Đời sống

Đắk Nông vượt xa kế hoạch đào tạo nghề

Dương Phong 23/01/2025 05:30

Giai đoạn 2020-2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đắk Nông.

Thay đổi suy nghĩ về học nghề

Tháng 8/2024, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, anh Hoàng Văn Phi (SN 2006) được bố mẹ đầu tư máy móc để mở một tiệm may nhỏ ở thôn 11, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong.

3 năm trước, anh Phi là học sinh duy nhất của xã Quảng Hòa sau khi tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề may. Đây cũng là quyết định “táo bạo” của nam thanh niên người Mông bởi quan niệm công việc may vá thường gắn với các bà, các mẹ.

img_4394.jpg
Anh Hoàng Văn Phi tốt nghiệp cao đẳng nghề vào tháng 8 năm 2024

Anh Hoàng Văn Phi chia sẻ: “Năm 2021, tôi quyết định đi học nghề với mong muốn sớm có việc làm, tự nuôi sống bản thân. Gia đình tôi từ trước đến nay không có ai làm nghề may, nhưng khi tìm hiểu, tôi nhận thấy tiềm năng của nghề này ở địa phương rất lớn nên đã quyết định theo học”.

Trở về nhà với tấm bằng cao đẳng nghề, Hoàng Văn Phi tự tin bắt tay vào công việc mà mình đã lựa chọn. Không chỉ may những trang phục hiện đại, nam thanh niên này còn tìm tòi, nghiên cứu may các sản phẩm thổ cẩm, trang phục truyền thống vốn gắn bó với văn hóa dân tộc Mông của mình. Anh Phi cho hay, nếu thời gian tới nếu có điều kiện, tôi sẽ mở rộng tiệm may, phục vụ đông đảo nhu cầu của người dân địa phương.

img_4410.jpg
Sau một thời gian, anh Hoàng Văn Phi đã có đơn hàng may quần áo cho người dân trong vùng

Nhìn thấy con trưởng thành sau khi học nghề may, ông Hoàng A Tú, bố của Phi chia sẻ: “Ban đầu gia đình rất phân vân khi cho con đi học nghề nhưng khi thấy quyết tâm của con, vợ chồng tôi đều ủng hộ. Trong quá trình học tập, cháu được hỗ trợ toàn bộ học phí, được thực hành và tiếp cận với nhiều kỹ thuật mới nên khi tốt nghiệp đã có thể may đồ. Tôi dự định sẽ cho người con thứ 2 đi học nghề như anh trai”.

Bên cạnh đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hàng trăm lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp được mở ra ngay tại các xã, thị trấn. Các lớp đào tạo nghề thu hút người dân tham gia, góp phần nâng cao trình độ người lao động và giúp người dân tự tin chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thu nhập cho bản thân.

img_3179.jpg
Chị Vũ Thị Nương là lao động nông thôn được đào tạo nghề nấu ăn miễn phí

Sau khi tham gia lớp sơ cấp nghề nấu ăn, chị Vũ Thị Nương được giao quản lý, nấu ăn tại bếp ăn Trường mầm non Hoa Hồng, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức. So với công việc làm rẫy trước đây, nghề nấu ăn giúp chị có thu nhập ổn định và phù hợp với sức khỏe của bản thân.

“Trước đây, tôi chỉ nấu ăn theo kinh nghiệm của bản thân nên bữa ăn không phong phú, không phù hợp với trẻ. Khi biết huyện Tuy Đức mở lớp dạy nghề miễn phí, tôi đã đăng ký theo học. Kết thúc khóa học, tôi được cấp chứng chỉ và đủ điều kiện để đứng bếp nấu ăn cho học sinh”, chị Nương nói và cho biết thêm, sắp tới chồng của chị cũng sẽ tham gia lớp học nghề nấu ăn dành cho lao động nông thôn.

Vượt chỉ tiêu nghị quyết

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết, lực lượng lao động của tỉnh chiếm khoảng 57% dân số. Trong số này, lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp – lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn so với khu vực công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ.

Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh Đắk Nông đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông – lâm – ngư nghiệp. Sự thay đổi giá trị sản xuất của các khu vực nói trên kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Điều này, đã góp phần gia tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo để đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Nông.

img_1199.jpg
Lao động nông thôn được đào tạo nghề miễn phí, giúp người dân chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao thu nhập

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 27.100 người, đạt 135,5% kế hoạch Nghị quyết Đại hội XII đã đề ra. Bình quân mỗi năm, tỉnh Đắk Nông đã đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp cho trên 5.400 người.

Lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông cho rằng, công tác đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn đạt và vượt kế hoạch đề ra là kết quả của quá trình thay đổi nhận thức. Trong đó, công tuyên truyền về đào tạo nghề ngày càng được quan tâm, chú trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo và học sinh, sinh viên, người lao động.

Cùng với đó, tỉnh Đắk Nông đã thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án đào tạo nghề như chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập; chính sách học bổng; chính sách nội trú; tín dụng…

img_1116.jpg
Trong những năm qua, cơ cấu lao động tỉnh Đắk Nông có sự dịch chuyển sang khu vực thương mại- dịch vụ; công nghiệp- xây dựng

Một số chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã kịp thời hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển nhiều ngành nghề đáp ứng thị trường lao động và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Ngoài nguồn lực từ trung ương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND và Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 14/12/2022. Hai nghị quyết đã góp phần thu hút học sinh, sinh viên học nghề, tạo điều kiện giúp học sinh, sinh viên an tâm học tập các trình độ cao hơn để bảo đảm nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ hội nhập”, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Hoàng Viết Nam cho hay.

Bài 2- Hinh 3
Thời gian tới, tỉnh Đắk Nông ưu tiên tổ chức đào tạo nghề có sự liên kết 3 bên, giữa doanh nghiệp - cơ sở giáo dục nghề nghiệp- người lao động

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm là phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, xây dựng Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển du lịch. Điều này đặt ra những yêu cầu cao hơn trong công tác đào tạo nghề, với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, lao động có trình độ, tay nghề, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

“Thị trường lao động vẫn còn một số tồn tại như chất lượng cung lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu; tình trạng dư thừa lao động không có kỹ năng và thiếu lao động kỹ thuật, tay nghề cao. Trước thực tế này, tỉnh Đắk Nông tiếp tục chú trọng gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đào tạo nghề sát với nhu cầu học nghề của người lao động và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, tỉnh Đắk Nông ưu tiên tổ chức đào tạo nghề có sự liên kết 3 bên, giữa doanh nghiệp - cơ sở giáo dục nghề nghiệp - người lao động", ông Hoàng Viết Nam nêu định hướng trong thời gian tới.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Đắk Nông vượt xa kế hoạch đào tạo nghề
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO