đồng bộ.

Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đưa ra mục tiêu tổng quát giai đoạn 2011 - 2015 là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội và đô thị hạt nhân, thu hút đầu tư; tạo bước phát triển đột phá về kinh tế trong công nghiệp khai khoáng và năng lượng, công nghiệp chế biến và nông nghiệp kỹ thuật cao, dịch vụ và du lịch; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của các dân tộc. Phấn đấu đến năm 2015 thoát ra khỏi tỉnh nghèo và năm 2020 đưa kinh tế Đắk Nông đạt mức bình quân chung của cả nước; tạo tiền đề cơ bản để phát triển toàn diện và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Ngoài việc kế thừa và phát triển những mục tiêu dài hơi từ Đại hội IX, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X được đánh giá là kỳ đại hội đưa ra được những mục tiêu trọng tâm, cần kíp để phát triển tỉnh nhà. Trong đó, các vấn đề trọng tâm được đưa ra như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao…được xem như là điểm nhấn của mục tiêu nghị quyết.

Từ nghị quyết, Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề để tập trung nguồn lực cho những nội dung trọng tâm như: đạo tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao, phát triển mạng lưới đô thị…

Đến Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết; khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; phát huy tiềm năng, lợi thế để đến năm 2020 đưa Đắk Nông thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển”.

Điểm nhấn trong đại hội này là mục tiêu “đến năm 2020 đưa Đắk Nông thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển”. Để đưa ra mục tiêu này là cả một quá trình tính toán vừa mang tính khoa học thực tiễn, vừa mang quyết tâm cao của toàn Đảng bộ.

Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, đưa ra mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của các dân tộc; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.

Có thể thấy, qua 4 kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh kể từ ngày Đắk Nông tái lập, ngoài những mục tiêu xuyên suốt mang tính kế thừa, tùy từng giai đoạn và yêu cầu thực tiễn, Đảng bộ tỉnh đã đưa ra những mục tiêu mang tính đột phá. Từ nghị quyết, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể cụ thể hóa bằng các chương trình, nghị quyết, các kế hoạch phục vụ mục tiêu phát triển.

Tăng cường sức mạnh của Đảng

Ngoài lãnh đạo bằng các chỉ thị, nghị quyết, thời gian qua, thông qua các tổ chức đảng, đảng viên, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn diện các mặt công tác theo tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đa phần đảng viên đã phát huy tốt tính tiên phong, gương mẫu, quy tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ.

Sức mạnh của Đảng bộ tỉnh không chỉ từ việc lãnh đạo thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn phát triển mà còn được thể hiện ở quy mô tổ chức đảng, đảng viên ngày một lớn mạnh, chất lượng, sức chiến đấu trong Đảng ngày một nâng cao.

Nếu như năm 2004, khi mới tái lập, toàn Đảng bộ tỉnh chỉ có khoảng 7000 đảng viên thì đến đại hội IX, (sau 1 năm kể từ ngày tái lập), đảng viên trong toàn đảng bộ tăng lên 7.991 đảng viên. Đến Đại hội lần thứ X (năm 2010), toàn Đảng bộ tỉnh tăng lên 15.000 đảng viên và Đại hội XI (2015) tăng lên 21.300 đảng viên trong toàn Đảng bộ; Đại hội lần thứ XII (2020) tăng lên hơn 26.500 đảng viên toàn Đảng bộ. Tính đến hết năm 2023, toàn Đảng bộ tỉnh có 27.775 đảng viên, trong đó, đảng viên nữ 10.253 người; đảng viên người dân tộc thiểu số 4.429 người; đảng viên là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh 7.042 người…

Với sự lớn mạnh không ngừng về quy mô, chất lượng, hoạt động của Đảng đã tăng cường sức mạnh lãnh đạo, thực hiện chủ trương, đường lối của đảng đến mọi tầng lớp nhân dân. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa… kịp thời bám sát thực tiễn cuộc sống.

Những thành quả đạt được của Đắk Nông trong quá trình đấu tranh dành độc lập, xây dựng tỉnh nhà, nhất là giai đoạn từ khi tái lập đến nay là minh chứng rõ nét nhất cho vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trên lộ trình phát triển.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đảng bộ Đắk Nông lớn mạnh qua các thời kỳ phát triển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO