Kinh tế

Đắk R'lấp và mục tiêu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao

Hưng Nguyên 14/03/2023 06:00

Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và  chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, huyện Đắk R’lấp đang  phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng.

ADQuảng cáo
dsc08621(1).jpg
Sản xuất nông nghiệp huyện Đắk R'lấp ngày càng được nâng cao chất lượng

Nâng chất lượng và giá trị nông sản

Năm 2020, HTX Nông nghiệp, Thương mại Công Bằng Đắk Ka (HTX Đắk Ka) được thành lập. Các thành viên HTX sản xuất theo tiêu chuẩn 4C và từng bước nâng cao chất lượng cà phê bằng việc sản xuất theo quy trình an toàn, sinh học. Cà phê được thu hái chín và chế biến ướt phơi trong nhà kính, rang xay theo quy trình cà phê đặc sản. Năm 2022, cà phê của HTX đã đạt cà phê đặc sản với hơn 82 điểm, kết quả do đơn vị đo lường độc lập đánh giá. Hiện nay, HTX có hơn 100 ha cà phê được trồng, chăm sóc theo hướng chất lượng cao.

HTX đã có sản phẩm cà phê bột đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Anh Trần Văn Phú, Giám đốc HTX Đắk Ka cho biết, các thành viên HTX đã áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn, sinh học. HTX áp dụng quy trình chế biến cà phê chín 100%, giúp nâng cao chất lượng hạt cà phê, đồng thời, giá bán cà phê cũng được nâng lên.

Tương tự, HTX Nông nghiệp Trường Sinh, ở xã Đắk Ru, chuyên sản xuất sầu riêng. Hiên nay, HTX có 7 thành viên, liên kết sản xuất khoảng 100 ha sầu riêng. Trong đó có 80 ha có thu. Ông Đoàn Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, các thành viên của HTX và hộ liên kết đang áp dụng quy trình VietGAP, sử dụng các sản phẩm hữu cơ để chăm sóc cây trồng. Nhờ đó, sản phẩm có  chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2022, nhiều thành viên của HTX bán sầu riêng với giá 85.000 đồng/kg, đây là giá khá cao.

Cây sầu riêng chăm sóc theo quy trình sinh học có sức đề kháng tốt và chất lượng quả khá cao. Các thành viên HTX vừa phát triển về diện tích trồng sầu riêng, đồng thời nâng cao chất lượng của sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

cf-1-(1).jpg
Cà phê được thu hái chín để nâng cao chất lượng sản phẩm

Đồng hành với người dân

ADQuảng cáo

Những năm qua, huyện Đắk R'lấp đã thực hiện đồng bộ với nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện đã tái canh được 2.764 ha cà phê. Một số diện tích tái canh đã cho thu hoạch với năng suất đạt 5 tấn/ha. Cùng với đó, người dân trên địa bàn huyện đã dần chuyển từ phương pháp thu hoạch chế biến cà phê khô sang thu hoạch, chế biến cà phê ướt. Phương pháp này không chỉ nâng cao chất lượng, giảm thiểu tạp chất mà hạt còn được phân loại đồng đều.

Từ năm 2019-2022, huyện hỗ trợ 5 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu được sâu bệnh hại, giảm được lượng thuốc trừ sâu. Qua thời gian triển khai, một số HTX, hộ gia đình đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, logo nhãn hiệu và đang xây dựng kênh phân phối sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp, nhiều hộ nông dân tại địa bàn đã áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất. Mặc dù chi phí để đầu tư cho 1 ha trồng sầu riêng theo quy trình hữu cơ cao hơn 2,25 lần so với trồng truyền thống nhưng lợi nhuận thu lại cao hơn 200%.

"Việc áp dụng quy trình hữu cơ vào sản xuất sầu riêng, cà phê và các loại cây trồng khác tại địa phương sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thị trường tiêu thụ và mang tính bền vững cao. Từ đó, có thể nhận thấy rằng, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là một việc làm cần thực hiện một cách nghiêm túc và triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn huyện", ông Nên cho biết. 

cf-2-(1).jpg
Nhiều hộ dân ở Đắk R'lấp đã, đang áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất

Nhiều giải pháp đưa khoa học công nghệ vào sản xuất

Để xây dựng nông nghiệp Đắk R’lấp trở thành ngành sản xuất hàng hóa, giá trị cao, huyện Đắk R’lấp xác định nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện hiệu quả Nghị quyết 12/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 của HĐND tỉnh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC).

Trong thời gian tới, huyện Đắk R’lấp tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển NNUDCNC một cách có hiệu quả và bền vững. Mục tiêu sản xuất nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện về tổ chức, chuyển giao công nghệ sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi.

Huyện xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và nông dân ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong phát triển nông nghiệp như công nghệ nhà kính, nhà lưới, công nghệ sinh học, công nghệ thủy sinh, tự động hóa, ứng dụng di động trong cung cấp thông tin về thời tiết, nông học, phát triển thị trường, kiểm soát giá cả, thanh toán trực tuyến.

Ông Nên cho biết thêm: "Huyện đã và đang tiến hành lựa chọn, xây dựng các dự án NNUDCNC đối với các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản phù hợp với từng vùng sinh thái. Địa phương ưu tiên đầu tư nhóm cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu, bơ, sầu riêng, vùng chăn nuôi an toàn. Huyện triển khai sản xuất đại trà các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, cùng với quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các chứng chỉ chứng nhận quốc tế đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu". 

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk R'lấp và mục tiêu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO