Đắk Nông xây dựng mô hình xử lý rác thải trong sản xuất cà phê
Khuyến nông cộng đồng ở Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn về thu gom, xử lý hiệu quả, triệt để rác thải trong sản xuất cà phê.
Ngày 29/10, tại TP. Gia Nghĩa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT); Diễn đàn cà phê toàn cầu tại Việt Nam; Sở NN- PTNT tỉnh tổ chức Hội thảo Khuyến nông cộng đồng thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê.
Hội thảo với sự tham gia của 150 đại biểu trong và ngoài tỉnh, trong đó 80 thành viên của 10 tổ khuyến nông cộng đồng tại các thôn, bon, buôn trên địa bàn tỉnh.
Cà phê là cây trồng có tỷ trọng lớn trong cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh, chiếm khoảng trên 35%. Diện tích, sản lượng cà phê của tỉnh chiếm trên 18% cả nước. Cà phê Đắk Nông đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên, sau tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Tính đến hết năm 2023, diện tích khoảng 142.059 ha, sản lượng 360.027 tấn, cà phê được trồng hầu hết trên địa bàn các huyện, TP. Gia Nghĩa.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định, những năm qua, nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các hộ trồng cà phê của tỉnh chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc. Các hoạt động thu hoạch, bảo quản và chế biến ngày càng được coi trọng nên năng suất, chất lượng cà phê của tỉnh được nâng cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng sản xuất cà phê của tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó, rác thải, chất thải sau khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, trừ bệnh, điều hòa sinh trưởng... chưa được thu gom, xử lý đúng cách, triệt để.
Khuyến nông cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn như hạ tầng, vật dụng chứa đựng, thu gom, mô hình xử lý hiệu quả, triệt để rác thải trong sản xuất cà phê.
Khuyến nông cộng đồng cần có sự trợ lực cụ thể về cơ chế hoạt động, vai trò của các bên liên quan như Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ, huy động nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải trong sản xuất cà phê mang tính lâu dài.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh khẳng định, sau hội thảo, trung tâm sẽ kết nối với các bên liên quan xây dựng, cụ thể hóa quy trình thu gom, xử lý chất thải trong sản xuất cà phê.
Trong đó nhấn mạnh chất thải được xử lý theo quy trình, đúng cách, bảo đảm an toàn, lợi ích người sản xuất, cộng đồng theo chuỗi giá trị khép kín.