Đắk Nông và hành trình giảm nghèo từ 33,7% xuống 7,97%
Tỷ lệ hộ nghèo của Đắk Nông giảm từ 33,7% năm 2005 xuống còn 7,97% năm 2022, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm trung bình 4-5%. Kết quả này, có yếu tố quan trọng nhất là sự nỗ lực của các hộ nghèo.
Vươn lên từ vùng đất khó
Năm 2012, bon Pu P’răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) được tái lập với hơn 80 hộ dân là người đồng bào M’nông. Những ngày đầu được tái lập, đời sống của người dân trong bon rất khó khăn, đa phần vẫn là hộ nghèo, canh tác nông nghiệp manh mún, lạc hậu.
Nhờ sự đầu tư của Trung ương và địa phương, người dân trong bon Bu P'răng 1 được hỗ trợ nhà ở kiên cố, cấp đất sản xuất và giống mắc ca. Sau hơn 10 năm trồng, mắc ca đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân cải thiện thu nhập.
Hiện đang trồng xen canh mắc ca với cà phê trên diện tích khoảng 1ha, anh Điều Rơi cho biết, nhờ 2 cây trồng này, gia đình anh đã thoát nghèo vào năm 2019. Sau 3 năm thoát nghèo, cuộc sống gia đình đã ổn định và anh cũng có thêm điều kiện để đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất.
“Năm nay gia đình tôi thu được khoảng 5 tạ mắc ca, giá bán giao động khoảng 80.000- 95.000 đồng/kg. Ngoài mắc ca, tôi còn thu được khoảng 3 tấn cà phê nhân. Dự tính năm nay gia đình có thu nhập khoảng gần 200 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí chăm sóc, thuê nhân công, gia đình tôi cũng tiết kiệm được một khoản tiền để chăm lo cho con cái và tái đầu tư, sản xuất”, anh Điểu Rơi cho hay.
Nói về những kết quả đạt được trong việc xoá đói, giảm nghèo, ông Điểu Đ’rây, Bon trưởng bon Bu P’răng 1 cho biết, năm 2022 bon có 34 hộ nghèo (trong tổng số 94 hộ). Năm 2023, nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ từ các tổ chức chính trị, xã hội, đời sống của người dân trong bon đã được cải thiện đáng kể, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 29 hộ.
“Để số hộ nghèo giảm theo từng năm, bon Bu P’răng 1 đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, giúp người dân có điều kiện thoát nghèo. Ngoài nhà ở, đất sản xuất và bò giống, người dân trong bon còn có cơ hội thoát nghèo từ cây mắc ca. Hiện toàn bon có khảng 130ha diện tích mắc ca đang thu hoạch, với năng suất khoảng 1-1,2 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân”, ông Điểu Đ’rây thông tin.
Nhìn lại quãng thời gian hơn 10 năm từ ngày bon được tái lập, vị trưởng bon phấn khởi nói: “Nhận thức của người dân đã có sự thay đổi, mọi người đều động viên, giúp đỡ nhau làm kinh tế. Người dân chúng tôi đều mang quyết tâm thoát nghèo, từng bước thay đổi diện mạo bon làng vùng biên giới”, ông Điểu Đ’rây nhấn mạnh.
Lan tỏa phong trào xin thoát nghèo
Sinh sống tại xã Quảng Khê (Đắk Glong) từ năm 1999, trước cả thời điểm tái lập tỉnh Đắk Nông, ông K’Hoa từng có cuộc sống muôn vàn khó khăn. Cũng vì vậy, quyết tâm thoát khỏi cái đói, cái nghèo luôn thôi thúc ông và các thành viên trong gia đình.
Năm 2012, ông K’Hoa được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn để phát triển cây công nghiệp. Chăm chỉ, chịu khó, gia đình ông dần tích lũy, trả được tiền vay vốn và xây được căn nhà khang trang.
Đến cuối năm 2020, khi đời sống của gia đình đã được cải thiện đáng kể, ông K’Hoa và các thành viên khác trong gia đình đều quyết tâm và tự tin xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Trong năm 2020, gia đình cảm thấy khá rồi nên làm đơn xin thoát nghèo. So với nhiều hộ trong xã, có thể điều kiện của gia đình tôi vẫn chưa thể bằng, nhưng không vì thế mà mình là hộ nghèo mãi được. Mình thoát nghèo thì giảm đi gánh nặng cho nhà nước đồng thời cũng muốn làm gương cho những hộ nghèo khác phấn đấu, nỗ lực để phát triển kinh tế.”
Ông K’Hoa, xã Quảng Khê (Đắk Glong)
Từ năm 2020 tới nay, trên địa bàn xã Quảng Khê đã có hàng chục hộ dân xin thoát nghèo. Đó không chỉ là kết quả của công tác tuyên truyền, vận động mà còn khẳng định cho ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên của người dân địa phương, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo bà Nguyễn Thị Dung, Công chức Văn hóa- Xã hội xã Quảng Khê, để có được kết quả này, địa phương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân. Ngoài ra, để khích lệ tinh thần hộ nghèo, cán bộ thôn, bon và xã, huyện thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, biểu dương những cá nhân, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Dung đánh giá: “Thực tế những năm gần đây, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con đã ra sức thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Việc nhiều hộ dân của địa phương tình nguyện xin thoát nghèo cho thấy công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương đã có hiệu quả, góp phần xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Việc làm này cũng đã tạo động lực lớn cho các hộ nghèo khác trong xã tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống”.
Tiếp tục mục tiêu giảm nghèo
Giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách nhà nước thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Đắk Nông là hơn 2.300 tỷ đồng. Cùng với đầu tư hạ tầng cơ sở, các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nước sạch cho hộ nghèo được tỉnh quan tâm, triển khai đến từng đối tượng cụ thể, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.
Giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục giảm 3% mỗi năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra. Đây là điều kiện thuận lợi để Đắk Nông “trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.
Phát huy kết quả đạt được, đồng thời tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm, hạn chế tái nghèo, năm 2024, tỉnh Đắk Nông tiếp tục đặt mục tiêu giảm 3% hộ nghèo chung, trong đó giảm 5% hộ nghèo là đồng bào dân tộc tại chỗ.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông đánh giá công tác giảm nghèo đang được triển khai đúng hướng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, các địa phương tiếp tục nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành; tránh tình trạng thụ động, máy móc. Các sở, ngành, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm, tránh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, chờ đợi để làm theo.