Mở đầu bài báo, Bác Hồ nhắc nhở “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Do “chưa hiểu thấu, làm chưa đúng” cho nên Bác nhắc lại bốn vấn đề quan trọng của công tác dân vận: Nước ta là nước dân chủ; dân vận là gì?; ai phụ trách dân vận?; dân vận phải thế nào? Bài báo chỉ hơn 600 chữ, với cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, nhưng đã đề cập một cách toàn diện những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác dân vận của Đảng.
Trong bài viết, Bác Hồ chỉ rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức Nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. Rõ ràng, công tác dân vận không chỉ là công việc của mặt trận, các đoàn thể mà phải là công việc thường xuyên và quan trọng của chính quyền các cấp. Nói một cách khác, công tác dân vận phải là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.
Đặt vấn đề ai phụ trách dân vận?, Bác Hồ cũng chỉ rõ: “Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn… Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc…”.
Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng |
Qua đó cho thấy, vai trò dân vận của chính quyền rất quan trọng, liên quan đến mọi mặt đời sống, nhất là trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Nếu chính quyền không quan tâm, chú trọng đến công tác dân vận tất yếu dẫn đến nảy sinh những khiếu kiện kéo dài trong Nhân dân. Công tác dân vận có làm tốt thì mới giải quyết được vấn đề khiếu nại, khiếu kiện, góp phần yên dân, để người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Do đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận. Nơi nào, đơn vị nào mà lãnh đạo quan tâm đúng mức, có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể gắn với nhiệm vụ chuyên môn thì ở nơi đó sẽ thực hiện tốt công tác dân vận, phát huy dân chủ.
Chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dân vận của chính quyền không những phải gắn với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân mà còn phải gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần, thái độ “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Công tác dân vận còn phải đặt trong mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng nhất quán quan điểm và hành động. Chính quyền, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các loại hình dân chủ ở cơ sở. Đi đôi với đó, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm minh những hành vi sách nhiễu, xâm phạm đến các quyền, lợi ích chính đáng của người dân tăng cường hơn nữa.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi cơ sở, bám sát địa bàn, gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân khi thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.
Đoạn cuối bài viết, Bác Hồ khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.