Đắk Song chú trọng sưu tầm, biên soạn, giáo dục về lịch sử Đảng
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 -CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn huyện Đắk Song đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2015, huyện Đắk Song đã hoàn thiện việc sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Đắk Song (1930 - 2010)”. Cuốn sách là sự tôn vinh và tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đảng viên, đồng bào các dân tộc huyện Đắk Song đã từng nỗ lực, hy sinh vượt qua gian khó, hiểm nguy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.
Năm 2018, Đảng ủy xã Đắk N’Drung biên soạn và xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đắk N’Drung giai đoạn 1930 - 2015. Hiện nay, Đảng bộ Quân sự huyện đang chuẩn bị hội thẩm cuốn sách Lịch sử lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Đắk Song (1945 - 2022). Các xã, thị trấn còn lại đang tiếp tục tuyên truyền, sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương và phấn đấu năm 2030 hoàn thành.
Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Song, bên cạnh sưu tầm, biên soạn, xuất bản, việc tuyên truyền lịch sử Đảng, đảng bộ địa phương được huyện quan tâm với nhiều hình thức như lồng ghép trong các buổi phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; tọa đàm, hội thi, cuộc thi tìm hiểu lịch sử...
Huyện tận dụng hiệu quả của mạng xã hội, internet để tuyên truyền, phổ biến lịch sử Đảng, đất nước, địa phương thông qua các trang, nhóm. Hàng tháng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đều hướng dẫn các đơn vị đăng bài tuyên truyền về các sự kiện lịch sử trên các trang, nhóm; đồng thời chủ động đấu tranh với các bài viết xấu độc, xuyên tạc lịch sử.
Trung tâm Chính trị huyện lồng ghép giảng dạy lịch sử Đảng, địa phương vào các lớp bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Trong đó, năm 2023, trung tâm mở 1 lớp bồi dưỡng chuyên đề Lịch sử Đảng - “Đảng ta thật là vĩ đại” dành cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên ở cơ sở. Học viên trực tiếp đi tham quan và nghe báo cáo viên trình bày chuyên đề lịch sử địa phương “Di tích lịch sử - địa điểm ghi dấu trận đánh đồn Đạo Trung”. Qua đó, mỗi học viên ghi nhớ, tri ân sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước trong đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời nâng cao ý thức để giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử trên địa bàn huyện.
Việc lồng ghép nội dung lịch sử Đảng, đảng bộ địa phương trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử, giáo dục công dân ở bậc giáo dục phổ thông, giáo dục tiểu học cũng được chú trọng. Các trường học đã tổ chức các hội thi, cuộc thi trắc nghiệm, thi tìm hiểu trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; xây dựng các trang thông tin tuyên truyền trên mạng internet, mạng xã hội, giao lưu tọa đàm cùng các nhân chứng lịch sử...
Huyện đoàn Đắk Song chỉ đạo đoàn, đội cơ sở tổ chức các hoạt động về nguồn. Điển hình là “Hành trình đến với địa chỉ đỏ” tại Đài Tưởng niệm liệt sĩ huyện, Đền thờ liệt sĩ đồn Đạo Trung, điểm kết nối liên lạc đường mòn Hồ Chí Minh thuộc thôn 8, xã Nam Bình.
Cũng theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Song, thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh. Các nội dung lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ của huyện tiếp tục được đưa vào chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử, giáo dục công dân ở bậc giáo dục phổ thông và giảng dạy lịch sử địa phương tại Trung tâm Chính trị huyện.