Kinh tế

Đắk Nông xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng công viên địa chất

Mẫn Doanh 25/08/2024 14:49

Để phát triển du lịch bền vững và mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương, Đắk Nông chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù vùng Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông…

ADQuảng cáo

Tinh hoa trên vùng đất núi lửa

Trên vùng đất núi lửa Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông), sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An ghi được nhiều dấu ấn. Ông Võ Quyết, Phó Giám đốc HTX Công Bằng Thuận An cho biết: “Nguyên liệu làm ra cà phê bột Đắk Đam được các thành viên HTX canh tác thuận tự nhiên, theo tiêu chuẩn của VietFarm và Fairtrade. Khi đến mùa thu hoạch, người dân đợi trái chín đỏ tươi, đạt trên 90% mới thu hái”. Cà phê bột Đắk Đam là sản phẩm cà phê đạt chuẩn OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh.

img_9095.jpg
Cà phê bột Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) có hương vị cà phê đặc trưng của vùng đất đỏ Tây Nguyên nói chung và vùng đất núi lửa Thuận An nói riêng

Bên dòng sông Krông Nô, dưới chân núi lửa Nâm Blang, cánh đồng lúa thuộc xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô (Đắk Nông) rộng hơn 750 ha. Nơi đây là vùng bãi bồi ven sông. Hàng năm vào mùa lũ, phù sa từ sông Krông Nô vun đắp tạo lên lớp dinh dưỡng phì nhiêu. Vào mùa khô, thời tiết khắc nghiệt phơi lớp đá bọt dưới chân núi lửa Nâm Blang trong nhiều tháng. Khi mùa mưa xuống, nước mưa bào mòn lớp khoáng trên bề mặt cao nguyên đá bổ sung vào cánh đồng Buôn Choáh một lượng khoáng chất hữu cơ vô giá. Cây lúa trồng trên cánh đồng Buôn Choáh "ngậm" dòng sữa mẹ thiên nhiên này cho ra những hạt lúa đặc biệt. Gạo ST24 ở Buôn Choáh hạt nhỏ, trong, cơm đậm. Gạo nấu chín dẻo, mềm với hương vị tự nhiên, càng nhai càng ngọt. Khi để nguội hạt cơm vẫn mềm, không bị khô cứng. Không chỉ thế, hàm lượng dinh dưỡng trong hạt gạo như gluxit, protein và các khoáng chất… cũng vượt trội.

img_2301.jpg
Đặc sản lúa gạo Buôn Choáh hội tụ nhiều yếu tố để có sức cạnh tranh trên thị trường

Ông Đinh Đăng Linh, Giám đốc HTX sản xuất lúa gạo Buôn Choáh chia sẻ: “Cánh đồng Buôn Choáh được bồi lấp bởi phù sa sông Krông Nô, cộng với trầm tích khoáng chất từ đá bọt núi lửa giúp cho lúa gạo mang hương vị riêng. Cùng với ưu thế trên, HTX định hướng sản xuất gạo đặc hữu với giống lúa ST24, ST25 và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên cơ sở quy trình chuẩn VietGAP. Từ đó, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù là lúa gạo Buôn Choáh gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông”.

Đặc sản Đắk Nông trên hành trình khám phá

CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã xây dựng 3 tuyến du lịch là “Trường ca của lửa và nước”; “Bản giao hưởng của làn gió mới” và “Âm vang từ Trái đất” nhằm khai thác tốt nhất giá trị di sản, các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trên hành trình 41 điểm tham quan nổi bật của 3 tuyến có các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp canh nông.

Từ nhiều năm nay, mảnh đất Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) được biết đến là một vùng chuyên canh cây xoài. Ngoài sản lượng cao, xoài Đắk Gằn còn nổi tiếng bởi chất lượng. Đất ở đây chủ yếu được phong hóa từ các loại đá trầm tích (cát kết, bột kết, đá phiến). Nguồn nước ngầm dồi dào và thoát nước tốt, phù hợp với sự phát triển của cây xoài. Lớp đất bazan mỏng (30 - 50cm), sẫm màu, giàu sắt phủ trên mặt, là sản phẩm phun trào núi lửa khoảng 200.000 - 300.000 năm trước. Từ đó cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây xoài phát triển, làm nên chất lượng riêng của sản phẩm xoài Đắk Gằn. Các vườn xoài nằm trong điểm đến tham quan thuộc tuyến 2, Bản giao hưởng của làn gió mới, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

img_0879.jpg
Người dân xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) sản xuất chủ yếu các loại xoài Đài Loan, xoài Thái, xoài ba mùa, xoài Úc…

Gần 20 năm gắn bó với cây xoài, người dân tin tưởng rằng việc phát triển du lịch canh nông gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông sẽ giúp họ quảng bá thương hiệu xoài Đắk Gằn, trở thành đặc sản của miền cao nguyên M’Nông. Bà Nguyễn Thị Thuê, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn chia sẻ: “Nhiều năm nay, cây xoài được gia đình tôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại nguồn thu nhập khá. Rất vui mừng khi vườn xoài của gia đình được chọn làm điểm tham quan trên tuyến du lịch CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Gia đình tôi cũng đang tiếp tục cải tạo vườn xoài tốt hơn để tiếp đón du khách đến tham quan”.

Dưới chân núi lửa Nâm Kar, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có một vườn cam, quýt của HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú. Theo chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, vùng đất sỏi đá nơi đây chưa bị tác động nhiều của hoạt động sản xuất nên mang tính tự nhiên, sạch, phù hợp để HTX phát triển cây trồng hữu cơ. Vườn cây được hấp thụ dưỡng chất từ nham thạch núi lửa, trái cây khi chín có độ ngọt dịu rất khác biệt. 2 sản phẩm quýt đường núi lửa và cam sành núi lửa của HTX đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh. Bên cạnh việc phát triển sản xuất, HTX từng bước quy hoạch, xây dựng nhà homestay, farmstay, khu trưng bày sản phẩm để phục vụ du lịch tham quan học tập và trải nghiệm.

img_9531.jpg
Các chủ thể của sản phẩm OCOP chú trọng đầu tư và xây dựng thương hiệu gắn với vùng đất núi lửa ở Đắk Nông

Với những ưu thế về khí hậu, thổ nhưỡng, thiên nhiên, con người vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã góp phần làm nên các sản phẩm đặc trưng cho ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông. Những năm qua, nhiều tổ chức kinh tế, các Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình đầu tư sản xuất nông nghiệp bài bản, tạo ra những sản phẩm chất lượng trên vùng đất núi lửa. Trong đó, có nhiều sản phẩm thuộc chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), đạt chứng nhận 3 – 4 sao như: Bơ núi lửa Krông Nô (HTX Nông nghiệp dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô); Bưởi Sang’s Farm (HTX Nông nghiệp thương mại, dịch vụ Sang’s Farm); Gạo ST24 Krông Nô (HTX sản xuất lúa gạo Buôn Choáh)… Các sản phẩm OCOP cũng là một phần không thể tách rời của các chương trình, hoạt động của CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông, thu hút du khách đến với Đắk Nông.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng từ văn hóa bản địa

Buôn văn hóa Ê đê (buôn Nui, Buôr, Trum và Êa Pô), xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút là điểm đến trên hành trình tham quan, khám phá Tuyến 2 – Bản giao hưởng của Làn gió mới, CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Nơi đây còn lưu giữ các giá trị di sản, nét đẹp truyền thống đồng bào Ê đê như nhà dài, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ, âm nhạc, nghề truyền thống, lễ hội... Du khách có thể đến khám phá và trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê đê tại THT dệt thổ cẩm buôn Nui. Bà H’Đá, Tổ trưởng THT dệt thổ cẩm buôn Nui cho hay: “Các thành viên trong tổ thường tập trung ở nhà văn hóa cộng đồng để cùng dệt nên những chiếc túi xách, ví, vỏ gối, mũ, chăn, mền, võng… Các nghệ nhân đã biết ứng dụng máy may, tạo ra các sản phẩm thổ cẩm cách tân, cho ra các sản phẩm với giá cả hợp lý để khách hàng dễ dàng tiếp cận hơn”.

img_8244.jpg
Du khách thích thú khi đến tham quan, tìm hiểu về các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Ê đê, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông)

CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông, trải dài qua 6 huyện, thành phố gồm: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, Krông Nô và thành phố Gia Nghĩa. Trên vùng CVĐC, Đắk Nông chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng từ văn hóa bản địa M’nông, Mạ, Ê đê với các sản phẩm đan lát, dệt thổ cẩm, ẩm thực, rượu cần…

Toàn tỉnh hiện còn khoảng 690 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống, 360 nghệ nhân biết đan lát truyền thống. Năm 2018, UBND tỉnh công nhận nghề truyền thống “Làm rượu cần” và “Dệt thổ cẩm” ở xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa. Năm 2019, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập làng nghề đan lát truyền thống của người M'nông tại bon Kon Hao và Tinh Wel Đăng, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong. Làng nghề là điểm di sản, tham quan trên tuyến du lịch "Trường ca của Lửa và nước", CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Du khách có thể tham quan trải nghiệm, thực hành và mua các sản phẩm nghề đan lát của người M'nông như gùi, nia, rổ, đơm…

Năm 2022, nghề dệt truyền thống của người M’nông tỉnh Đắk Nông được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Sản phẩm dệt thủ công là minh chứng cho sức sáng tạo, tư duy thẩm mỹ và đời sống tinh thần phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các DTTS M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch” tỉnh Đắk Nông.

as2.jpg
THT dệt thổ cẩm, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) nỗ lực đưa thổ cẩm của đồng bào tại chỗ tỉnh Đắk Nông vươn xa

Theo bà H’Bình, Tổ trưởng THT dệt thổ cẩm, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, bên cạnh giữ gìn những hoa văn truyền thống của các dân tộc thiểu số, các nghệ nhân còn dệt những hoa văn mang tính hiện đại để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm thổ cẩm cũng đa dạng hơn như váy, áo, túi xách, chăn, gối, ví, giày, vòng tay… Hiện nay, THT có thêm những khách hàng đặt để làm sản phẩm thời trang, làm quà lưu niệm. Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, THT cũng tích cực liên kết, quảng bá sản phẩm bằng cách giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm và các đơn vị làm du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng

Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông được xác định là một trong những lợi thế cạnh tranh, định hướng phát triển trong nền kinh tế của tỉnh. Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững có sự tham gia đầy đủ của cộng đồng các dân tộc, tỉnh chú trọng thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Đây là loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Hình thức này mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị khi hòa vào cuộc sống của người dân bản địa.

Là vùng lõi của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, hiện nay Krông Nô có khoảng 180 người còn sử dụng được cồng chiêng, 16 biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, 17 người biết và hát những làn điệu dân ca, hơn 100 người biết dệt thổ cẩm truyền thống, 15 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống. Phát huy những thế mạnh riêng, Krông Nô đang nỗ lực xây dựng các mô hình DLCĐ.

tr15.6.jpg
Đội nghệ nhân thuộc Nhóm DLCĐ ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô đánh chiêng chào đón du khách trong hành trình kết nối tuyến du lịch vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Theo ông Huỳnh Công Nga, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Nô, thời gian qua, Krông Nô chú trọng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống nhằm tạo nét đặc trưng riêng về phát triển du lịch. Mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm du lịch gắn với văn hóa đã được manh nha, xây dựng. Hiện nay, địa phương đã xây dựng thí điểm mô hình DLCĐ tại bon Ja Ráh, xã Nâm Nung và thôn Quảng Hà, xã Nâm N'đir. Thành lập 5 đội văn nghệ truyền thống phục vụ du lịch tại thôn Nam Thanh, xã Nam Xuân; bon Ja Ráh, xã Nâm Nung; thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú; thôn Nam Tân, xã Nam Đà; thôn Nam Cao, xã Đắk Sôr; bon Choih, xã Đức Xuyên. Thường niên, địa phương tổ chức 3 lễ hội đặc trưng, tiêu biểu. Trong đó, lễ hội Tăm Blang M'prang Bon được nâng tầm, gắn với CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

img_8760.jpg
Du khách thích thú khi được trải nghiệm sinh hoạt văn hóa, ẩm thực, lễ hội, trò chơi, nghề truyền thống... của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông

Để khai thác, phát huy tiềm năng DLCĐ, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình DLCĐ gắn với CVĐC núi lửa Krông Nô; triển khai các nội dung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, mô hình du lịch cộng đồng, kết nối tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 25/2023/NQ-HĐND thay thế Nghị quyết 06/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông. Trong đó có Dự án hỗ trợ phát triển DLCĐ.

Nghị quyết 25/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đắk Nông quy định mức hỗ trợ phát triển DLCĐ tại Nghị quyết 25/2023/NQ-HĐND. Cụ thể, Dự án điểm DLCĐ đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ theo quy định tại Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13259:2020 ban hành kèm theo Quyết định số 3941/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch được hỗ trợ 20% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, mức hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng/điểm DLCĐ. Hộ kinh doanh là thành viên cộng đồng thuộc điểm DLCĐ được hỗ trợ 20% kinh phí cải tạo, làm mới các hạng mục phục vụ khách du lịch, mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ kinh doanh

Đến nay, các địa phương trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã triển khai xây dựng, hình thành được 9 mô hình DLCĐ; 31 đội văn nghệ truyền thống có chương trình phục vụ du lịch; lựa chọn, phục dựng và duy trì tổ chức định kỳ hàng năm 11 lễ hội tiêu biểu, đặc trưng của các dân tộc đại diện tại địa phương làm sản phẩm du lịch.

PHÁT NGÔN ẤN TƯỢNG - HUY (1)

Bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông khẳng định, các mô hình DLCĐ được xây dựng phát huy giá trị văn hóa và sinh thái, lịch sử gắn với vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Phát triển DLCĐ mang đến “lợi ích kép”, vừa tạo sinh kế, vừa lưu giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc. Thời gian qua, ngành cũng đã tổ chức tập huấn cho người dân về cách thức tổ chức hoạt động DLCĐ; quy trình tổ chức, đón tiếp hoạt động du lịch; xây dựng quy chế hoạt động; nâng cao chuyên môn các nhóm dịch vụ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng công viên địa chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO