Tăng cường sự lãnh đạo
Ngày 27/5/2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Song đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/HU tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng, với yêu cầu phải quán triệt đến toàn bộ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện.
Tiếp đó, ngày 8/6/2017, UBND huyện đã có Kế hoạch số 94 về bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng của dân tộc M’nông trên địa bàn huyện Đắk Song giai đoạn 2017-2020.
Để thực hiện có hiệu quả, huyện Đắk Song đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ nhận thức một cách sâu sắc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng.
Cụ thể và thiết thực hơn, ngành văn hóa huyện đã tham mưu phục dựng lại một số nghi lễ và lễ hội gắn với diễn tấu cồng chiêng, tiêu biểu như: Lễ sum họp cộng đồng, Lễ hội đoàn kết bon làng, Lễ mừng lúa mới…
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc M’nông được hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện thực hiện, với nhiều hình thức, trong đó việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ được chú trọng. Tiêu biểu, các xã Trường Xuân, Đắk N’Drung trong năm 2020 đã mở được 2 lớp cồng chiêng cho các cháu thiếu nhi.
Riêng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện thì thường xuyên mời nghệ nhân ở các bon làng dạy đánh cồng chiêng cho các em học sinh dân tộc M’nông.
Trên địa bàn huyện Đắk Song ngày càng có nhiều đội chiêng được khôi phục, phát huy. Ảnh tư liệu |
Ý thức bảo tồn được nâng lên
Ở bon N’Jrang Lu, xã Đắk N'Drung, Nghệ nhân nhân dân Điểu N’Jah là người được mời truyền dạy cách đánh cồng chiêng và kỹ năng chỉnh chiêng cho rất nhiều lớp trẻ trong bon suốt mấy năm nay. Từ sự truyền dạy của nghệ nhân, đội chiêng bon N’Jrang Lu trở thành đội văn nghệ chuyên nghiệp và bài bản của huyện, luôn có mặt trong những sự kiện quan trọng của địa phương.
Đã ở tuổi ngoài 80, nghệ nhân Điểu N’Jah vẫn luôn mong mỏi làm sao giữ gìn được sức khỏe thật tốt để tiếp tục truyền lại niềm đam mê tiếng cồng chiêng và ý thức gìn giữ di sản văn hóa của cha ông cho lớp trẻ.
Tương tự, xã Trường Xuân cũng là địa phương có nhiều nghệ nhân cồng chiêng và các đội cồng chiêng. Trong đó, tiêu biểu nhất là đội cồng chiêng bon Bu Pah, gắn liền với tâm huyết của những nghệ nhân như Y Brế và Thị Pơh.
Với ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc, toàn huyện Ðắk Song hiện có 21 bộ cồng chiêng còn sử dụng tốt, 86 nghệ nhân biết đánh chiêng giỏi, 20 nghệ nhân biết hát dân ca, dân vũ, 2 nghệ nhân biết hát kể sử thi, 1 nghệ nhân còn thuộc nhiều truyện cổ, 3 nghệ nhân am hiểu, thuộc các luật, phong tục của người M’nông. |
Ngoài ra, địa phương còn có 9 nghệ nhân biết làm cây nêu, 4 nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ M'buốt, R'let, 21 nghệ nhân đan lát, 42 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm. Đặc biệt, huyện còn có 2 nghệ nhân Điểu N’Jah và Thị Bơh ở bon N’Jang Lu, xã Đắk N’Drung được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" và "Nghệ nhân ưu tú".
Với số lượng nghệ nhân còn nhiều nên các đội chiêng ở huyện Đắk Song hiện có tới 11 bài chiêng truyền thống; trong đó xã Đắk N’Drung 4 bài, xã Trường Xuân 5 bài và xã Đắk Môl 2 bài. Đây đều là những bài chiêng cổ được giới chuyên môn đánh giá cao như: tiếng con sóc kêu, đón khách, tiếng chim hót, khóc với người tình…
Bằng sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng ý thức lưu giữ và khát vọng lan tỏa những tinh hoa trong văn hóa truyền thống của đồng bào M’nông, văn hóa cồng chiêng M’nông trên địa bàn huyện Đắk Song đã và đang được bảo tồn, phát huy. Trong các bon làng, tiếng cồng chiêng lại vang lên rộn rã, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào.