Sen hồng trên cao nguyên
Một ngày cuối tuần, tôi men theo Quốc lộ 28, khám phá vùng đất Krông Nô (Đắk Nông) - một điểm dừng chân hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài nước, khi sở hữu hệ thống các hang động núi lửa dài và đẹp bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Thời điểm này, cao nguyên Đắk Nông đang bước vào mùa mưa, thi thoảng những cơn mưa rừng đến rồi đi bất chợt càng tô thêm sắc màu cho vùng đất đại ngàn. Đường lên cao nguyên quanh co, một bên ôm sát sườn đồi, phía còn lại thoai thoải đồng lúa, nương ngô, dệt nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ.
Trên hành trình khám phá cao nguyên, điều khiến du khách đường xa bất ngờ chính là sự hiện diện của một đầm sen rộng lớn lọt dưới dãy núi trùng điệp, phía xa có dòng sông Cha uốn lượn. Không cầm lòng trước bức tranh “sơn thủy hữu tình”, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Duy Thương (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã mở máy ảnh bấm liên hồi. Anh chia sẻ, hiếm lắm mới thấy cao nguyên có đầm sen tuyệt đẹp đến vậy.
Người dân thu hoạch hoa sen |
Cũng là tín đồ đam mê xê dịch, chị Nguyễn Thị Mai (TP Buôn Ma Thuột) cho hay, rất yêu vẻ đẹp mộc mạc nhưng tinh khiết của sen hồng. Ở cao nguyên, rất hiếm khi chị mua được hoa sen tươi về trang trí. Khi đặt chân qua vùng Krông Nô, chị rất bất ngờ trước đầm sen rộng lớn. Theo chị Mai, mỗi thời điểm, một góc nhìn, hồ sen mang một vẻ đẹp khác nên ngắm hoài không chán. Buổi sáng, mặt trời hướng những tia nắng đầu tiên về phía đầm sen tạo nên không gian mờ ảo bảng lảng sương khói. Chiều tà, ông mặt trời đỏ rực, từ từ khuất bóng sau núi tạo nên khung cảnh thanh bình. Do đó, mỗi lần đi qua, chị đều lưu giữ những bức ảnh đẹp. Ngoài ra, chị Mai không quên mua vài bó sen hồng về trang trí căn nhà.
Bà Lê Thị Hồng (người dân xã Nâm N’đir) cho biết, nước trong đầm khá sâu, có nơi hơn cả mét. Trước đây, người dân chỉ lui tới bắt cua, tép, cá tự nhiên. Xung quanh đầm, người dân trồng lúa nước hai vụ. Cách đây khoảng 10 năm, có một người phụ nữ mang giống sen từ quê vào trồng ở bờ ruộng nhà mình. Sau đó, sen bắt đầu lan rộng khắp mặt hồ, đến nay hơn chục héc-ta. Sen sinh sôi, phát triển hoàn toàn tự nhiên. Người dân xung quanh cũng rất ý thức gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên của đầm sen.
Chị Nguyễn Thị Hiền bén duyên với vùng đất Krông Nô |
Từ khi có hồ sen, bà Hồng và nhiều người dân xung quanh có thêm thu nhập từ việc bán búp sen tươi. Với giá dao động từ 15.000-20.000 đồng/bó/10 bông, mỗi ngày, người dân có thể thu được vài trăm nghìn đồng. Không chỉ bán cho khách đi đường, có hộ còn hái sen bỏ mối cho TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk... Theo bà Hồng, sen nở hoa quanh năm, hết đợt này lại có đợt khác. Khi sen tàn, bà con lại thu hoạch đài sen (gương sen) về bóc lấy hạt, có hộ còn làm cả trà sen để bán…
Theo Ban quản lý công viên địa chất Đắk Nông, đầm sen là một hồ nước tự nhiên hình thành do hoạt động của sông Krông Nô, cách đây hàng trăm nghìn năm. Khi sông ở giai đoạn trưởng thành, nhiều phù sa tích lại cản trở dòng chảy khiến nó phải uốn lượn tìm đường đi mới, tạo nên nhiều khúc uốn. Đến giai đoạn tiếp theo, sông trẻ hoá trở lại, dòng chảy có năng lượng lớn đã nắn thẳng, dịch ra xa, bỏ lại những đoạn khúc uốn cũ, gọi là hồ móng ngựa như hiện nay.
Ngoài ra, vào tháng 2 và tháng 8 trong năm, sen đồng loạt bung nở, nhuộm hồng cả một vùng. Lúc này, du khách đổ về tham quan, chụp ảnh rất đông. Người dân có thêm nguồn thu từ dịch vụ cho thuê trang phục chụp ảnh, kinh doanh nước giải khát…
Tạo kế sinh nhai bền vững cho người dân
Gần đầm sen có một điểm dừng chân cho du khách mang tên “Nhà lá”, được trang trí khá đơn sơ đúng như tên gọi của nó. Chủ nhân của “Nhà lá” là chị Nguyễn Thị Hiền (quê Đà Nẵng). Trong bộ áo bà ba truyền thống với mái tóc búi cao đậm chất phụ nữ thôn quê, chị Hiền chia sẻ, rất yêu thích khám phá vùng đất mới. Cách đây 3 năm, chị Hiền lần đầu đặt chân lên vùng đất lửa Krông Nô (Đắk Nông). Đắm say trước “bức tranh thủy mạc” giáp sông, tựa núi của đầm sen, vợ chồng chị Hiền quyết định dừng chân lập nghiệp dù thời điểm đó, nơi đây khá thưa người. Ban đầu chị mở một quán cà phê nhỏ nhưng vừa mở ra đã gặp dịch COVID-19. Dù gặp khó khăn, vợ chồng chị vẫn kiên trì bám trụ.
Với mong muốn tạo không gian thoáng đãng, gần gũi thiên nhiên cho du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm bên đầm sen, chị Hiền quyết định thiết kế quán theo phong cách đồng quê thu nhỏ. Chị chọn vật liệu từ tre, nứa làm quán để ít tác động vào thiên nhiên. Để tạo thuận tiện cho du khách chụp hình với hoa sen, chị Hiền làm thêm các cây cầu khỉ dẫn ra khu đầm, bố trí thuyền cho khách trải nghiệm chèo thuyền hái sen… Ngoài ra, chị còn làm thêm ao cá, cánh đồng hoa, và các tiểu cảnh giản đơn.
Chị Hiền thông tin thêm, vào các dịp lễ, tết, hoặc thời điểm hoa sen nở rộ, du khách khắp nơi đến tham quan rất đông. Nhiều khách thành phố tỏ ra thích thú với không gian đồng quê thanh bình, nhất là sau dịch COVID-19, xu hướng du lịch tìm về thiên nhiên. “Nhà lá” của chị Hiền cũng được nhiều du khách nước ngoài ghé thăm. Họ hào hứng tham gia trải nghiệm chèo thuyền hái sen mang đậm màu sắc đồng quê. Trong thực đơn của “Nhà lá”, có nhiều món ăn, thức uống được làm từ sen như: Trà sen, mứt sen, cá lóc nướng lá sen…
Hơn 3 năm gắn bó với vùng núi lửa Đắk Nông, chị Hiền tâm sự ngày càng yêu không gian yên tĩnh này. Thời gian tới, chị dự định phát triển thêm các sản phẩm về sen từ vùng đất núi lửa, đưa sản phẩm lên các nền tảng bán hàng trực tuyến. Chị cũng sẽ nghiên cứu thêm các món ăn dinh dưỡng về sen để phục vụ du khách thưởng thức tại chỗ.
Chị Hiền và bà con xung quanh rất vui mừng khi chính quyền địa phương đang quy hoạch đầm sen Krông Nô thành một điểm dừng chân của du khách trên tuyến tham quan “Trường ca của Lửa và Nước” thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đây là tuyến du lịch có nhiều hệ thống hang động núi lửa bazan hoang sơ, phân bố dọc sông Krông Nô được phát hiện từ năm 2007; là hệ thống hang động núi lửa dài và đẹp nhất Đông Nam Á. Khi đầm sen được quy hoạch phát triển bài bản, sẽ tạo thành điểm du lịch hấp dẫn, tạo kế sinh nhai bền vững cho người dân địa phương.