Đắk Nông và điểm sáng thực hiện Đề án 06
Năm 2024, Đắk Nông quan tâm, chú trọng thực hiện quyết liệt Đề án 06 của Chính phủ và tỉnh đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 06/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Thực hiện quyết định này, đến nay, tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo Sở TT - TT, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ được giao của Đề án 06. Kịp thời phân công các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ theo chức năng; thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát để kịp thời hướng dẫn, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình đã đề ra.
Công an tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực Tổ chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 bảo đảm tiến độ, đạt hiệu quả.
Điển hình là các kế hoạch cao điểm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số nội dung liên quan đến Đề án 06, gồm: Chiến dịch cao điểm 60 ngày “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Đắk Nông” (từ ngày 1/9 đến 31/10/2024); Đợt cao điểm cấp thẻ căn cước; Giấy chứng nhận căn cước và đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử 30 ngày kể từ ngày 9/9 đến hết ngày 9/10/2024. Kết quả, Đắk Nông hoàn thành và vượt chỉ tiêu Trung ương giao.
Đề cập đến tính hiệu quả của Đề án 06 mang lại, Thượng tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 đã hoàn thành, cung cấp 25/25 TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tương đối cao.
Hiện các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân trên toàn tỉnh đã mua sắm đầu đọc thẻ CCCD gắn chíp để phục vụ công tác khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip thay thế thẻ bảo hiểm y tế.
Đến nay, Đắk Nông đã triển khai Sổ sức khỏe điện tử và đưa vào sử dụng tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn và bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tổng số người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử trên địa bàn toàn tỉnh là 197.500 người.
Tỉnh Đắk Nông thực hiện tiếp nhận, phân loại hơn 66.000 thông tin lý lịch tư pháp về án tích, lập hơn 11.000 hồ sơ của người bị kết án thường trú trên địa bàn tỉnh để thực hiện tra cứu, xác minh cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Lực lượng Công an Đắk Nông phấn đấu hoàn thành cấp căn cước cho 100% số công dân đủ điều kiện (bao gồm cả số dưới 14 tuổi), hoàn thành trước ngày 31/12/2024.
Trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), 8/8 huyện, thành phố (đạt tỷ lệ 100%); 18/18 sở, ban, ngành (đạt tỷ lệ 94,4%).
Theo ông Nguyễn Trung Trực, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Nông, tỉnh đã triển khai niêm yết TTHC bằng mã QR-code. Cổng DVCTT của tỉnh đã tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông, được triển khai cho toàn tỉnh bao gồm: 18/18 sở, ban, ngành tập trung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; 8/8 UBND huyện, thành phố; 71/71 xã, phường, thị trấn.
Tổng số TTHC tỉnh Đắk Nông đang triển khai là 1.710 TTHC. Trong đó, 906 DVCTT một phần và 804 DVCTT toàn trình, đã thực hiện kết nối thành công 478 TTHC của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trung bình mỗi tháng, tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến khoảng 41,36%, tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và xử lý toàn trình 47,76%.
Tiếp tục nêu cao trách nhiệm thực hiện Đề án 06
Theo Sở TT- TT, hạ tầng, đường truyền phục vụ công tác chuyển đổi số, DVCTT Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác.
Toàn bộ 71 xã, phường, thị trấn được kết nối cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ dân số được phủ sóng di động theo công nghệ 4G đạt 99%.
Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả nổi bật, trên các lĩnh vực điển hình như: các ngân hàng sử dụng thông tin trên thẻ CCCD, VNeID để thực hiện các giao dịch ngân hàng; viễn thông (rà soát, làm sạch dữ liệu thông tin thuê bao di động của các nhà mạng).
Lực lượng công an tăng cường phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD kèm định danh điện tử; thu nhận hồ sơ định danh điện tử; kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân trên địa bàn.
Đến nay, Đắk Nông đã có 324.898 tài khoản định danh, trong đó đã kích hoạt mức 1 và mức 2 là 316.615 tài khoản, đạt 97,5%.
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Đắk Nông
Lực lượng công an đã triển khai thực hiện thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID đến 100% cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh.
Công dân kịp thời tố giác tội phạm đến cơ quan công an để tiếp nhận, xử lý; công dân có thể tự khai báo thông tin lưu trú của mình mà không cần đến cơ quan công an, giúp tiết kiệm chi phí đi lại.
Bà Phạm Thị Yến, chủ khách sạn Hòa Yến ở phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa cho biết: “Khách sạn tôi đã thực hiện thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID rất nhanh và tiện dụng. Cơ quan chức năng căn cứ vào đó biết số người, thời gian lưu trú của khách…”.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên trong quá trình triển khai Đề án 06 vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết TTHC trên cổng dịch vụ công còn gặp nhiều khó khăn do trình độ công nghệ thông tin của người dân và trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế.
Tình trạng sai lệch thông tin cá nhân trong các hệ thống còn diễn ra, đặc biệt là đối với người dân tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hạ tầng công nghệ của các đơn vị, địa phương nhìn chung còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu nhiệm vụ của Đề án 06, nhất là trang thiết bị phục vụ công tác số hóa hồ sơ tại các cấp; trong khi kinh phí đầu tư còn hạn chế, chưa được bố trí đầy đủ, kịp thời.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, trong thời gian tới, chính quyền các cấp sẽ chủ động làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở phải thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát trong chỉ đạo thực hiện.
Các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời biểu dương ghi nhận những cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt; phê bình, nhắc nhở đối với các cơ quan, đơn vị chưa đạt mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ phải có giải pháp khắc phục ngay.
Các đơn vị, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Việc chủ động trong triển khai các nhiệm vụ giúp địa phương sẵn sàng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, tiếp cận và triển khai các tiện ích giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong giải quyết các TTHC.