Đắk Nông và mục tiêu trở thành điểm đến du lịch sinh thái
Với những giá trị di sản thiên nhiên độc đáo cùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực để hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến du lịch sinh thái của vùng Tây Nguyên.
Với những giá trị di sản thiên nhiên độc đáo cùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực để hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến du lịch sinh thái của vùng Tây Nguyên.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII xác định mục tiêu đến năm 2030 phát triển du lịch trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan. Đại hội XII tập trung phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông. Đây là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương.
Để hiện thực hóa mục tiêu, Đắk Nông đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chuyên đề về xây dựng và phát triển du lịch. Trong đó nổi bật, ngày 22/12/2021, Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển CCVĐCTC UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành. Đây là kim chỉ nam trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đắk Nông đã đạt một số kết quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị CVĐCTC UNESCO. Nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và cộng đồng địa phương ngày càng tăng trong công tác bảo tồn, khai thác bền vững và phát huy tổng thể các giá trị di sản. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh tại các địa phương thuộc vùng CVĐC.
Tỉnh Đắk Nông đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đa phương và song phương, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn di sản địa chất, phát triển du lịch, và giáo dục khoa học với các CVĐC khác trong khu vực và quốc tế.
Đáng chú ý, vào năm 2022, Đắk Nông đã đại diện Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20), qua đó thúc đẩy hợp tác khoa học và quảng bá hình ảnh Đắk Nông đến với bạn bè quốc tế.
Đắk Nông đã chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong vùng CVĐCTC, đạt được nhiều tiến bộ trong công tác bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử và danh lam thắng cảnh. Hiện tỉnh có thêm 2 di tích, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và 3 di tích cấp tỉnh được công nhận, nâng tổng số lên 18 di tích cùng 55 điểm di tích lịch sử được đưa vào danh mục kiểm kê.
Các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm phục dựng, bảo tồn, trong đó có các nghề thủ công, lễ nghi, phong tục truyền thống của người dân bản địa.
Một số nghề truyền thống như rượu cần, dệt thổ cẩm tại TP. Gia Nghĩa cùng các nghi lễ đặc trưng như lễ cúng thần rừng của người Mạ, nghệ thuật trình diễn dân ca Nau M'Pring, và dệt thủ công truyền thống của người M’nông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Toàn tỉnh đã xây dựng 9 mô hình du lịch cộng đồng, 31 đội văn nghệ truyền thống phục vụ khách du lịch, tổ chức 11 lễ hội tiêu biểu, mang nét đặc trưng của văn hóa bản địa.
Để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với công viên địa chất, Đắk Nông đã triển khai chuyên đề quy hoạch vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, khoanh vùng bảo vệ các điểm di sản quan trọng và phát triển du lịch gắn với thiên nhiên, văn hóa vùng di sản trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chuyên đề này hiện đang được tích hợp vào quy hoạch tổng thể của tỉnh và sẽ tiếp tục được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Công tác đầu tư vào các điểm đến tiêu biểu của vùng CVĐC được ưu tiên với nhiều nguồn lực dành cho việc tu bổ, sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Tỉnh đã tiến hành điều chỉnh số điểm du lịch trong công viên từ 44 xuống còn 41 điểm nhằm tối ưu hóa khả năng phục vụ khách du lịch trong bối cảnh phát triển mới của CVĐC.
Để hỗ trợ phát triển du lịch, UBND tỉnh cũng ban hành danh mục 22 dự án kêu gọi thu hút đầu tư vào các khu vực tiềm năng, trong đó có 3 dự án tiêu biểu đã hoàn thành thủ tục pháp lý gồm: Khu du lịch sinh thái thác Liêng Nung tại Gia Nghĩa, khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly tại Đắk Song, và khu du lịch sinh thái Hồ Trúc tại Cư Jút.
Đắk Nông đã và đang xây dựng nền tảng bền vững cho sự phát triển của CVĐC UNESCO Đắk Nông, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương. Với những thành tựu đã đạt được, Đắk Nông đang ngày càng khẳng định mình là điểm sáng trong mạng lưới CVĐCTC UNESCO.
Mặc dù Đắk Nông có tiềm năng lớn nhờ CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn và hạn chế cần khắc phục. Cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh chưa đồng bộ, gây khó khăn cho du khách trong việc tiếp cận các điểm di sản. Cơ sở lưu trú và dịch vụ hỗ trợ như nhà hàng, khu vui chơi, và các tiện ích nghỉ dưỡng còn ít và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đặc biệt, việc thiếu các khu lưu trú tiêu chuẩn quốc tế cũng là một điểm hạn chế lớn cho các tour du lịch dài ngày.
CVĐC có nhiều di sản địa chất độc đáo và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa nhưng việc khai thác và kết nối chúng vào các sản phẩm du lịch vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Việc tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc thù và phù hợp với từng đối tượng khách hàng vẫn còn hạn chế.
Đắk Nông đang thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề và trình độ chuyên môn trong lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, nguồn nhân lực về quản lý du lịch, hướng dẫn viên am hiểu văn hóa bản địa, và kỹ năng giao tiếp quốc tế là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Đắk Nông tuy có bước tiến nhưng vẫn chưa thực sự rộng rãi. Tỉnh chưa có chiến lược quảng bá mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông kỹ thuật số, đặc biệt là đối với các thị trường quốc tế, làm hạn chế khả năng thu hút du khách nước ngoài.
Việc kêu gọi đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn do các cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn. Thêm vào đó, quá trình phát triển bền vững yêu cầu nguồn vốn lớn và dài hạn, trong khi các nhà đầu tư còn dè dặt trước những rủi ro về hạ tầng và lợi nhuận.
Việc bảo tồn và phát triển phải đi đôi với nhau, song vấn đề ô nhiễm môi trường và bảo vệ các điểm di sản khỏi sự tác động của hoạt động du lịch cũng là một thách thức. Đặc biệt, các điểm di sản tự nhiên có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu không có các biện pháp bảo vệ kịp thời.
Những khó khăn trên đòi hỏi Đắk Nông cần tập trung giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh quảng bá, cải thiện chính sách đầu tư và bảo vệ môi trường. Điều này sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho việc phát triển du lịch bền vững, gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Trong định hướng phát triển, Đắk Nông đã xác định tiếp tục phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... là một trong các đột phá. Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ quan điểm, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, trọng tâm là tài nguyên rừng, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, các cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di sản địa chất của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông; gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan.
Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát huy lợi thế khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Đến năm 2050, Đắk Nông trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng.
Theo các chuyên gia, để xây dựng du lịch cho Đắk Nông, cần xác định rõ định vị và hình ảnh mà địa phương muốn truyền tải đến du khách. Với những tiềm năng sẵn có, Đắk Nông có thể được định vị như một điểm đến thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ và đậm đà bản sắc văn hóa.
Thương hiệu du lịch Đắk Nông cần thể hiện được sự khác biệt của tỉnh so với các điểm đến du lịch khác tại Việt Nam, đặc biệt là việc gắn kết với CVĐCTC - một danh hiệu quốc tế có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước. Sự kết hợp giữa yếu tố địa chất, văn hóa và sinh thái sẽ tạo nên một thương hiệu độc đáo và bền vững.
Một thương hiệu du lịch mạnh mẽ không thể thiếu các sản phẩm du lịch hấp dẫn và đa dạng. Đắk Nông cần phát triển các loại hình du lịch dựa trên tài nguyên sẵn có, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách khác nhau.
Để xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Đắk Nông bền vững gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, tỉnh cần thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, đồng thời bảo đảm phát triển kinh tế du lịch một cách lâu dài.
Trước hết, bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, địa chất. CVĐCTC UNESCO Đắk Nông có giá trị địa chất và thiên nhiên đặc biệt, do đó việc bảo vệ và quản lý tài nguyên là yếu tố then chốt để phát triển du lịch bền vững.
Thứ hai, Đắk Nông cần có các biện pháp kiểm soát và giám sát môi trường chặt chẽ tại các khu vực du lịch, đặc biệt là những điểm nhạy cảm về địa chất như hang động, núi lửa, thác nước và các hệ sinh thái rừng. Việc bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm cũng là ưu tiên hàng đầu nhằm duy trì sự cân bằng sinh thái của công viên.
Thứ ba, xây dựng quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo tồn. Quy hoạch các tuyến du lịch cần dựa trên nguyên tắc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tránh việc xây dựng và phát triển hạ tầng xâm hại đến môi trường. Các điểm du lịch cần được phát triển có kiểm soát, hạn chế các hoạt động có nguy cơ gây hại cho cảnh quan và địa chất.
Thứ tư, khuyến khích nghiên cứu khoa học và giáo dục bảo tồn. CVĐC có thể trở thành một "phòng thí nghiệm mở" cho các nhà khoa học và sinh viên nghiên cứu về địa chất, địa lý và bảo tồn môi trường. Các hoạt động giáo dục cộng đồng, tăng cường ý thức về bảo vệ tài nguyên và thiên nhiên cũng cần được đẩy mạnh thông qua các chương trình, dự án liên quan.
Thứ năm, để phục vụ cho lượng du khách ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng du lịch tại Đắk Nông cần được cải thiện và phát triển một cách có chiến lược. Cải thiện hệ thống đường sá kết nối giữa các điểm du lịch trong tỉnh và với các khu vực lân cận như Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng. Đồng thời, ưu tiên phát triển giao thông xanh, hạn chế phương tiện cơ giới tại các khu vực nhạy cảm để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đắk Nông có thể phát triển các khu nghỉ dưỡng sinh thái, homestay gắn liền với thiên nhiên. Những công trình này cần bảo đảm tiêu chuẩn về kiến trúc xanh, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, phát triển các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cho du khách về việc bảo tồn tự nhiên…
Thứ sáu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch. Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ và quảng bá thương hiệu. Đắk Nông cần tập trung đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có kiến thức sâu rộng về địa chất, lịch sử, văn hóa bản địa, và có khả năng giao tiếp tốt với du khách quốc tế. Những hướng dẫn viên này sẽ là "cầu nối" truyền tải những giá trị đặc biệt của Đắk Nông đến với du khách.
Cán bộ quản lý du lịch cần được đào tạo về quản lý du lịch bền vững, phát triển sản phẩm du lịch mới và xây dựng các kế hoạch phát triển dài hạn, nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, khai thác hiệu quả các điểm du lịch, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên của địa phương.
Bên cạnh hướng dẫn viên, đội ngũ nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cần được đào tạo về kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo ấn tượng tốt đẹp về Đắk Nông.
Thứ bảy, để thu hút nhiều đối tượng du khách khác nhau, Đắk Nông cần phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, tận dụng tối đa lợi thế của CVĐCTC UNESCO và các tài nguyên khác. Đắk Nông cần mở rộng hợp tác quốc tế và liên kết với các địa phương khác để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng.
Việc phát triển du lịch Đắk Nông gắn với CVĐCTC UNESCO đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bảo tồn, phát triển bền vững và quảng bá hiệu quả. Những giải pháp trên sẽ giúp Đắk Nông không chỉ bảo vệ được những giá trị đặc biệt của mình mà còn khai thác tiềm năng du lịch một cách bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế và nâng cao đời sống cộng đồng.
Nội dung: Hoài Anh
Ảnh: Ngô Minh Phương
Trình bày: Thế Huy