Đắk Nông xây dựng sản phẩm du lịch công viên địa chất
Với sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch, văn hóa tỉnh Đắk Nông nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù theo tiêu chí mà UNESCO đưa ra để xét duyệt, công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu.
Bảo tồn các giá trị văn hóa trong vùng CVĐC
Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm, chỉ đạo ngành Văn hóa, Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông (nay là Trung tâm XTĐT hỗ trợ doanh nghiệp và Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông thực hiện nhiều hoạt động sưu tầm, lập hồ sơ và xếp hạng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Theo Quyết định số 428/QĐ-UBND ngày 4/4/2023 về việc phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn CVĐC có 4 di tích khảo cổ; 8 di tích lịch sử, văn hóa; 42 di tích danh lam thắng cảnh.
Tỉnh đã sưu tầm, sắp xếp, phân loại và lưu giữ được 34.000 hiện vật, di sản. Điều này góp phần bổ sung và dần hoàn thiện các sưu tập hiện vật, đáp ứng tốt cho công tác trưng bày quảng bá di sản; bảo đảm ổn định dần các tổ hợp trưng bày khi có Nhà trưng bày Bảo tàng.
Đến nay đã tổ chức được hơn 80 đợt trưng bày với hơn 15.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu... thu hút trên 30.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghiên cứu và học tập.
Ngoài ra, địa phương tuyên truyền các di sản thông qua nhiều hoạt động như: tổ chức 6 lớp tập huấn - giới thiệu di sản văn hóa tỉnh Đắk Nông trong chương trình “Trường học thân thiện - học sinh tích cực” tại các trường THCS, THPT và trường Dân tộc nội trú tại các huyện thu hút 2.350 học sinh tham gia; đưa các hiện vật có giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu tham dự triển lãm quảng bá di sản ở tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước,… Các di tích khảo cổ học đã được phát hiện và khai quật, thu thập được nhiều di vật quý giá.
Đồng thời, tỉnh ban hành nhiều kế hoạch nhằm bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, tỉnh ban hành kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giai đoạn 2021 – 2025; triển khai Đề án “bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; đề án “Bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông; sửa đổi quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh,…
Đắk Nông triển khai các hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể, Đắk Nông tổ chức tập huấn, truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc M’nông; tập huấn về bảo tồn dân ca M’nông; khôi phục các làng nghề thủ công, đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần.
Ngoài ra, địa phương tiến hành điều tra, khảo sát nghề đan lát truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tỉnh bảo tồn buôn văn hóa truyền thống tại Buôn Buôr trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông…
Năm 2022, nghề dệt truyền thống của người M’nông tỉnh Đắk Nông được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Sản phẩm dệt thủ công là minh chứng cho sức sáng tạo, tư duy thẩm mỹ và đời sống tinh thần phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các DTTS M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch” tỉnh Đắk Nông.
Phát triển du lịch cộng đồng
Được ra mắt từ tháng 8/2022, tổ du lịch cộng đồng (DLCĐ) Jôk Nâm Nung, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô là nơi quảng bá, giới thiệu những nét sinh hoạt, văn hóa đặc sắc của người M’nông.
Với hai bon tham gia chính là Ja Rah và Jok Ju, ban đầu tổ có 26 thành viên, sau tăng lên hơn 40 thành viên. Là hình thức DLCĐ, ở đây, tất cả đều được phân công nhiệm vụ rất rõ ràng theo từng tổ: tổ cồng chiêng, tổ dệt thổ cẩm, tổ ẩm thực, tổ phục vụ… Dù mới thành lập chưa lâu nhưng DLCĐ Jôk Nâm Nung đã đón tiếp hàng ngàn lượt du khách.
Du khách đến với Jôk Nâm Nung không chỉ được trải nghiệm ở nhà sàn, thưởng thức hương vị ẩm thực truyền thống của đồng bào M’nông mà còn được hòa cùng nhịp chiêng, điệu múa, thưởng thức men cay rượu cần, trải nghiệm dệt thổ cẩm, đan lát và thưởng ngoạn vẻ đẹp của những con thác trong vùng. Những nét văn hóa tưởng chừng quen thuộc với bà con lại trở thành điều mới lạ, cuốn hút du khách gần xa:
Trong số hơn 40 thành viên của tổ DLCĐ, ngoài những nghệ nhân lớn tuổi của các đội cồng chiêng, còn có khá đông các bạn trẻ nhiệt tình tham gia.
Em Y Nhuýt chia sẻ: "Được các nghệ nhân hướng dẫn và truyền dạy, em cảm thấy tự hào khi được góp phần giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Tham gia nhóm DLCĐ còn giúp em có cơ hội giới thiệu bản sắc văn hóa của đồng bào đến với du khách, đồng thời học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ."
Dù thu nhập từ du lịch chưa đáng kể nhưng từ khi đón khách du lịch, bà con dần nhận ra được những lợi ích của DLCĐ, chủ động hơn trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống, khôi phục các nghề thủ công. Lớp trẻ hiểu và yêu quý văn hóa của dân tộc mình. Những giá trị văn hóa đặc sắc của bà con M’nông được lan tỏa, phát huy.
Để khai thác, phát huy tiềm năng DLCĐ, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình DLCĐ gắn với CVĐC núi lửa Krông Nô. Tỉnh triển khai các nội dung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, mô hình DLCĐ, kết nối tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 25/2023/NQ-HĐND thay thế Nghị quyết 06/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông, trong đó, có dự án hỗ trợ phát triển DLCĐ.
Cụ thể, dự án điểm DLCĐ đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ theo quy định tại Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13259:2020 ban hành kèm theo Quyết định số 3941/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch được hỗ trợ 20% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng. Mức hỗ trợ tối đa không quá 1 tỷ đồng/điểm DLCĐ. Hộ kinh doanh là thành viên cộng đồng thuộc điểm DLCĐ được hỗ trợ 20% kinh phí cải tạo, làm mới các hạng mục phục vụ khách du lịch, mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ kinh doanh.
Đến nay, các địa phương trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã triển khai xây dựng, hình thành được các mô hình DLCĐ; thành lập các đội văn nghệ truyền thống có chương trình phục vụ du lịch. Tỉnh lựa chọn, phục dựng và duy trì tổ chức định kỳ hàng năm 12 lễ hội, 4 ngày hội truyền thống tiêu biểu, đặc trưng của các dân tộc đại diện tại địa phương làm sản phẩm du lịch.