Đất và người Đắk Nông

Đậm đà bản sắc văn hóa trong giao lưu giữa tỉnh Đắk Nông - Việt Nam và Ấn Độ 

Mỹ Hằng 14/08/2023 10:52

Những nét đặc sắc văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và Đắk Nông sẽ được giới thiệu tại Chương trình Giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa tỉnh Đắk Nông - Việt Nam và Ấn Độ, diễn ra tối nay 14/8, tại TP. Gia Nghĩa.

Mang đậm bản sắc văn hóa

Theo kế hoạch, Chương trình Giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa tỉnh Đắk Nông và Ấn Độ sẽ được diễn ra vào lúc 19h30 phút, ngày 14/8 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông. Chương trình do các ca sĩ diễn viên Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Nông và Đoàn nghệ thuật múa cổ điển Ấn Độ phối hợp biểu diễn. Tại chương trình sẽ có 11 tiết mục ca múa của 2 đoàn sẽ giới thiệu đến khán giả bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước Ấn Độ và Việt Nam, mảnh đất, con người Đắk Nông.

Trong đó, Đoàn Đắk Nông sẽ biểu diễn các tiết mục như “Ru rừng - Câu hát pictơ trơ”; “Hoàng hôn cao nguyên”; “Đắk Nông - khát vọng đại ngàn”; “Huyền thoại bên dòng GanGa”; “Việt Nam quê hương tôi”. Các tiết mục của Đoàn Đắk Nông  giới thiệu về vùng đất Đắk Nông với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời. Nơi đây còn lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như Sử thi (Ot Ndrông), là kho tàng sử thi đồ sộ của dân tộc M'nông. Bên cạnh đó, các loại hình diễn xướng dân gian phong phú đa dạng về thể loại, thang âm, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, các loại nhạc cụ dân tộc làm bằng tre, nứa, đá khi đánh lên mang âm hưởng của tiếng suối, thác đổ, núi rừng, biểu hiện cho tiếng lòng của người Tây Nguyên, Đắk Nông... 

hinh1-1-.jpg

Đoàn nghệ thuật Ấn Độ mang đến, biểu diễn các tiết mục như múa truyền thống Ragam, “Javali”, “Swati thirunal keertana”; múa truyền thống Ragam… Các tiết mục của Đoàn Ấn Độ tập trung vào các điệu múa ca ngợi các vị thần như thần Shiva, thần tình yêu Manmad, thần Ganesha (thần đầu voi), thần Krishna…

Đặc biệt, điệu múa Mohana- điểm thu hút chính trong phong cách nhảy Kuchipudi là biểu diễn Tarangam. Các diễn viên Đoàn Ấn Độ sẽ khiêu vũ với đôi chân đặt trên vành của một chiếc đĩa bằng đồng đã được giới thiệu để làm cho phong cách này trở nên hấp dẫn và nổi bật hơn so với các phong cách cùng loại. Trong tiết mục này, đoàn Ấn Độ sẽ đóng kịch tình tiết của Thần Krishna, người đang chơi với bạn bè của mình thì cảm thấy đói. Sau khi biết rằng không có bạn bè nào của mình mang đồ ăn nhẹ/thức ăn để nhai, cậu bé nghịch ngợm Krishna lẻn cùng các bạn của mình vào nhà của một Gopika và định lấy một ít bơ được cất cẩn thận trên cao buộc vào mái nhà bịt kín…

hinh1-4-1-.jpg
Các diễn viên Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông tích cực luyện tập phục vụ Chương trình Giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa tỉnh Đắk Nông - Ấn Độ, diễn ra tối nay 14/8, tại TP. Gia Nghĩa

Tất cả đã sẵn sàng

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật Đắk Nông - Ấn Độ là một trong những hoạt động góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Đắk Nông với Tổng Lãnh sự  Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Nhân dân 2 nước Việt Nam - Ấn Độ nói chung. Chương trình tăng cường hoạt động đối ngoại văn hóa, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng như nét đẹp, văn hóa, nghệ thuật của Đắk Nông đến với đất nước, Nhân dân Ấn Độ.

Với tinh thần đó, ngay sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh, đơn vị đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện theo đúng nội dung, kế hoạch đã phân công.

Để chương trình giao lưu đạt chất lượng, hấp dẫn, đơn vị đã giao cho Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông xây dựng kịch bản chương trình văn nghệ một cách cụ thể, chi tiết. Đội ngũ diễn viên, ca sĩ, vũ công xác định rõ trách nhiệm, nỗ lực luyện tập cho các tiết mục công diễn tại đêm giao lưu.

Anh Quốc Bảo, Biên đạo múa Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Nông cho biết: “Với các tiết đã được phê duyệt, những ngày qua, các thành viên trong đoàn đều tích cực luyện tập. Qua các tiết mục, chúng tôi muốn các bạn Đoàn Ấn Độ hiểu sâu hơn về văn hóa, vùng đất, con người Đắk Nông. Tại thời điểm này, chúng tôi cảm thấy tự tin và nóng lòng chờ đón giây phút được lên sân khấu biểu diễn chính thức”.

Còn ca sĩ Lê Thương cũng cho hay: “Tham gia chương trình, nhóm Đắk Tíh thể hiện tiết mục “Hoàng hôn cao nguyên”, hồi hộp và mong chờ được thể hiện, giao lưu với các nghệ sĩ Ấn Độ là cảm xúc của tôi cũng như các thành viên trong nhóm. Chúng tôi sẽ tập luyện, biểu diễn hết mình để có thể mang đến cho khán giả những tiết mục hay đặc sắc, thể hiện đặc trưng, nét văn hóa của núi rừng, con người Tây Nguyên”.

Ngoài việc lựa chọn luyện tập các tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Đắk Nông, công tác tuyên truyền cũng được các đơn vị liên quan tích cực triển khai thực hiện. Trong đó, Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Đắk Nông đã treo 20m băng rôn; 86 m2 bảng pano lá dọc các trục đường chính của TP. Gia Nghĩa.

Công tác hậu cần, cơ sở vật chất, âm thanh, ánh sáng, sân khấu, giấy mời, danh sách đại biểu đều đã sẵn sàng... Việc bảo đảm an ninh, trật tự,  y tế cũng được Đắk Nông lên phương án cụ thể.

hinh1-2-1-.jpg
Những nét đặc sắc văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và Đắk Nông sẽ được giới thiệu đến những người bạn Ấn Độ tại Chương trình Giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa tỉnh Đắk Nông - Ấn Độ

Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Đắk Nông cho biết: “Chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) - Ấn Độ tăng cường giao lưu văn hóa, văn nghệ và tạo sự hiểu biết hơn nữa về văn hóa giữa Việt Nam - Ấn Độ. Chương trình góp phần thúc đẩy xây dựng mối quan hệ sâu rộng giữa tỉnh Đắk Nông và Ấn Độ. Qua chương trình, các bạn Ấn Độ có dịp hiểu thêm về nền văn hóa Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần củng cố thúc đẩy mối quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Đắk Nông với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và giữa Nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ nói chung”.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đậm đà bản sắc văn hóa trong giao lưu giữa tỉnh Đắk Nông - Việt Nam và Ấn Độ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO