Đắk Wer - xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Đắk Nông
Đắk Wer là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của Đắk Nông. Bộ mặt nông thôn của xã thay đổi rõ rệt, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao.
Hạ tầng nông thôn khởi sắc
Đến xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) hôm nay có thể thấy được sự thay đổi rõ nét trên các tuyến đường nông thôn. Sau thời gian xây dựng NTM, các tuyến đường nông thôn của xã được bê tông hoá. Không chỉ dừng lại ở đổ bê tông, các tuyến đường còn được trồng hoa, cây cảnh hai bên để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Nhiều tuyến đường nông thôn của xã được mở rộng để đáp ứng nhu cầu lưu thông ngày càng cao của người dân.
Thực hiện phong trào xây dựng NTM, thôn 1, xã Đắk Wer đã vận động người dân mở rộng tuyến đường chính trên địa bàn. Thôn tính toán và quyết định mở mỗi bên 1,5m theo nền đường có sẵn. Gia đình ông Nguyễn Văn Đảm, thôn 1, đã hiến 225m2 đất và đóng góp hơn 30 triệu đồng để mở rộng tuyến đường. Ông Đảm cho biết, muốn thay đổi bộ mặt nông thôn, người dân phải có trách nhiệm đóng góp. Do đó, ông và nhiều người dân trên địa bàn đã không ngần ngại hiến đất, đóng góp tiền của để làm đường. "Mở rộng đường ngoài thuận lợi để đi lại, vận chuyển nông sản, bộ mặt nông thôn của thôn cũng khởi sắc hơn", ông Đảm cho hay.
Đường vào thôn 1, xã Đắk Wer, được xây dựng và mở rộng thành 6m, đổ bê tông. Dọc 2 bên đường được người dân trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan đẹp mắt. Thôn 1, xã Đắk Wer, có 4 km tuyến đường giao thông nông thôn. Đến nay, tất cả đều đã được đầu tư đổ bê tông sạch sẽ. Trong đó, có 1,4 km đường chính của thôn rộng 6m.
Ông Phạm Văn Tứ, trưởng thôn 1, xã Đắk Wer cho biết, trước đây các tuyến đường chỉ đổ bê tông rộng 3m, khiến phương tiện rất khó lưu thông, nhất là khi có 2 xe ô tô đi ngược chiều. Rút kinh nghiệm điều này, khi xây dựng NTM nâng cao, thôn đã vận động Nhân dân hiến đất, cây trồng, giải phóng mặt bằng mở rộng đường lên gấp đôi so với trước. Điều này tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại của người dân. "Lúc đầu thực hiện chủ trương này thôn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, qua tuyên truyền, vận động và thấy lợi ích thiết thực từ việc mở rộng đường, nên người dân đồng loạt hưởng ứng", ông Tứ cho hay.
Lãnh đạo UBND xã Đắk Wer cho biết, việc xây dựng NTM trên địa bàn đã phát huy vai trò chủ thể của người dân. Người dân đã góp sức cùng chính quyền hoàn thành nhiều mục tiêu đã đề ra. Người dân trong xã đã đóng góp trên 17,5 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động; hiến hàng ngàn mét vuông đất, vật kiến trúc để xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng khác.
Từ các nguồn lực, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) đã bê tông hóa 43 km đường giao thông; 800m đường nội đồng, điều kiện thuận lợi cho người dân lao động sản xuất.
Thu nhập đạt 52 triệu đồng/người/năm
Đắk Wer có gần 4.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của khoảng 80% người dân địa phương. Do đó, từ khi thực hiện xây dựng NTM, xã xác định tập trung vào định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân.
Anh Nguyễn Văn Quê, thôn 2, xã Đắk Wer có 1,4 ha đất sản xuất nông nghiệp. Anh đầu tư trồng 700 cây cà phê trên 8 sào đất, còn 6 sào anh trồng các loại cây ngắn ngày. Anh Quê cho biết, nhờ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, nên chăm sóc cà phê rất hiệu quả. Bình quân mỗi năm, anh thu được 3 - 4 tấn cà phê nhân. Ngoài ra, anh có nguồn thu nhập từ trồng cây ngắn này khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đảm, ở thôn 1, xã Đắk Wer, có 3.000 cây cà phê tái canh được 5 năm. Hiện nay, mỗi năm ông thu được 9 tấn cà phê nhân. Ông Đảm cho biết, qua các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật của xã, ông ứng dụng vào canh tác. Nhờ đó, vườn cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao. Thu nhập của gia đình vì thế được nâng cao.
Đắk Wer có gần 4.000 ha đất nông nghiệp. Hiện nay, xã đã có các chuỗi liên kết bền vững về hồ tiêu, cà phê, sầu riêng gắn với mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Phần lớn diện tích cà phê, hồ tiêu của người dân đã có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Trong đó, trên 500 ha cà phê đạt chứng nhận Nest’le, 4C, với giá bán luôn cao hơn so với mặt bằng chung thị trường.
Các nguồn lực xây dựng NTM tại xã Đắk Wer những năm qua khoảng 42 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 12,2 tỷ đồng, chiếm 29,1%; ngân sách huyện trên 12,3 tỷ đồng, chiếm 29,3%; Nhân dân đóng góp trên 17,5 tỷ đồng, chiếm 41,5%.
Xã Đắk Wer có khoảng 2.200 hộ, gần 10.000 nhân khẩu. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm. Xã còn 63 hộ nghèo. Ông Võ Ngọc Anh, Quyền Chủ tịch UBND xã Đắk Wer cho biết, Đắk Wer hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao có sự đóng góp rất lớn từ chính ý thức của người dân. Họ biết mình phải làm gì để góp sức nâng cao chất lượng các tiêu chí, đưa khu dân cư trở thành kiểu mẫu.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Đắk Wer đang triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế như: khuyến khích người dân tận dụng tối đa diện tích đất hiện có, xen canh các loại cây trồng ngắn ngày, chuyển đổi đa dạng hóa cây trồng áp dụng khoa học kỹ thuật.
Ông Anh cho biết, thời gian tới xã tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã đạt được phấn đấu đến năm 2025 đạt NTM kiểu mẫu. Về kinh tế xã tiếp tục vận động người dân chăm sóc cây trồng vật nuôi bảo đảm nguồn thu nhập. Xã sẽ làm cầu nối và đồng hành với các cơ sở chế biến, doanh nghiệp từ vùng nguyên liệu của địa phương chế biến, tạo ra các sản phẩm đặc trưng nhằm nâng cao giá trị nông sản.
Đắk Wer đang “khoác” lên mình diện mạo khang trang với hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn “điện, đường, trường, trạm” được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Điều dễ nhận thấy ở khu dân cư xã NTM nâng cao, là bên những con đường mới, các ngôi nhà khang trang đua nhau mọc lên tạo điểm nhấn cho khu đô thị sầm uất trong tương lai.