Đắk Nông vượt chỉ tiêu đào tạo nghề, tạo việc làm
Với việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách, Đắk Nông vượt chỉ tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động.
Đào tạo nghề gắn với sinh kế
Trước đây, cuộc sống gia đình chị H'Nên, bon Ðắk Sắk, xã Ðắk Sắk, huyện Ðắk Mil rất khó khăn. Từ một hộ nghèo có 4 nhân khẩu, không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, kiếm ăn từng bữa, ai thuê mướn gì làm nấy.
Sau khi được Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp (TTGDTX-GDNN) huyện Ðắk Mil hỗ trợ dạy nghề may và giới thiệu việc làm, cuộc sống gia đình chị từng bước ổn định, thoát cảnh nghèo khó, thiếu trước hụt sau.
“Nhờ được học may công nghiệp, tôi có công việc và thu nhập ổn định 8 triệu đồng mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Công việc may gia công ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, không phải đi làm thuê thời vụ, bấp bênh như trước”, chị H'Nên cho biết.
Ngoài ra, Trung tâm GDTX-GDNN huyện Ðắk Mil quan tâm đào tạo đa dạng hóa ngành nghề như: kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật, may công nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi thú y, điện dân dụng, nấu ăn... giúp người lao động có việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của bản thân và gia đình.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Long, thôn Đắk Lợi, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil là một điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Với sự cần cù, chịu khó và tinh thần học hỏi, ông Long xây dựng thành công mô hình kinh tế gia đình với hơn 5ha đất trồng cà phê, tiêu và cây ăn quả, thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Long cho biết: "Trước đây, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm trong sản xuất. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật do Trung tâm GDTX-GDNN huyện Đắk Mil tổ chức, tôi đã học được cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, mô hình kinh tế của gia đình phát triển ổn định, năng suất tăng cao, nâng cao thu nhập".
Tính đến tháng 10/2024, Trung tâm GDTX-GDNN huyện Đắk Mil đã mở được 12 lớp học nghề cho lao động nông thôn, đạt 100% kế hoạch được giao. Trong đó, trình độ sơ cấp: 210 người; hỗ trợ đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 210 người.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH), Trung tâm GDTX-GDNN huyện Đắk Mil là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu nâng cao kỹ năng lao động cho người dân, đặc biệt là lao động nông thôn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Để giải quyết “đầu ra” trong công tác đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tăng cường trao đổi hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh.
Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông hiện tổ chức đào tạo 3 nghề trình độ cao đẳng; 8 nghề trình độ trung cấp, dạy nghề thường xuyên. Đào tạo nghề gắn với việc làm là phương châm, nhiệm vụ trọng tâm được Ban Giám hiệu nhà trường chú trọng. Trong thời gian qua, các hoạt động đào tạo nghề của nhà trường luôn có sự đồng hành của doanh nghiệp.
Từ khi thành lập cho đến nay nhà trường đã ký kết hợp tác đào tạo, thực tập tốt nghiệp, thực tập sản xuất với 56 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, trường luôn tổ chức ngày hội việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp.
Theo kết quả điều tra, khảo sát, hàng năm, khoảng 75% học sinh, sinh viên của trường có việc làm hoặc tự tạo việc làm phù hợp với ngành, nghề đào tạo sau 6 tháng tốt nghiệp. Số còn lại đi thực hiện nghĩa vụ quân sự và học liên thông lên các trình độ cao hơn. Riêng năm 2024, tất cả học sinh, sinh viên được tiếp cận, đối thoại trực tiếp với 12 doanh nghiệp tư vấn, đăng ký việc làm.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 19 cơ sở tham gia hoạt động GDNN gồm: 6 cơ sở GDNN, 7 trung tâm GDTX- GDNN công lập cấp huyện, 6 đơn vị, doanh nghiệp có tham gia hoạt động GDNN. Thời gian qua, chương trình đào tạo nghề của các cơ sở GDNN tiếp tục được phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong xu thế hội nhập.
Công tác đào tạo nghề có sự chuyển đổi mạnh mẽ với việc phân cấp các hệ đào tạo từ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đến đào tạo nghề thường xuyên. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị , chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học hiện nay. Các cơ sở GDNN đã mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của địa phương.
Theo ông Hoàng Viết Nam, Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Từ chủ trương đúng đắn cùng với nỗ lực của ngành trong việc đẩy mạnh triển khai có hiệu quả công tác tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, tỉnh Đắk Nông đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Đến tháng 10/2024, các cơ sở đào tạo nghề ở Đắk Nông đã đào tạo 8.566 người, vượt kế hoạch đề ra. Số lao động được tạo việc làm là 17.384 người, đạt 94,99% kế hoạch năm, tăng 8,6% so với năm 2023.
“Sở LĐTB-XH tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trọng tâm, tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, hỗ trợ lao động tiếp cận thị trường lao động và các dịch vụ việc làm. Đơn vị rà soát quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy tự chủ tại các cơ sở công lập, xã hội hóa đào tạo nghề và thu hút đầu tư. Ngành Lao động tham mưu triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, mở rộng sản xuất và thu hút lao động”, ông Nam thông tin thêm.