Giáo dục - Đào tạo

Đắk Nông: Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

Nguyễn Hiền 11/01/2024 07:52

Lấy trẻ làm trung tâm là một trong những hoạt động được các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chú trọng thực hiện để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

Trường mầm non Hoa Ban, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức hiện có hơn 500 trẻ theo học ở 1 điểm chính và 5 điểm lẻ. Bà Hoàng Thị Mùi, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Ban cho biết: “Trường có đặc thù là đông học sinh dân tộc thiểu số nên trẻ thường nhút nhát, ngại tiếp xúc. Vì vậy, giáo viên chú trọng giáo dục, giúp trẻ phát triển kỹ năng, mạnh dạn, tự tin cho trẻ. Trong các tiết học, giáo viên tạo cho trẻ cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thêm yêu trường, mến lớp. Trường thiết kế môi trường giáo dục thân thiện, bảo đảm an toàn về thể chất và tâm lý cho trẻ. Trẻ thường xuyên được giao tiếp trong mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh để có thể tự tin bộc lộ các khả năng của mình tốt nhất”.

img_0861.jpg
Trường mầm non Hoa Ban, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức dù còn nhiều khó khăn vẫn chú trọng tạo không gian vui chơi cho trẻ phù hợp với lứa tuổi

Tại Trường mầm non Hoa Phượng Vàng, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa, việc dạy học lấy trẻ làm trung tâm được triển khai xuyên suốt trong tất cả các hoạt động. Trường chú trọng xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp để trẻ có thể trải nghiệm như khu trồng hoa, trồng rau xanh, đồ chơi ngoài trời hợp lý…

Trong lớp học, giáo viên tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động bảo đảm phù hợp, linh hoạt, đa dạng, phong phú. Các góc hoạt động trong lớp và ngoài lớp mang tính mở giúp trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng đồ dùng, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm. Bà Lê Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng Vàng thông tin: “Lấy trẻ làm trung tâm là hoạt động chủ đạo được trường triển khai trong tất cả các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ. Các lớp học được thiết kế các góc không gian hoạt động phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thực hàng ngày, để trẻ phát huy khả năng của mình”.

Cô giáo Trần Thị Thành, Trường mầm non Hoa Bưởi, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) cho rằng, trong các tiết học, giáo viên chủ yếu định hướng, gợi mở, tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực, tự bộc lộ kinh nghiệm của bản thân. Giáo viên giúp trẻ tự học thông qua các hoạt động trải nghiệm, khám phá, thực hành, tự thu thập thông tin. Với cách dạy này trẻ rất nhanh tiến bộ và tích cực khám phá, thể hiện bản thân hơn. Những tiết học giáo viên tăng cường giao tiếp và giúp trẻ tự thể hiện khả năng của mình thường diễn ra sinh động, trẻ hứng thú tham gia và nhớ lâu hơn về bài học.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, việc dạy học lấy trẻ làm trung tâm được các trường lồng ghép triển khai từ nhiều năm nay, nhưng hai năm gần đây đã đi vào chiều sâu. Các trường đã chú trọng xây dựng môi trường thuận lợi để phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ. Nhờ đó, các trường mầm non đã xây dựng hướng tới môi trường xanh, sạch, đẹp, có đa dạng đồ dùng, đồ chơi. Giáo viên có những kỹ năng chuyên sâu hơn về việc dạy học lấy trẻ làm trung tâm.

Năm học 2023-2024, có 5 huyện, với 25 trường mầm non được chọn để triển khai thí điểm theo chiều sâu về mô hình lấy trẻ làm trung tâm. Từ học kỳ II, năm học 2023-2024, mỗi trường thí điểm sẽ chọn ra chủ đề cụ thể để thực hiện chuyên sâu. Hàng năm, mô hình này sẽ được nhân rộng để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được phát huy tối đa tính tích cực, chủ động trong quá trình phát triển.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đắk Nông: Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO