Đời sống

Dân di cư tự phát và hệ lụy mất rừng ở Đắk Nông

Phan Tuấn 13/04/2023 08:54

Nhiều năm qua, dân di cư tự phát đã cạo trọc hàng chục nghìn hecta đất rừng ở Đắk Nông. Bộ phận này vẫn gây ra rất nhiều áp lực cho cơ quan chức năng trong việc quản lý bảo vệ rừng và ổn định dân cư.

di-cu.jpg
Người dân di cư tự phát lấn chiếm đất rừng để trồng cây công nghiệp, dựng nhà. Ảnh: Bảo Lâm

Dân di cư tự phát theo dõi lực lượng bảo vệ rừng

Liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, anh Lương Văn Phú - nhân viên chốt quản lý bảo vệ rừng số 3 của Công ty TNHH MTV Đắk N'tao - cho biết, chốt có 3 nhân viên được giao quản lý hơn 1.000ha đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên.

Trên diện tích này hiện có khoảng 150ha đã bị hàng chục hộ dân di cư tự phát lấn chiếm, sinh sống trong rừng cho nên lực lượng chức năng rất khó quản lý, bảo vệ.

Theo anh Phú, lực lượng bảo vệ rừng đã thay nhau tuần tra khép kín cả ngày lẫn đêm nhưng không thể kiểm soát hết được. Khi lực lượng tuần tra khu vực này, người dân lại lấn chiếm đất, rừng khu ở vực khác. Thậm chí, người dân còn tổ chức cho người canh gác, cảnh giới ngược lại đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng.

Điều đáng nói, việc lấn chiếm rừng thường được thực hiện vào ban đêm. Tại các khu vực tiếp giáp với nương rẫy cũ, mỗi năm người dân lấn thêm một ít. Họ thực hiện với thủ đoạn rất tinh vi như dùng cưa điện, cưa tay để cắt cây nhằm không phát ra tiếng động. Cây sẽ được cắt đứt một phần rồi chờ gió làm đổ ngã thì mới tiến hành đốt dọn, trồng cây.

Cũng theo anh Phú, người dân rất manh động, nếu truy quét mạnh họ sẽ đem chất bẩn, đá ném vào trong chốt, đập vỡ cửa, đốt trạm gác. Nhiều đêm anh em đi tuần tra về thì khóa cửa bị nêm gỗ, hoặc đinh sắt vào bên trong ổ khóa. Khi đó, anh em phải ngủ ngoài bìa rừng…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao Phùng Văn Kiên cho biết, chủ rừng hiện bị hạn chế rất nhiều bởi các quy định pháp luật, nhất là đối với việc xử lý hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Trên thực tế, chủ rừng chỉ bảo vệ, phát hiện hành vi vi phạm, lập biên bản vụ việc ban đầu và báo cáo. Trong khi đó, thẩm quyền xử lý lại thuộc chính quyền địa phương.

Thời gian qua đã xảy ra tình trạng chính quyền địa phương không đủ người để phối hợp, dẫn đến vụ việc không được xử lý, hoặc xử lý không triệt để, kịp thời. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng nghìn hộ dân làm nhà, sản xuất nông nghiệp, chiếm dụng đất và sinh sống trái phép trong lâm phần các đơn vị lâm nghiệp quản lý.

Ông Kiên cũng cho hay, chủ rừng không có thẩm quyền về kiểm tra, cưỡng chế, quản lý hành chính về dân cư. Trong khi đó, người dân lại sinh sống rải rác rất nhiều trong rừng, có thể phá rừng, lấn chiếm đất, rừng bất cứ lúc nào, điều này tạo nên áp lực lớn, thường trực.

Hàng nghìn hecta đất rừng bị lấn chiếm trái phép

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn đang đứng chân tại huyện Đắk Glong. Qua rà soát 19 tiểu khu, cơ quan chức năng xác định có hơn 1.153ha diện tích đất, rừng bị lấn chiếm.

Cụ thể, có 70,6ha đã được trồng cây keo lai; 1.082ha được trồng cây cà phê, hồ tiêu...; 587 công trình, vật kiến trúc. Tổng đối tượng đang sử dụng đất là 2.094 hộ. Trong đó, có 362 hộ dân tộc thiểu số địa phương, số còn lại là các hộ dân từ các tỉnh, thành khác trong cả nước di cư đến lâm phần của công ty quản lý.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao đang được quản lý, bảo vệ hơn 11.176ha. Theo kết quả cập nhật diễn biến rừng, đến ngày 31.12.2022, có hơn 3.080ha đất, rừng bị lấn chiếm, với hơn 1.858ha đã được canh tác các loại cây trồng.

Bên cạnh đó, trên diện tích đất bị lấm chiếm có 633 nhà ở, nhà tạm, nhà chòi với số hộ canh tác được xác định và thống kê là 785 hộ.

Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương khoảng 120 hộ (chiếm 16%); đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ nơi khác đến khoảng 665 hộ (chiếm 84%); còn khoảng 200 hộ lấn chiếm 457,2ha chưa xác định được đối tượng.

Theo thông kế, hiện toàn tỉnh Đắk Nông có 38.191 hộ với 173.973 nhân khẩu dân di cư tự phát từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đến sinh sống.

Đến nay, có 32.741 hộ với 149.643 nhân khẩu được sắp xếp, ổn định cuộc sống, số còn lại đang sống rải rác chủ yếu trong các khu rừng ở huyện Tuy Đức và Đắk Glong.

Hiện, toàn tỉnh còn 5.451 hộ với 24.330 nhân khẩu chưa ổn định cuộc sống, trong đó có khoảng 3.200 hộ xâm chiếm hơn 20.934ha đất lâm nghiệp, đang sống rải rác trong khu bảo tồn, rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp.

Dân di cư tự phát được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng nghìn hecta đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, nhiều cánh rừng tự nhiên tại Đắk Nông bị tàn phá.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/dan-di-cu-tu-do-cao-troc-hang-chuc-nghin-hecta-dat-rung-o-dak-nong-1179047.ldo?gidzl=JmN2PN5LXMXD7yHWVag7QqKRnM9WI8LjN4-MPcTFrsaFJPHaDKo7F5rAb6Dl6ePb0a_EOpGBP70-TbU1R0
Copy Link
https://laodong.vn/xa-hoi/dan-di-cu-tu-do-cao-troc-hang-chuc-nghin-hecta-dat-rung-o-dak-nong-1179047.ldo?gidzl=JmN2PN5LXMXD7yHWVag7QqKRnM9WI8LjN4-MPcTFrsaFJPHaDKo7F5rAb6Dl6ePb0a_EOpGBP70-TbU1R0
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Dân di cư tự phát và hệ lụy mất rừng ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO