Đời sống

Đắk Nông - vùng đất lành cho khởi nghiệp, xây dựng tương lai

Dương Phong 01/05/2025 05:00

Với tiềm năng, thế mạnh, Đắk Nông đang khẳng định đây là vùng đất mở ra cơ hội lập thân, lập nghiệp cho mọi thế hệ.

Mảnh đất giàu tiềm năng

Năm 1997, ông Đoàn Hùng Thịnh, thôn 8, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp rời tỉnh Kiên Giang để đến Đắk Nông lập nghiệp. So với vùng đất trước đây, mảnh đất Đắk Nông đã cho ông Thịnh những kỳ vọng phát triển kinh tế.

Ông Thịnh nhớ lại, những năm cuối thế kỷ XX, cây cà phê vẫn là cây trồng chủ lực. Mặc dù điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp thế nhưng sản lượng cà phê không cao. Là cán bộ phụ trách công tác khuyến nông của xã Nhân Cơ, ông Thịnh đã đi đầu trong việc cải tạo giống cà phê, qua đó góp phần tăng năng suất cho cây trồng này.

img_3655.jpg
Gần 30 năm trước, ông Đoàn Hùng Thịnh (bên phải) tới Đắk Nông lập nghiệp

Ông Thịnh cho biết: “Qua nhiều năm trồng, cây cà phê đã già cỗi, giống lạc hậu. Từ thực tế này, tôi đã tiên phong thực hiện ghép cà phê để cải tạo giống. Sau này, nhiều hộ gia đình làm theo, nhờ đó mà cải thiện được năng suất cây trồng”.

Bên cạnh cà phê, khoảng 10 năm trước, ông Thịnh còn trồng thêm sầu riêng. Quá trình sản xuất, ông Thịnh tuân thủ đúng kỹ thuật và yêu cầu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, ông Thịnh đã có 1ha sầu riêng được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Cũng nhờ vườn sầu riêng này, mỗi năm gia đình ông Thịnh có thu nhập thêm khoảng 1 tỷ đồng.

“Cây sầu riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Đắk Nông, từ đó mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Ngoài vườn sầu riêng của tôi, 12 vườn sầu riêng khác trong Câu lạc bộ sầu riêng Thiên Phú (Câu lạc bộ do ông Thịnh làm thư ký) đã được cấp mã vùng sầu riêng để xuất khẩu sang Trung Quốc, qua đó góp phần hình thành thương hiệu sầu riêng Đắk Nông”, ông Thịnh thông tin thêm.

img_3644.jpg
Theo ông Thịnh, mảnh đất Đắk Nông rất giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhưng trong thời gian tới, cần có sự liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị nông sản

Sau gần 30 năm lập nghiệp tại Đắk Nông, ông Thịnh cho rằng vùng đất Nam Tây Nguyên phát triển từng ngày. Tuy nhiên, điều ông trăn trở nhất là nông nghiệp Đắk Nông chưa thực sự phát triển, chủ yếu là sản xuất nhỏ, lẻ, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Chính vì thế, ông mong rằng trong thời gian tới, các cấp chính quyền tiếp tục chú trọng tới vấn về liên kết, chế biến sâu, qua đó nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Bỏ phố lên Đắk Nông để lập nghiệp

Không chỉ những người gắn bó lâu năm, Đắk Nông còn thu hút những người trẻ, được đào tạo bài bản, từng làm việc tại thành phố lớn để khởi nghiệp. Cũng từ đây, Đắk Nông xuất hiện nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế nhờ khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Anh Nguyễn Chí Thành, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong là một trong những điển hình khi khởi nghiệp thành công với nghề trồng, kinh doanh hoa hồng, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Anh Thành cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, anh từng làm việc tại một số doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2020, xuất phát từ niềm đam mê với hoa hồng, anh từ TP. Hồ Chí Minh về Quảng Sơn để đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất và phân phối giống hoa. Chỉ sau 1 năm mày mò, thử nghiệm, anh Thành đã sản xuất ra nhiều giống hoa hồng, với giá bán từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/cây.

Hinh 1
Rời TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Chí Thành đã có những thành công bước đầu khi chọn mảnh đất Đắk Nông là nơi khởi nghiệp

Chia sẻ về lựa chọn Đắk Nông để thực hiện đam mê khởi nghiệp, anh Thành nói: “Tôi đã từng lên tỉnh Lâm Đồng tìm hiểu mua đất để đặt cơ sở sản xuất hoa tại đây. Tuy nhiên, giá đất cao mà vốn lại có hạn nên vượt quá khả năng của tôi. Tình cờ, tôi được người quen giới thiệu đất ở Đắk Nông có khí hậu, thổ nhưỡng tương tự Lâm Đồng mà giá thành lại rẻ, phù hợp để trồng hoa. Vậy là tôi đã quyết định đầu tư vốn liếng đến đây để trồng hoa”.

Sau nhiều nỗ lực vươn lên, anh Nguyễn Chí Thành đã gặt hái được những thành công ban đầu từ việc trồng và kinh doanh hoa hồng ngoại. Đặc biệt, mô hình này đã góp phần làm đa dạng ngành nghề kinh tế của xã Quảng Sơn và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Tình cờ, tôi được người quen giới thiệu đất ở Đắk Nông có khí hậu, thổ nhưỡng tương tự Lâm Đồng mà giá thành lại rẻ, phù hợp để trồng hoa. Vậy là tôi đã quyết định đầu tư vốn liếng đến đây để trồng hoa.

Anh Nguyễn Chí Thành, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong

“Thị trường hoa trong thời gian tới rất tiềm năng, tôi hi vọng mô hình của mình không chỉ dừng lại ở việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn mở ra những cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế cho người dân. Bản thân tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ để bà con địa phương, nhất là các bạn trẻ khởi nghiệp, xây dựng vùng cung ứng hoa hồng chất lượng cao tại xã Quảng Sơn”, chủ nhân vườn hồng rộng hơn 2ha nói về dự định của mình.

Sẵn sàng tạo dựng tương lai

Trong hành trình phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Đắk Nông đang từng bước xây dựng nền tảng vững chắc về nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế và nhu cầu xã hội. Đây cũng là giải pháp để mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, có thể sẵn sàng tạo dựng tương lai ngay trên chính quê hương mình.

Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông là đơn vị được giao nhiệm vụ cung ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, đơn vị đã tập trung đào tạo những ngành, nghề mà tỉnh có lợi thế và nhu cầu cao như nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí nông nghiệp, chế biến nông sản, kỹ thuật điện - điện tử, du lịch và dịch vụ…

img_3809.jpg
Sinh viên Trần Thị Mai Ngọc (thứ 2 từ trái qua), Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông học nghề để sẵn sàng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp

Sinh viên Trần Thị Ngọc Mai, Trường Cao đẳng Cộng đồng chia sẻ, Đắk Nông là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, nên trong thời gian tới nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này rất cao.

Theo học ngành Bảo vệ thực vật, Ngọc Mai hi vọng mình sẽ tích lũy được đầy đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành để trong tương lai có thể làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hoặc trực tiếp tham gia hỗ trợ nông dân địa phương canh tác theo hướng an toàn, hiệu quả.

Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông được khuyến khích khởi nghiệp sau khi hoàn thành khóa học
Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông được khuyến khích khởi nghiệp sau khi hoàn thành khóa học

Ngoài việc học lý thuyết, trong thời gian qua, Ngọc Mai chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập thực tế tại cơ sở sản xuất để tích lũy kinh nghiệm. “Những trải nghiệm đó sẽ giúp tôi nâng cao trình độ, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh khi tốt nghiệp”, Ngọc Mai nói.

Theo bà Đỗ Thị Là, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, nhà trường không chỉ hướng đến việc trang bị kỹ năng nghề, mà còn chú trọng bồi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Hầu hết các em sau khi tốt nghiệp đều có kiến thức, kỹ năng cần thiết để làm việc, nhất là sự tự tin, bản lĩnh, mong muốn được thể hiện bản thân.

img_3578.jpg
Không chỉ hướng đến việc trang bị kỹ năng nghề, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông còn chú trọng bồi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên

“Trong thời gian qua, không ít bạn trẻ đã mạnh dạn khẳng định bản thân... Họ không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám khác biệt. Đáng quý hơn cả, học sinh, sinh viên không còn mang tâm lý "ly hương" mà dần hình thành tư duy "lập thân, lập nghiệp tại chỗ", góp sức mình vào sự phát triển chung của tỉnh nhà”, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông Đỗ Thị Là cho hay.

Đọc tiếp

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Đắk Nông - vùng đất lành cho khởi nghiệp, xây dựng tương lai
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO