Dân chủ, công khai trong quản lý, điều hành
Quá trình triển khai thực hiện Đề án số 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân.
Việc thực hiện công khai, dân chủ đã trở thành phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền. Các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn gắn việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành với công tác dân vận, tăng cường thực hành dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của đơn vị mình.
Việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua, cải cách hành chính, cải tiến phương pháp làm việc, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được nâng lên.
UBND phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) thực hiện quét mã QR đối với các lĩnh vực để người dân tiện theo dõi, nắm bắt |
Đến nay, hệ thống dịch vụ công trực tuyến tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông của tỉnh được triển khai cho toàn tỉnh bao gồm 18/18 sở, ngành tập trung tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh; 8/8 UBND các huyện, thành phố; 71/71 xã, phường, thị trấn. HĐND tỉnh tổ chức thành công 36 kỳ họp, 35 hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp với 80 - 90 lượt cử tri tham dự tại mỗi điểm tiếp xúc. Các địa điểm tiếp xúc cử tri được bố trí theo hướng “gần dân, hiểu dân” để đại biểu thực hiện có hiệu quả vai trò cầu nối giữa cử tri và các cơ quan dân chủ.
Đi đôi với đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức thực hiện 1.304 cuộc giám sát tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của Nhân dân như chính sách giảm nghèo, các khoản huy động tự nguyện trong Nhân dân... Sau giám sát, thông qua kiến nghị của MTTQ các cấp, nhiều vấn đề được tiếp thu, giải quyết, chấn chỉnh.
Nhân dân phát huy quyền làm chủ
Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nên đời sống của Nhân dân của tỉnh nói chung tương đối ổn định, từng bước được cải thiện và nâng lên. Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, quyết định những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của mình. Người dân yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của chính quyền địa phương, góp phần củng cố bộ máy, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 35/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); bình quân mỗi xã đạt 16,42 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. TP. Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Dự kiến đến cuối năm có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM; có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân mỗi xã đạt 16,5 tiêu chí NTM. Năm 2022, Tỉnh ủy Đắk Nông đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện vượt và đạt 13 chỉ tiêu nghị quyết đề ra, trong đó có 7/13 chỉ tiêu vượt.