Đắk Nông xây dựng thế trận an ninh Nhân dân vững chắc
Xác định bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ hàng đầu, 20 năm qua, Đắk Nông đã xây dựng được thế trận an ninh Nhân dân rộng khắp và vững chắc.
Những năm đầu mới tái lập tỉnh, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều phức tạp. Nổi lên là thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài dụ dỗ, lôi kéo đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh biểu tình, bạo loạn hòng lật đổ chính quyền.
Đỉnh điểm là cuộc bạo loạn, biểu tình diện rộng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vào tháng 4/2004, tỉnh ta cũng không ngoại lệ. Sau sự việc này, thế lực thù địch ở nước ngoài tiếp tục dụ dỗ lôi kéo đồng bào nhẹ dạ vượt biên trái phép, gây mất an ninh trật tự (ANTT) tại nhiều địa bàn.
Thêm vào đó, tình hình nhiều người dân khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến tranh chấp đất đai; tình trạng người dân di cư tự do vào địa bàn tỉnh nhiều, phá rừng để lấy đất làm rẫy; nhiều nơi người dân vẫn duy trì những phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan; thêm vào đó nhiều loại tệ nạn xã hội len lỏi vào các bon, làng… khiến cho an ninh nông thôn trở nên phức tạp.
Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nhanh chóng thành lập các ban chỉ đạo: Phòng chống tội phạm, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) các cấp để tạo thế trận an ninh Nhân dân, bảo đảm ANTT ngay từ cơ sở.
Với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể và sự hưởng ứng của người dân. Phong trào TDBVANTQ từng bước phát triển, gắn với các phong trào thi đua yêu nước khác.
Trong công tác xây dựng, cơ quan chức năng đã tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, người có uy tín ở các bon làng hay các chức sắc, chức việc ở các địa phương để vận động Nhân dân tham gia tố giác tội phạm, hay tham gia các tổ an ninh ở cơ sở.
Từ đó, phong trào TDBVANTQ đã có nhiều chuyển biến rõ nét, ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và và thực hiện phong trào TDBVANTQ của tỉnh được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở.
Các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào TDBVANTQ phát triển ngày một đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả, mang tính xã hội hóa cao. Nhiều mô hình phát huy được vai trò làm chủ của Nhân dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật…
Thông qua phong trào TDBVANTQ, các tầng lớp Nhân dân đã cung cấp nhiều tin có giá trị liên quan đến ANTT giúp lực lượng công an điều tra, khám phá nhiều vụ án, chuyên án. Nhiều mô hình đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho những người lầm lỗi hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 30 mô hình về ANTT đang được duy trì và nhân rộng. Trong đó, 6 mô hình cấp huyện, 20 mô hình cấp xã đã nhân rộng với 413 đơn vị mô hình được duy trì hoạt động hiệu quả.
Nhiều mô hình đã duy trì hàng chục năm qua như: Tổ tuần tra phòng, chống tội phạm và bảo vệ nông sản; xã không ma túy; cánh cổng an ninh; tiếng kẻng an ninh; camera giám sát an ninh; zalo an ninh; hòm thư tố giác tội phạm; tổ liên gia an toàn về PCCC…
Trong đó, mô hình tổ tuần tra phòng, chống tội phạm và bảo vệ nông sản được đánh giá rất hiệu quả trong nhiều năm liền, được người dân nhiệt tình ủng hộ. Tiền thân của mô hình này là các mô hình “Tổ bảo vệ cà phê”, “Tổ bảo vệ mùa màng”.
Trước đây, khi lực lượng công an chính quy chưa được điều động về đảm nhận các chức danh công an xã thì mô hình “Tổ bảo vệ cà phê”, “Tổ bảo vệ mùa màng” do công an bán chuyên trách và lực lượng công an viên thôn, bon và người dân là lực lượng chính.
Sau khi Công an tỉnh hoàn tất việc đưa công an chính quy về các xã vào tháng 3/2021, mô hình này chính thức được công an xã đảm nhận. Tại nhiều địa phương, hàng năm đến mùa thu hoạch nông sản của người dân, công an các xã sẽ “kích hoạt” các tổ tuần tra để bảo vệ tài sản cho người dân. Mô hình này hiện đã được Bộ Công an ghi nhận, chọn nhân rộng ra toàn quốc.