Đắk R’lấp đạt nhiều mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp
Huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) đạt nhiều mục tiêu về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững.
Nâng tầm lĩnh vực trồng trọt
Những năm qua, huyện Đắk R'lấp đã tập trung thực hiện các biện pháp về tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát huy các tiềm năng có tính thế mạnh, tạo sản phẩm giá trị cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trồng trọt đã từng bước đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm. Không chỉ ở khâu sản xuất được ứng dụng mạnh mẽ về giống, kỹ thuật mới, tiên tiến, người dân, doanh nghiệp địa phương chú trọng áp dụng nhiều kỹ thuật sau thu hoạch, chế biến giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.
Các cây trồng chủ lực, tiềm năng của huyện như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả nhất là sầu riêng, chanh dây đều được nâng cao về chất lượng.
Điển hình như trong sản xuất cà phê, với diện tích hơn 21.000 ha, diện tích cho sản lượng là trên 19.300 ha đã được người dân tái canh, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao. Năng suất bình quân cà phê của huyện đạt 2,97 tấn/ha.

Nhiều công ty trên địa bàn huyện liên kết với các công ty và đại lý trong và ngoài tỉnh sản xuất cà phê theo các quy chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Cụ thể như Công ty TNHH Trang Thịnh Vinh, thôn 14, xã Đắk Wer; Công ty Hiệp Loan, xã Nhân Cơ và Công ty TNHH Nhân Tài, xã Nghĩa Thắng liên kết, thu mua của gần 1.300 hộ với diện tích trên 2.700 ha, sản lượng mức 8.700 tấn/năm. Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, xã Nhân Cơ sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn Rain forest Alliance, tiêu chuẩn 4C trên 2.100ha với 874 hộ tham gia.
Ông Nguyễn Văn Kha, thôn 15, xã Đắk Wer cho biết, gia đình có 3ha cà phê. Những năm qua, do vườn cây già cỗi nên đã được ông trồng mới bằng những giống chất lượng cao. Gia đình áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại trên cây trồng, bón phân cân đối nên năng suất khá ổn định, mức 3,5 tấn/ha. Toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với mức giá khá cao đem lại đời sống ổn định cho gia đình.

Qua rà soát, toàn huyện Đắk R'lấp hiện có trên 8.879ha sản xuất nông nghiệp áp dụng tưới tiên tiến, nhỏ giọt và khoảng 9ha nhà kính, nhà màng được áp dụng vào sản xuất rau, củ, quả mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn 8 xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp, phát triển trồng dưa lưới trong nhà lưới với hệ thống tưới tiên tiến trên diện tích hơn 1 sào.
Anh Tuấn cho biết, ước sản lượng khoảng 4 tấn/ sào, với giá bán dao động khoảng 30.000 đồng/kg, anh thu về 120 triệu đồng sau gần 3 tháng trồng. Dưa lưới của anh Tuấn hiện tiêu thụ cả trong và ngoài tỉnh.
Xu hướng người dân trong tỉnh sử dụng sản phẩm dưa lưới ngày càng nhiều và hiện nay cung nhiều lúc không đủ cầu. Chính vì thế, anh và các hộ dân trong xã đã mở rộng đầu tư nhà lưới để phục vụ tốt nhu cầu người dùng.
Huyện Đắk R’lấp có trên 55.500ha đất sản xuất nông nghiệp. Huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để hình thành các vùng sản xuất tập trung cung cấp nông sản cho chế biến và xuất khẩu.
Chuyên nghiệp hóa chăn nuôi
Một trong những mục tiêu tái cơ cấu chăn nuôi của huyện là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng thịt và các sản phẩm như trứng.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện đã xây mới, nâng cấp trang trại chăn nuôi tự động, khép kín, thân thiện với môi trường. Người sản xuất quan tâm đến quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Các giống heo ngoại cao sản được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất trực tiếp hoặc lai tạo giống đưa tỷ lệ heo lai, heo ngoại đạt khoảng 93% tổng đàn heo.
Cụ thể, một số heo lai có dòng máu lai Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrai; các giống heo bản địa có giá trị kinh tế cao, nhất là heo đen đồng bào được duy trì.

HTX Đồng Tiến đã đầu tư nâng công suất trại heo giống công nghệ cao tại xã Đắk Sin lên 7.200 con. Hàng năm, HTX cung ứng ra thị trường các giống heo lai, heo thương phẩm với phẩm chất lượng cao được người chăn nuôi cả nước đánh giá cao về nguồn giống, chất lượng thịt heo thương phẩm.
Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ, giai đoạn 2021 - 2025 gắn với xây dựng nhãn hiệu “bò thịt chất lượng cao” được người dân trong huyện đẩy mạnh.
Nhiều tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ 4.0 để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà hiện đại, tiên tiến, tạo sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - Môi trường huyện Đắk R’lấp, tổng đàn gia súc, gia cầm huyện hiện khoảng 197.800 con, trong đó gia cầm 157.000 con, đàn heo 35.400 con.
Huyện cơ bản hình thành được vùng chăn nuôi heo tập trung tại 2 xã Đắk Sin, Đắk Ru với quy mô 80ha, mỗi lứa vùng này cung ứng ra thị trường hàng trăm ngàn con heo thịt, heo giống.

Huyện Đắk R’lấp có 3 cơ sở được ngành chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn cơ sở chăn nuôi an toàn gồm: trang trại của HTX Đồng Tiến, ở xã Đắk Sin; trang trại của hộ ông Nguyễn Vũ Luân; trang trại chăn nuôi heo Đồng Hiệp. Các trang trại này đều ở xã Kiến Thành.
Nhờ người dân áp dụng đồng bộ giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch nên huyện đã đạt được mục tiêu về tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Hiện nay, giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác tại huyện Đắk R’lấp đạt 119 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Quang Tứ, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực, chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu kinh tế của huyện, hiện ở mức 55%.
Sự đóng góp của nông nghiệp là lớn trong việc giúp huyện đạt được mục tiêu về tăng thu nhập bình quân đầu người hằng năm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Thu nhập bình quân đầu người huyện đã vượt mốc kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025 là 73 triệu đồng/người/ năm, hiện đạt mức 81 triệu đồng/người/năm.