Giáo dục - Đào tạo

Đắk R'lấp với sự nghiệp 20 năm "trồng người"

Lệ Sương - Hoài Anh 22/03/2024 09:07

20 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’lấp đã có những bước chuyển biến tích cực, thể hiện toàn diện ở mọi cấp học. Đây là nền tảng để toàn ngành tiếp tục vững tin, quyết tâm khẳng định vị thế là một trong những lá cờ đầu của tỉnh Đắk Nông trong lĩnh vực “trồng người”.

Khắc phục khó khăn

Sau ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đắk R’lấp luôn đoàn kết, quyết tâm thực hiện hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ. Trong đó, huyện luôn xác định, công tác giáo dục là quốc sách hàng đầu.

25b561a(1).jpg
Cô và trò Trường mầm non Hoa Hồng, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp trong tiết học làm đồ chơi

Theo bà Tạ Thị Bình, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’lấp, từ khi chia tách huyện Đắk R’lấp và Tuy Đức vào năm 2007, nhiều trường học đang là phòng học tạm, học mượn từ hội trường nhà văn hóa thôn, bon, tổ dân phố.

Trước đó, năm 2005, đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia được huyện triển khai, thực hiện và chọn Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Kiến Thành và trường THCS Nguyễn Du là hai trường ở 2 cấp học tiểu học và THCS đầu tiên để đầu tư xây dựng. Lúc bấy giờ, toàn ngành vừa tập trung nâng cao chất lượng dạy học, vừa vận động học sinh ra lớp, thực hiện công tác xóa mù chữ nên học sinh ra lớp rất đông. Hầu như tất cả các trường đều học ca ba nhưng đội ngũ cán bộ giáo viên đều rất quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

fa19a2.jpg
Bà Tạ Thị Bình, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’lấp

Năm 2012, toàn huyện đã xây dựng thành công 13 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt mục tiêu đề ra. Huyện tạo điều kiện để cán bộ quản lý và giáo viên tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ để đạt chuẩn.

Bà Vũ Thị Lai, nguyên hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Kiến Thành cho biết: “Vào thời điểm mới thành lập, điểm chính đặt tại thôn 9 và 1 phân hiệu đặt tại thôn 3. Toàn trường có 14 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 300 em học sinh học tại 12 lớp của 5 phòng học gỗ và 1 phòng nhỏ dùng nơi làm việc của Ban giám hiệu. Sau khi triển khai đề án xây dựng trường chuẩn, trong điều kiện khó khăn, huyện vẫn tập trung đầu tư cho Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Cùng với đó, nhà trường đã nhận được sự chung tay góp sức từ phụ huynh nên cơ sở vật chất được cải thiện dần, chất lượng giảng dạy và học tập được nâng lên rõ rệt. Đến năm 2008, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm và trường THCS Nguyễn Du vinh dự là 2 trường ở 2 cấp học đầu tiên của huyện Đắk R’lấp đạt trường Chuẩn quốc gia mức độ 1”.

766(1).jpg
Tiết học thể dục của các em học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp

Gần 38 năm kể từ ngày thành lập huyện Đắk R’lấp, nhất là thời gian 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh Đắk Nông, đồng hành cùng địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’lấp đã đạt nhiều kết quả. Đến nay, quy mô, mạng lưới trường, lớp học từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp được mở rộng tới tất cả các xã, thị trấn. Loại hình trường ngoài công lập, tư thục cũng đã phát triển.

b76(1).jpg
Trường THCS Nguyễn Du ký kết với Công an huyện về thực hiện mô hình Cổng trường an toàn giao thông

Đặc biệt, sau khi thực hiện rà soát, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, hệ thống trường lớp được sắp xếp phù hợp, tinh gọn và hiệu quả; tạo điều kiện đưa học sinh từ các điểm lẻ về điểm trường chính, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tăng về quy mô, chất lượng

Năm học 2022-2023, huyện Đắk R’lấp đầu tư hơn 10 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi và sửa chữa hơn 10 công trình trường học, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập cho các trường học và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2023 - 2025, ngân sách Nhà nước dự kiến đầu tư hơn 50 tỷ đồng bằng nguồn vốn nông thôn mới để xây dựng hơn 50 công trình giáo dục.

db(1).jpg
Học sinh háo hức, thích thú tham gia trò chơi tại ngày hội đọc sách năm 2024

Năm học 2023-2024, toàn huyện Đắk R’lấp có trên 21.000 học sinh học tại 52 cơ sở giáo dục, 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, tăng 12 cơ sở giáo dục, 3.400 học sinh so với thời điểm chia tách huyện (41 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, dân tộc nội trú, giáo dục thường xuyên với trên 17.600 học sinh).

Hầu hết các trường đã được xây dựng kiên cố cùng trang thiết bị dạy học tiên tiến đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới và chuyển đổi số trong giáo dục thay cho phòng học đơn sơ, phòng học mượn nhà văn hóa thôn, bon, tổ dân phố trước đây.

Huyện đã thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Qua đó, chất lượng giáo dục được nâng lên từng năm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh lên lớp ở các cấp học, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt từ 98,93%, học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đều tăng, đến nay đạt trên 99,8%.

Công tác chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên luôn được chú trọng, hiện nay tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn đạt trên 99%. Đến nay, số trường công lập từ Mầm non đến THTP đạt chuẩn quốc gia 40/52 trường, đạt tỷ lệ 76,92%. Duy trì số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; tỷ lệ huy động trẻ từ 6-14 tuổi ra lớp đạt trên 99%.

44e8(1).jpg
Cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện giúp học sinh được học tập, sinh hoạt trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp

Các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo được triển khai thực hiện có hiệu quả: 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó 9/11 xã đạt chuẩn mức độ 3; 2/11 xã đạt chuẩn mức độ 2; 11/12 xã đạt chuẩn mức độ 2; 1/11 xã đạt chuẩn mức độ 3 phổ cập giáo dục THCS; 11/11 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 11/11 xã hoàn thành xóa mù chữ mức độ 2.

Kết quả cho thấy số lượng học sinh khá, giỏi của các trường tăng đều theo hàng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023 đạt 98,2%; kết quả học sinh giỏi huyện, tỉnh từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Năm học 2022-2023, đội tuyển học sinh giỏi huyện có 65 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh.

Với phương châm “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo chương trình GDPT năm 2018, ngành Giáo dục huyện Đắk R’lấp thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh; đánh giá sự phát triển của học sinh trong cả quá trình hoạt động, đồng thời sử dụng kết quả đánh giá để xây dựng và điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích của học sinh và điều kiện thực tế của trường, lớp.

Bên cạnh đó, các cuộc thi sáng tạo, các hội thi đã được các em học sinh và các nhà trường quan tâm đặc biệt. Nhiều cuộc thi, hội thi được các cấp và phụ huynh đánh giá rất cao, tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội như cuộc thi tìm hiểu: Công viên địa chất toàn cầu; Cuộc thi hùng biện Tiếng Anh; Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng; Hội thi “Múa hát sân trường” cùng nhiều cuộc thi khác.

c6eb9c2(1).jpg
Trường THPT Phạm Văn Đồng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh

Với nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’lấp đã đạt được những thành tích đáng tự hào. Nhiều đơn vị được tặng thưởng các danh hiệu cao quý. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện được UBND tỉnh tặng 2 Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng 2 năm liên tiếp (năm 2022 và 2023). Nhiều trường nhận được cờ thi đua của UBND tỉnh. Nhiều cán bộ, giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Theo ông Phan Văn Tấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’lấp, những thành tích đạt được trong sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của huyện Đắk R’lấp hôm nay là công sức, trí tuệ, là quá trình phấn đấu miệt mài, đầy tâm huyết của các thế hệ cán bộ, thầy cô giáo, nhân viên trong ngành giáo dục Đắk R’lấp, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người". Kết quả đó cũng là sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, sự chung tay góp sức của các tầng lớp Nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục huyện Đắk R’lấp trong các thời kỳ xây dựng và phát triển.

Mục tiêu xây dựng 46/52 trường đạt chuẩn quốc gia

Cũng theo ông Phan Văn Tấn, thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’lấp bám sát các chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, huyện tập trung chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, quy họach lại mạng lưới trường lớp, Phòng sẽ tham mưu huyện đầu tư tập trung, không dàn trải. Trên địa bàn huyện còn mốt số điểm lẻ còn xa, phòng sẽ tính toán sáp nhập hoặc tách cho phù hợp từng địa bàn.

bf5483842(1).jpg
Các em học sinh Trường mầm non Hoa Hướng Dương, xã Đắk Wer tham quan trải nghiệm về dệt thổ cẩm của các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Huyện khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng việc tuyển hợp đồng. Bên cạnh đó, ngành chú trọng xây dựng văn hóa học đường, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, bạo lực học đường, phòng chống tai nạn thương tích của trẻ trong nhà trường. Về công tác quản lý, điều hành, huyện tiếp tục khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, nhằm thực hiện các chương trình, đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn của huyện.

Ông Nguyễn Quang Tứ, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho biết, trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục tại địa phương, nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn được huyện tập trung hàng đầu. Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn, xây dựng tái chuẩn quốc gia gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, tập trung huy động nhiều nguồn lực, trong đó ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị còn thiếu ở các trường.

1038910(1).jpg
Ông Nguyễn Quang Tứ, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông)

Huyện tiếp tục quan tâm, tập trung huy động nhiều nguồn lực, trong đó ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị còn thiếu ở các trường.

Đồng thời, huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo ngành Giáo dục tăng cường kiểm tra, đánh giá các trường học, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập của các trường và luôn đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy.

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục duy trì phổ cập ở các cấp học, bậc học, từ bậc mầm non đến THPT. Huyện từng bước nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện. Mục tiêu đến hết năm 2025, huyện xây dựng 46/52 trường học từ mầm non đến THPT đạt trường chuẩn quốc gia.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk R'lấp với sự nghiệp 20 năm "trồng người"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO