Đắk R'lấp đồng hành phát triển công nghiệp alumin – nhôm
Huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) xác định 1 trong 3 khâu đột phá chủ lực trong giai đoạn 2020 -2025 là chủ động, tích cực đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị tổ hợp công nghiệp alumin – nhôm.
1 trong 3 khâu đột phá
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đắk R'lấp lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 1 trong 3 khâu đột phá là chủ động, tích cực đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị tổ hợp công nghiệp alumin - nhôm theo chương trình của tỉnh và kế hoạch phát triển của nhà đầu tư, tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, dịch vụ cho huyện.
Huyện chủ động, tích cực tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và nhà đầu tư để triển khai dự án trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là tổ hợp công nghiệp alumin – nhôm thuận lợi nhất trên địa bàn. Quan điểm này được xác định như là một nguyên tắc xuyên suốt, chuẩn mực trong quá trình xây dựng đường lối, chủ trương cũng như hành động triển khai.
Thực hiện đột phá này, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk R’lấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện tích cực phối hợp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đồng hành cùng Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV trong công tác thu hồi đất phục vụ khai thác và xây dựng các hạng mục công trình kỹ thuật của Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV.
Sau khi tỉnh thành lập Tổ công tác xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV (Tổ 1644), huyện Đắk R’lấp đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Đắk R’lấp do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban.
Theo Huyện ủy Đắk R’lấp, địa bàn huyện là địa điểm xây dựng tổ hợp Nhà máy tuyển quặng bô xít và Nhà máy sản xuất alumin thuộc Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ. Đây là dự án trọng điểm có tính chiến lược trong phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản bô xít.
Để thực hiện dự án, từ năm 2006, UBND huyện Đắk R’lấp đã phối hợp với chủ đầu tư thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với diện tích thu hồi khá lớn. Trong đó chủ yếu để phục vụ xây dựng các hạng mục như: Công trình mặt bằng Nhà máy Alumin Nhân Cơ và trụ sở làm việc; nhà máy tuyển; hồ thải bùn đỏ; đập ngăn nước hồ Cầu Tư... tại các xã có dự án đi qua trên địa bàn huyện.
Quyết tâm khắc phục khó khăn
Khi triển khai thực hiện các dự án, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là khâu phức tạp, khó khăn, dễ phát sinh khiếu kiện, làm chậm tiến độ dự án. Do đó, huyện xác định thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động phối hợp, bàn giao mặt bằng là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả khi triển khai thực hiện các dự án.
Thực tế cho thấy, trong công tác giải phóng mặt bằng, bên cạnh sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, vẫn còn có một số hộ dân có đất bị thu hồi chưa đồng thuận, chưa thực hiện quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền. Lý do không đồng thuận có cả khách quan và chủ quan, song cơ bản vẫn là chưa thống nhất về mức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; một bộ phận còn chưa hiểu rõ việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung và bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ đạt hiệu quả cao, công tác tuyên truyền đã và đang được huyện đẩy mạnh nhằm tạo sự đồng thuận của Nhân dân. Cán bộ tham gia công tác bồi thường tuyên truyền, vận động giải thích cụ thể, rõ ràng những băn khoăn mà Nhân dân chưa hiểu rõ; đồng thời nêu lên những lợi ích mà các dự án mang lại cho đời sống xã hội tại địa phương.
Cùng với đó, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển của địa phương; cơ chế, chính sách hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Khi phát sinh vướng mắc, kiến nghị của người dân, UBND huyện Đắk R’lấp đã đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Qua đối thoại, những vấn đề người dân nêu ra hợp lý đều được kịp thời ghi nhận, UBND huyện kiến nghị lên cấp trên nhằm điều chỉnh, bảo đảm quyền lợi cho các hộ gia đình được đền bù, giải tỏa, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, hạn chế được nhiều kiến nghị không hợp lý.
Theo đồng chí Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ 1644, 6 tháng đầu năm 2024, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã sản xuất được khoảng 364.000 tấn alumin quy đổi, đạt 56% so với công suất thiết kế và bằng 51% so với sản lượng sản xuất năm 2023. Có được những kết quả trên là nhờ sự cố gắng nỗ lực rất lớn của các cơ quan, đơn vị cũng như Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV. Đặc biệt là tinh thần, trách nhiệm của UBND huyện Đắk R’lấp trong việc đồng hành cùng với công ty thực hiện nhiệm vụ được giao.
Kết quả hoạt động của Nhà máy Alumin Nhân Cơ là sự cố gắng nỗ lực rất lớn của các cơ quan, đơn vị cũng như Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV. Đặc biệt là tinh thần, trách nhiệm của UBND huyện Đắk R’lấp trong việc đồng hành cùng với công ty thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ 1644
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: còn có việc người dân chặn xe, cản trở hoạt động khai thác (thuộc khai trường năm 7-8); việc thu hồi đất để đầu tư hồ tuyển rửa số 2 vẫn chưa triển khai thực hiện được; công tác quản lý đối với phần diện tích ngoài ranh đã thu hồi từ khai trường năm 1-6... Do đó, đồng chí Lê Trọng Yên yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện Đắk R’lấp và Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV phải thể hiện quyết tâm cao nhất, không để nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất, phấn đấu đạt mục tiêu, kế hoạch sản xuất năm 2024.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ
Theo ông Trần Công Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, thực hiện nhiệm vụ tạo điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các tổ vận động tuyên truyền đến từng hộ dân hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghiêm túc chấp hành theo quy định.
Huyện sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, đối với khai trường năm thứ 7 đến năm thứ 8 tại xã Nghĩa Thắng, địa phương tiếp tục thực hiện phương án vận động, tuyên truyền, lập hồ sơ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp không đủ điều kiện tái định cư nhưng chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng.
Đồng thời, huyện ban hành kế hoạch, tổ chức bảo vệ thi công để Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV tiến hành khai thác quặng bô xít trên diện tích đất đã thu hồi của các hộ gia đình, cá nhân tại thôn Quảng Sơn, xã Nghĩa Thắng đã nhận tiền, cam kết bàn giao mặt bằng, bao gồm cả việc sử dụng các tuyến đường dân sinh nằm trong khu vực thu hồi để phục vụ cho việc khai thác…
Đối với khu vực xã Đắk Wer, huyện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định phương án, trình phê duyệt đối với các trường hợp không có tái định cư gồm 17 hộ/11,4ha đã tổ chức thẩm định; 3 hộ/3,1ha đã tổ chức đối thoại và đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định; 22hộ/9,49ha đang thực hiện việc xác nhận và xử lý vướng mắc liên quan đến việc chuyển nhượng sau thông báo thu hồi đất, chỉnh lý bản đồ do thay đổi diện tích. Huyện tổ chức làm việc với 28 hộ/24,8ha dự kiến đủ điều kiện tái định cư liên quan đến đến việc đồng ý cho UBND huyện quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án trước khi bố trí tái định cư. Sau khi có ý kiến cụ thể của từng hộ, huyện sẽ lập dự thảo phương án trình thẩm định đối với số hộ dân đồng thuận.
Đối với khai trường năm thứ 9 đến năm thứ 10, huyện tập trung các nguồn lực để triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm làm cơ sở lập hồ sơ thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ưu tiên thực hiện trước khoảng 30ha đối với số hộ dân có đất tiếp giáp với các khu vực đã khai thác thuộc khai trường năm 6 và năm 7 tại khu vực xã Đắk Wer. Hoạt động nhằm bảo đảm việc khai thác được liền kề, bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất của Nhà máy Alumin Nhân Cơ trong quý I/2025.
Để bảo đảm hoạt động sản xuất của Nhà máy Alumin Nhân Cơ, UBND huyện Đắk R’lấp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án: Phần diện tích còn lại của khai trường năm 4 – 6 khoảng 23,7ha; phê duyệt 4 phương án khai trường năm thứ 7 đến năm thứ 8 khoảng 64,5ha; Dự án đầu tư đập hồ chứa bùn sau tuyển rửa số 2 phục vụ duy trì sản xuất; Dự án đầu tư xây dựng khoang số 3 hồ bùn đỏ phục vụ duy trì sản xuất Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
Theo ông Phan Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Đắk R'lấp, mặc dù trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các ngành chức năng cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện đồng hành, hỗ trợ đạt những kết quả khả quan. Từ đó góp phần bảo đảm đưa hoạt động của Nhà máy Alumin Nhân Cơ được duy trì bình thường.
Huyện tiếp tục thực hiện quan điểm phát triển công nghiệp phải bảo đảm hài hòa, bền vững, thân thiện với môi trường, lấy phát triển chiều sâu làm trọng tâm, tạo ra mũi nhọn đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội.