Dân Sudan mắc kẹt giữa những lựa chọn khi chiến sự bùng lên

Trang Linh (Vietnam+)| 25/04/2023 11:31

Cuộc chiến ở thủ đô Khartoum (Sudan) đang chia rẽ các gia đình, bởi một số người quyết định ở lại trong khi những người thân yêu của họ lựa chọn ra đi.

Dan Sudan mac ket giua nhung lua chon khi chien su bung len hinh anh 1Thủ đô Khartoum của Sudan trở nên hoang vắng. (Nguồn: AFP)

Điều kiện sống khốn khổ đã tạo ra một cuộc di cư quy mô lớn, khiến thủ đô Khartoum của Sudan trở nên hoang vắng như một “thị trấn ma.”

Vài ngày sau khi cuộc đụng độ vũ trang lớn nổ ra ở Sudan, Dalia Mohamed, 37 tuổi, và mẹ của cô phải đối mặt với sự lựa chọn đầy khó khăn: Chạy trốn khỏi thủ đô Khartoum hay ở lại.

Chạy khỏi ốc đảo thiên đường

Dilia Mohamed và mẹ sống trong một ngôi nhà nằm ở trung tâm cuộc nội chiến. Những âm thanh không ngớt của đạn nhọn, tên lửa và pháo binh đã vượt quá sức chịu đựng của họ.

Vào ngày 20/4, họ sắp xếp một số vật dụng cơ bản và chạy trốn sau khi ngôi nhà bị hư hại sau một cuộc tấn công bằng tên lửa.

Mohamed chia sẻ với Al Jazeera: “Tôi đã cố trì hoãn việc rời khỏi Khartoum. Ta luôn nghe thấy những câu chuyện về việc nhiều người phải rời khỏi nhà của họ bởi các lý do khác nhau, nhưng chúng chẳng gây ảnh hưởng gì cho tới khi ta phải làm điều tương tự.”

Trong quá khứ, Khartoum từng là thiên đường dành cho những người chạy trốn khỏi nhiều cuộc nội chiến ở những vùng khác, chẳng hạn như Darfur, dãy núi Nuba và Nam Sudan - trước khi Nam Sudan trở thành một quốc gia độc lập vào năm 2011.

Suốt nhiều thập kỷ, giới tinh hoa nắm quyền và quân đội đã quân sự hóa, sau đó khai thác các nguồn tài nguyên như dầu mỏ và vàng để làm giàu cho bản thân, trong khi chỉ cung cấp một lượng vừa đủ để xoa dịu cư dân ở Khartoum.

Nhưng giờ đây, thủ đô Sudan đã trở thành tâm điểm của cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội và một lực lượng bán quân sự hung tợn được gọi là Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF). Cả hai bên đã thiết lập các trạm kiểm soát và thực hiện nhiều cuộc đụng độ bừa bãi, dẫn đến số người chết ngày càng tăng và tình trạng thiếu lương thực, điện, nước lan rộng.

Dan Sudan mac ket giua nhung lua chon khi chien su bung len hinh anh 2Người dân tìm đường rời khỏi Khartoum. (Nguồn: aljazeera)

Những điều kiện khắc nghiệt ấy đã gây ra một cuộc di cư hàng loạt và biến Khartoum - một thành phố vốn sôi động với 5 triệu dân - thành một “thị trấn ma.”

Mohamed tâm sự: “Rời khỏi nhà là quyết định khó khăn nhất mà tôi từng phải đưa ra. Nhưng ngay cả bây giờ, nếu ai đó nói rằng Khartoum đã an toàn và chúng tôi có thể quay lại thì chúng tôi sẽ trở về ngay. Hiện tại thì chúng tôi không thể.”

Kế hoạch thoát thân

Cư dân bỏ trốn khỏi Khartoum đang hướng về phía Đông tới Port Sudan, một khu vực tương đối an toàn và có các tuyến đường biển nối với Djibouti cũng như Ai Cập.

Những người khác thì lái xe về phía Bắc đến Ai Cập, dù chỉ có trẻ em, người già và phụ nữ mới có thể vào nước này mà không cần thị thực. Nam thanh niên Sudan từ 16 đến 49 tuổi phải nộp đơn xin thị thực trước một ngày tại lãnh sự quán Ai Cập ở Wadi Halfa, một thành phố gần biên giới.

Đó là yêu cầu có thể khiến các gia đình bị chia cắt. Nhiều người phải nói tạm biệt với con trai, anh em và cha của họ, với hy vọng sớm đoàn tụ.

Nhưng những cung đường đến Ai Cập cũng không thực sự an toàn. Một số người đang trên hành trình này kể lại với Al Jazeera rằng các chiến binh RSF mang súng đã cướp bóc và trấn lột những xe đi ngang.

Shaima Ahmed, 27 tuổi, đang sống ở London, Anh, gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục cha mẹ cùng anh chị em của mình rời khỏi Khartoum.

“Thật căng thẳng khi không thể cung cấp thông tin đáng tin cậy cho gia đình. Tôi đang giục mọi người đến Ai Cập, tuy nhiên cũng không muốn thúc ép quá nhiều. Nếu có chuyện gì xảy ra với họ thì đó sẽ là lỗi của tôi,” Ahmed nói.

Raga Makawi, một công dân Anh gốc Sudan đang thăm gia đình ở Khartoum khi chiến tranh nổ ra, cho biết rằng công tác hậu cần phục vụ cho việc chạy trốn là không hề dễ dàng. Các gia đình sẽ phải tự tìm phương tiện chạy trốn, khi các tuyến xe buýt thông thường đã ngừng hoạt động. Họ cũng phải biết cách tránh các trạm kiểm soát của RSF.

Dan Sudan mac ket giua nhung lua chon khi chien su bung len hinh anh 3Cuộc chiến ở Khartoum cũng đang chia rẽ các gia đình. (Nguồn: Reuters)

“Tính đến một giờ trước đây, chi phí thuê một chiếc xe buýt lớn từ Khartoum đến Cairo là 10,000 USD. Vài ngày trước, giá xe chỉ là 4,000 USD. Nhưng cánh tài xế có thể hô bất cứ giá nào họ muốn và mọi người đều sẽ đồng ý trả tiền, để cứu lấy mạng sống của họ,” Makawi nói.

Lựa chọn ở lại

Cuộc chiến ở Khartoum cũng đang chia rẽ các gia đình, bởi một số người quyết định ở lại trong khi những người thân yêu của họ lựa chọn ra đi. Dania Atabani, 23 tuổi cho biết cha mẹ, dì và anh em họ của cô đều rời thành phố nhưng cô quyết định ở lại chăm sóc ông bà. 

Nhiều người trẻ tuổi khác như Sammer Hamza, 26 tuổi, vẫn chưa quyết định nên đi hay ở lại. Các cuộc đụng độ tiếp tục leo thang trong khu vực của cô khiến việc ra ngoài trở nên rất nguy hiểm.

Nhưng ngay cả khi lựa chọn chạy trốn trở nên an toàn hơn, Hamza nói rằng việc rời khỏi ngôi nhà - và thành phố yêu dấu - sẽ là lựa chọn khó khăn nhất mà cô từng phải thực hiện.

Chia sẻ với Al Jazeera qua điện thoại khi đang cố kìm lại nước mắt,  Hamza nói: “Tôi thực sự không muốn rời khỏi nhà. Tôi hy vọng chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra ở Sudan. Tôi hy vọng rằng chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra ở Khartoum”./.

Trang Linh (Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/dan-sudan-mac-ket-giua-nhung-lua-chon-khi-chien-su-bung-len/859066.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/dan-sudan-mac-ket-giua-nhung-lua-chon-khi-chien-su-bung-len/859066.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Dân Sudan mắc kẹt giữa những lựa chọn khi chiến sự bùng lên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO