Đắk Nông xem xét đưa chỉ số hạnh phúc vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh
Nhiệm kỳ 2025 - 2030, dự kiến mục tiêu, tầm nhìn của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII là “... phấn đấu xây dựng Đắk Nông thành tỉnh mạnh, dân giàu, thiên nhiên tươi đẹp, xã hội nghĩa tình, tiến tới hạnh phúc...".
Mục tiêu sát, đúng, trúng và phù hợp
Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng xác định rõ, báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác. Điều đó có nghĩa, báo cáo chính trị là “xương sống” của văn kiện đại hội. Các văn bản khác phải được xây dựng đồng bộ, thống nhất, bổ sung, phát triển trên cơ sở báo cáo chính trị.
Thực hiện Chỉ thị số 35, tại cuộc họp lần thứ nhất của Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XIII, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Ngô Thanh Danh nhấn mạnh, xây dựng văn kiện đại hội là việc hệ trọng của tỉnh nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm; xây dựng phương hướng, nhiệm vụ sắp tới... Văn kiện là một trong hai khâu rất quan trọng của đại hội. Do đó, để thực hiện tốt, sát, đúng, trúng thì cần làm nghiêm túc, kỹ lưỡng, trách nhiệm cao.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ, mỗi lần viết văn kiện đòi hỏi rất công phu, tính tổng hợp cao, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, khoa học và thực tế thì mới sát, đúng, trúng và phù hợp. Dự thảo Báo cáo chính trị phù hợp với các hướng dẫn, quy định của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 23 -NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; những nội dung còn giá trị kế thừa từ các đại hội trước. Dự thảo cần chú ý đến tình hình, bối cảnh thực tế của tỉnh; những khó khăn, thuận lợi, tác động, nguyên nhân chủ quan, khách quan; vấn đề dự báo, dự lượng, dự tính; sâu sát, gắn kết.
Về chủ đề, phương châm của Đại hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải có đủ các thành tố, gắn kết, phù hợp từng giai đoạn, có tính kế thừa từ Trung ương và nhiệm kỳ trước. Các nhiệm vụ, định hướng, đột phá (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) phải trọng tâm, sát với tình hình thực tế của địa phương. “Việc xây dựng văn kiện đòi hỏi phải khẩn trương, trách nhiệm cao, khi đưa ra đại hội, báo cáo chính trị phải đúng, trúng, sát tình hình thực tế”, đồng chí Ngô Thanh Danh yêu cầu. (Trích phát biểu tại cuộc họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XIII được tổ chức vào ngày 4/7/2024).
Đồng chí Ngô Thanh Danh lưu ý, các khâu đột phá được xác định phải là những vấn đề tỉnh còn khó khăn, phát triển không chỉ trong 5 năm mà 10 năm sau, bảo đảm nguồn lực thực hiện, thu hút đầu tư. Dự thảo cần nhấn mạnh việc phát triển du lịch, thu hút đầu tư, dân cư và đất đai. Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Thanh Danh cho rằng, để dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội quy tụ được trí tuệ, sức mạnh của tập thể, mang tính khả thi cao thì cần tổ chức lấy ý kiến đóng góp trong các hội thảo, xin ý kiến của các bộ, ban ngành, Trung ương, các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh và lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân.
Chắt lọc, tiếp thu ý kiến góp ý
Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Tiểu ban Văn kiện cho rằng, để nâng cao chất lượng dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh, Tiểu ban Văn kiện và các tổ giúp việc cần nghiêm túc lắng nghe, nghiên cứu chắt lọc các ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp và Nhân dân, nhất là ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia…
Dự thảo cần tiếp tục phát huy dân chủ, lắng nghe, trân trọng các ý kiến đóng góp, chắt lọc để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện. Những vấn đề như chủ đề, mục tiêu, các khâu đột phá cho nhiệm kỳ tới cần phải nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng.
Việc lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên, Nhân dân rất quan trọng. Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương có thể lấy ý kiến thông qua nhiều kênh khác nhau như: qua phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc hội họp, góp ý bằng văn bản hoặc qua các trang mạng xã hội... để huy động tối đa trí tuệ của tập thể. "Suy cho cùng, Nhân dân là chủ thể đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Nghị quyết càng sát, càng đúng, càng trúng, càng phù hợp thì hiệu quả mang lại càng cao", đồng chí Lưu Văn Trung nhấn mạnh.
Mặt khác, việc lấy ý kiến của Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh còn nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của tỉnh trong những năm tiếp theo. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh, nhất là báo cáo chính trị; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân.
Đồng chí Lưu Văn Trung lưu ý, để báo cáo chính trị có chất lượng thì việc sơ, tổng kết, đánh giá các chỉ thị, nghị quyết, văn bản của Đảng rất quan trọng. Qua việc đánh giá này, cấp ủy, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương nhìn nhận rõ hơn những việc làm được, chưa làm được, nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm cũng như dự báo tình hình thời gian tới để đưa ra chủ trương, định hướng đúng hơn, sát hơn, bảo đảm tính khả thi cao.
Trong đó, việc dự báo tình hình rất quan trọng, dự báo đúng, sát thì chủ trương, nghị quyết đề ra đúng, phù hợp, bám rễ được vào thực tiễn cuộc sống. Việc đánh giá sâu sát, kỹ lưỡng các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ qua cũng sẽ tránh được tình trạng chỉ tiêu đề ra quá cao, hoặc quá thấp, cào bằng. Từ đó, các tổ, tiểu ban nghiên cứu để đưa ra chỉ tiêu đúng, trúng, phù hợp cũng như bàn thảo tìm các giải pháp để từng bước hiện thực hóa các chỉ tiêu này.
Các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ cần có sự kế thừa những nhiệm kỳ trước và bảo đảm theo định hướng của Trung ương, địa phương về sự phát triển trong thời gian tới.
Dự kiến đưa chỉ số hạnh phúc vào mục tiêu, tầm nhìn
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực... “Đến thời điểm này, việc thực hiện các các khâu đột phá chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng đề ra. Từ đó, đặt ra yêu cầu, việc xác định các khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới cần có tính phấn đấu cao hơn nhưng đồng thời phải có tính khả thi”, đồng chí Lưu Văn Trung yêu cầu.
Nhiệm kỳ 2025 - 2030, theo ý tưởng, gợi mở của đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, dự kiến mục tiêu, tầm nhìn của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII là “... phấn đấu xây dựng Đắk Nông thành tỉnh mạnh, dân giàu, thiên nhiên tươi đẹp, xã hội nghĩa tình, tiến tới hạnh phúc”. Đây là gợi mở quan trọng về mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh Đắk Nông trong thời kỳ mới, nhất là trong bối cảnh toàn tỉnh đang tiến hành tổng kết Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Lần đầu tiên chỉ số hạnh phúc được xem xét đưa vào văn kiện Đại hội của Đảng bộ tỉnh.
Trên thực tế, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hạnh phúc được xác định là mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội, là khát vọng phát triển của đất nước, là chuẩn mực tối cao của gia đình Việt Nam. Đó là những chỉ dẫn quan trọng đối với quản trị quốc gia, đưa hạnh phúc trở thành một mục tiêu thực tế trong phát triển đất nước.
Trong số 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhiệm vụ thứ tư được Đảng ta xác định là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.
Việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam được xác định trong Văn kiện là một nội dung quan trọng của một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng trong nhiệm kỳ này. Như vậy, việc dự kiến đưa chỉ số hạnh phúc vào mục tiêu, tầm nhìn vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh là rất cần thiết, phù hợp, ý nghĩa.
Hạnh phúc không chỉ thể hiện khát vọng về sự phát triển của đất nước, của tỉnh mà còn cần được khơi dậy như một động lực tinh thần to lớn của toàn dân tộc.