Kinh tế

Đắk Nông với mục tiêu tăng 4% giá trị sản xuất lâm nghiệp

Hồng Thoan 12/09/2023 04:58

Đắk Nông đang đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp nhằm bảo đảm phát triển xanh, hài hòa các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường.

Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có

Nhiều năm qua, rừng Đắk Nông bị suy giảm trầm trọng cả về diện tích và chất lượng. Từ một tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, nhưng đến nay tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt 39%. Trong khi tỷ lệ che phủ rừng cả nước hiện ở mức 42%.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, công tác quản lý, bảo vệ rừng những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn xảy ra; diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nhiều chưa được giải quyết dứt điểm.

Diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh hiện rất lớn. Thế nhưng, xét về góc độ kinh tế, đóng góp của lĩnh vực lâm nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn.

Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp. Theo đó, Đắk Nông triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, tỉnh nghiêm túc thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ.

z4568145846403_57277f8ffc41d062149793f03eeb6f6b-1-.jpg
Đắk Nông đẩy mạnh hoạt động trồng rừng để tăng độ che phủ rừng

Đắk Nông tập trung quản lý, bảo vệ tốt hơn 196.000 ha rừng tự nhiên hiện có. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 khoanh nuôi, tái sinh trên 5.000 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 40%.

Đắk Nông giảm thiểu thấp nhất các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là đối với hành vi phá rừng trái pháp luật. Tỉnh tập trung xử lý các vấn đề tồn tại trong bồi thường thiệt hại rừng, thuê rừng; giao khoán, xâm chiếm đất rừng.

Vấn đề bảo tồn, sử dụng bền vững rừng và đất rừng; tăng khả năng hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng sẽ được tỉnh chú trọng hơn. Các cấp, ngành hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, chủ rừng nâng cao năng lực, hoàn thiện các thủ tục để được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế rừng

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, Đắk Nông sẽ phát triển kinh tế rừng thông qua đổi mới mô hình tăng trưởng. Mục tiêu của tỉnh là phát triển lâm nghiệp bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, gắn với hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.

Tỉnh tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp. Đắk Nông khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế rừng, trồng cây phân tán, trồng cây gỗ bản địa và lâm sản ngoài gỗ; khoanh nuôi, tái sinh rừng.

pnat-o-yen.png
Đồ họa: Hồng Thoan

Các hình thức phát triển mô hình nông lâm kết hợp, dịch vụ môi trường rừng cũng được tỉnh xem là giải pháp để phát triển kinh tế rừng. Đắk Nông phấn đấu từ nay đến năm 2025, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 4%/ năm

Hoạt động lập quy hoạch lâm nghiệp được tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

dsc_0368(1).jpg
Gỗ keo lai được khai thác tại rừng trồng ở Đắk Nông

Ông Lê Đình Khoa, thôn 2, xã Đắk R’măng (Đắk Glong), để phát triển được kinh tế rừng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cao hơn đối với những hộ dân nhận giao đất, giao rừng.

Việc tìm được mô hình kinh tế rừng phù hợp như trồng rừng gỗ gì, gắn với đầu ra thế nào là điều cần được các cấp, ngành thúc đẩy nhiều hơn. Bởi hiện nay, nhiều người trồng rừng bằng cây keo, nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Còn ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết, phát triển kinh tế, tăng che phủ rừng bằng nông lâm kết hợp là một hướng đi có tính khả thi cao.

Hiện đơn vị đã phát triển nhiều diện tích nông lâm kết hợp. Trong đó, cây mắc ca trồng xen với các loại cây công nghiệp bước đầu cho hiệu quả cao. Mắc ca khá phù hợp với khí hậu, đất đai địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông với mục tiêu tăng 4% giá trị sản xuất lâm nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO