Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vừa nhận định các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine hiện chưa thể diễn ra vào thời điểm này.
Trong bài phỏng vấn đăng trên nhật báo El Pais của Tây Ban Nha ngày 9/5, Tổng thư ký Guterres cho biết ông chưa nhận thấy có khả năng đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện, hay đàm phán hòa bình vào thời điểm hiện tại, do do cả Nga và Ukraine đều tin có thể giành chiến thắng.
Đánh giá về nỗ lực trung gian của Trung Quốc và Brazil trong cuộc xung đột tại Ukraine, ông Guterres cho rằng việc đạt được hòa bình là chưa thể xảy ra, đồng thời bày tỏ hy vọng đàm phán hòa bình có thể diễn ra trong tương lai nhằm hướng đến một nền hòa bình công bằng phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký nêu rõ Liên hợp quốc đang đối thoại với cả hai bên để giải quyết các vấn đề cụ thể, quan trọng nhất là thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và lương thực và phân bón từ Nga qua Biển Đen. Ông Guterres cũng bày tỏ quan ngại về tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhưng ông cho rằng nguy cơ leo thang hạt nhân là rất thấp.
Điện Kremlin ngày 27/4 khẳng định Nga hoan nghênh mọi nỗ lực thúc đẩy việc chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Phát biểu trước báo giới khi được hỏi về cuộc điện đàm mới đây giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Nga sẵn sàng hoan nghênh bất cứ điều gì có thể giúp chấm dứt xung đột tại Ukraine và đạt được các mục tiêu mà Moskva đề ra."
Ông cũng cho biết hiện không có kết hoạch cho bất kỳ cuộc tiếp xúc mới nào giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình trong tương lai gần.
Đề cập tác động của việc các nước châu Âu trục xuất các nhà ngoại giao Nga, ông Peskov nhấn mạnh những động thái này đã khiến quan hệ giữa Nga và các nước trên rơi xuống mức thấp nhất, cũng như dẫn đến các biện pháp đáp trả tương xứng từ phía Nga. Điều này làm thu hẹp không gian cho đối thoại.
Trong thời gian gần đây, căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây, khi nhiều nước châu Âu trong đó có Đức, Na Uy, Thụy Điển, đã tiến hành các đợt trục xuất các nhà ngoại giao Nga liên quan cuộc xung đột tại Ukraine. Phía Nga đã tiến hành các động thái đáp trả tương tự./.