Đắk Nông và mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP năm 2023
Sau hơn 4 năm triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có sức lan tỏa rất lớn, giúp nâng giá trị sản phẩm cho người sản xuất, đặc biệt ở khu vực nông thôn... Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP trong năm 2023, tỉnh Đắk Nông tập trung, ưu tiên nhiều hơn cho các sản phẩm chế biến sâu, gắn với lợi thế của địa phương.
Hàm lượng chế biến tăng
Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm của 54 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 7 sản phẩm OCOP hạng 4, 53 sản phẩm hạng 3. Các sản phẩm được công nhận OCOP đều có tính đặc trưng, tiêu biểu của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Theo Hội đồng đánh giá và xếp hạng OCOP tỉnh thì các sản phẩm được công nhận OCOP trong thời gian qua của Đắk Nông có hàm lượng chế biến ngày càng tăng và chiếm phần đa. Chỉ tính riêng 13 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP mới năm 2022 của 13 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác thì chỉ có bưởi ở Quảng Sơn, bơ núi lửa Krông Nô, sầu riêng Đức Mạnh, su su Đắk Hà, sầu riêng Hưng Bình là nông sản tươi, còn lại 7 sản phẩm đều được chế biến, phần lớn được làm ra trên dây chuyền máy móc hiện đại, có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác. Ngay cả sản phẩm thường được dùng tươi như chuối thì năm nay cũng mang đến chương trình những sản phẩm chuối sấy dẻo thơm ngon; còn đối với sản phẩm sầu riêng, doanh nghiệp, hợp tác xã đang hướng tới sản phẩm khô.
Sự đa dạng về chủng loại, lớn mạnh về số lượng sản phẩm tham gia và đặc biệt là sản phẩm qua chế biến sâu ngày càng tăng theo thời gian đã chứng tỏ chương trình OCOP đang phát triển đúng hướng. Nhiều sản phẩm mang trong mình hàm lượng chế biến sâu, nâng cao được sản phẩm có giá trị và được thị trường trong, ngoài nước biết đến. Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, các sản phẩm OCOP có doanh thu tăng bình quân 26%/năm. Trong đó, một số sản phẩm có giá bán tốt hơn sau khi có chứng nhận OCOP.
Cùng với sự thay đổi về nhận thức của các chủ thể, năm nay, việc triển khai chính sách hỗ trợ chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, trong đó Nhà nước hỗ trợ các chủ thể trong việc hoàn thiện sản phẩm và giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm OCOP nên tạo khí thế mới trong việc khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, phát huy nội lực và gia tăng giá trị cho các sản phẩm làm được từ khu vực nông thôn. Chương trình đặt mục tiêu đa dạng hơn nữa các sản phẩm tham gia. Trong đó, chương trình tập trung vào những sản phẩm chế biến cao, bảo vệ môi trường, sản phẩm OCOP du lịch, văn hóa… đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Tiếp tục nâng tầm giá trị sản phẩm
Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm từ 5 đến 10 sản phẩm trở lên được đánh giá cao, phân loại sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 trở lên.
Việc phát triển sản phẩm OCOP năm 2023 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sẽ được thực hiện theo chuỗi giá trị, dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là sản phẩm đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Các ngành, địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thống, nhất là ở miền núi, những nơi còn nhiều khó khăn.
Để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND về việc thực hiện Đề án phát triển sản phẩm OCOP năm 2023. Trong đó, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Công thương tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất là chủ thể của các sản phẩm OCOP ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị từ nguồn khuyến công. Cụ thể là hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, trong đó sản phẩm chế biến ưu tiên, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương , sản phẩm làng nghề, sản phẩm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. Sở Công thương hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia các chương trình, hội nghị, hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông tin qua hoạt động xúc tiến thương mại.
Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới.
Trong định hướng phát triển, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành hướng dẫn các chủ thể OCOP về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP; tổ chức triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo về phát triển sản phẩm OCOP gắn với đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì sản phẩm. Ngành Ngân hàng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Đắk Nông khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng trong các hoạt động giao lưu, đối ngoại.
Có thể khẳng định rằng, việc triển khai chương trình OCOP ưu tiên các sản phẩm chế biến sâu đang từng bước nâng cao giá trị hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Hoạt động hỗ trợ tích cực của tỉnh và các ngành, địa phương sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất là chủ thể của các sản phẩm OCOP tập trung sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP .