P.V: Thưa ông, định hướng phát triển nông nghiệp của huyện Đắk R’lấp trong giai đoạn tới như thế nào ?
Ông Phan Nhật Thanh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đắk R’lấp lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định phát triển nông nghiệp là một trong những “mũi nhọn” phát triển kinh tế của huyện. Trên cơ sở đó, huyện có các kế hoạch đưa vào sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp định hướng đến năm 2030.
Hiện nay, chúng tôi đang rà soát, đánh giá lại thực trạng ngành nông nghiệp trên địa bàn để đánh giá các xã phù hợp phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao để đầu tư phát triển.
Chúng tôi quy hoạch, định hướng, mời gọi các nhà đầu tư vào nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trang trại và quy mô lớn. Những nơi nào phù hợp với phát triển đô thị thì chúng tôi có hướng phát triển nông nghiệp theo kiểu sinh thái.
Đồ họa: Bình Minh - Thanh Nga |
P.V: Thưa ông, trên địa bàn có nhiều loại cây trồng là thế mạnh, mang lại giá trị cao. Vậy huyện đã xác định những sản phẩm nông nghiệp nào là chủ lực để đầu tư theo hướng mũi nhọn ?
Ông Phan Nhật Thanh: Huyện Đắk R’lấp có trên 36.000 ha cây lâu năm, trong đó chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái. Ngoài ra, huyện có lợi thế trong phát triển chăn nuôi.
Tôi đến thăm hỏi các hộ dân, các doanh nghiệp trên địa bàn thì người dân xác định không chuyên canh mà xen canh. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp với nhiều loại cây trồng.
Huyện sẽ căn cứ vào những sản phẩm nào hiệu quả, giá trị tốt để tập trung đầu tư phát triển trọng điểm. Thực tế qua khảo sát, tôi thấy huyện có những điểm mạnh về vùng nguyên liệu đó là sầu riêng, bơ, hồ tiêu, cà phê, chanh dây. Tôi cho rằng, đó là những sản phẩm chủ lực của huyện trong thời gian sắp tới.
Nông dân Đắk R’lấp trồng hồ tiêu hữu cơ |
P.V: Thưa ông, huyện đã có những giải pháp nào thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là khâu sơ chế, chế biến nông sản ?
Ông Phan Nhật Thanh: Như đã nói, Đắk R’lấp có trên 36.000 ha cây lâu năm, trong đó chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái. Vì vậy, bên cạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, chúng tôi cùng với tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 10 nhà máy, hợp tác xã chế biến nông sản được đầu tư, xây dựng khá bài bản đang hoạt động. Trong đó, xã Đạo Nghĩa có nhà máy chế biến hoa quả A Chính; xã Nhân Cơ có nhà máy Toàn Hằng.
Một số nhà máy ở các xã Quảng Tín, Đắk Ru, Hưng Bình... cũng có quy mô, dây chuyền sản xuất được đầu tư tương đối tốt. Tôi đã tới tham quan và thấy các nhà máy này có sự khởi đầu hoạt động cơ bản, hiệu quả.
Nhiều nông dân ở Đắk R’lấp chọn trồng cây ăn trái để phát triển kinh tế |
P.V: Thưa ông, với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, huyện có áp lực nào trong việc xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất hiệu quả ?
Ông Phan Nhật Thanh: Chính các nhà máy đi vào hoạt động tạo áp lực lớn đối với địa phương. Đó là phải vận động, tuyên truyền và quy hoạch để có nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy.
Hiện nay, chúng tôi đang đưa vào quy hoạch, kế hoạch và chủ động liên lạc, để phối hợp với nhau phát triển vùng nguyên liệu. Một số doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các xã để tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng nguồn nguyên liệu.
Trong quy hoạch, chúng tôi định hướng xã Đắk Sin, Hưng Bình, Đạo Nghĩa là những địa bàn sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trang trại chăn nuôi gia súc quy mô lớn.
Đắk R’lấp có lợi thế phát triển chăn nuôi |
Ngoài chuyện ở địa phương, chúng tôi cũng liên kết với huyện Tuy Đức, thành phố Gia Nghĩa, Đắk Song… để có những hướng liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu.
Quá trình xây dựng vùng nguyên liệu, chúng tôi cùng với doanh nghiệp sẽ cung cấp cây giống, đầu tư phân bón, cam kết đầu ra cho người dân. Tóm lại, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp một cách tốt nhất.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!