Đất nước con người

Đắk Nông tuổi 20 mươi, hiện thực hóa những khát vọng

Bài dự thi của Thi Hồng (Báo Sài Gòn Giải Phóng) 06/10/2023 05:48

Cuộc sống, vùng đất Đắk Nông - nơi tôi được sinh ra đang từng ngày “khoác áo mới”. Điện, đường, trường, trạm... “theo về” cả những nơi xa xôi nhất nhằm hỗ trợ, nâng cao chất lượng đời sống của bà con.

Lội suối, “cuốc bộ”, tù mù đèn dầu

Thập niên 80 của thế kỷ XX, đám học trò nhỏ chúng tôi “cuốc bộ” đến trường trong cơn mưa rừng ầm ầm đổ về khiến quần áo nhếch nhác nhuộm màu đất đỏ bazan… là chuyện bình thường. Nhưng, với tôi, cơn mưa thật thú vị, tiếng rơi lộp độp sẽ át đi nỗi sợ. Có hôm bố mẹ bận việc, tôi tự đi học một mình. Lọt thỏm trong mảnh áo mưa rộng thùng thình quét đất, tôi vừa đi vừa cố gắng vạch từng tán cây rừng, cẩn thận dòng nước chảy siết, dò dẫm bước đi. Tối về, tôi học bài dưới ngọn đèn dầu vàng vọt. Còn giải trí có gì? Chính là chiếc TV đen trắng với những bộ phim kiếm hiệp kinh điển của Trung Quốc hoặc nghe câu chuyện cảnh giác, chuyện đêm khuya… từ chiếc đài cassette cũ mèm. Tuy vậy, đám trẻ con vẫn thấy hạnh phúc.

tnb-47496-04(1).jpg
Vượt rừng tới trường. Ảnh minh họa

Ngoài giờ học, lũ trẻ theo bố mẹ ra cánh đồng, trồng đậu phộng, chăm sóc cà phê, kiếm củi dự trữ cho dịp cuối năm; tối đến tranh thủ học bài… Ngày nào rảnh rỗi, có đứa xin mẹ vài trăm đồng mua que kem, có khi tiết kiệm tiền ăn quà vặt để thuê truyện đọc, hoặc mua sách cũ. Với lũ trẻ, đó là cả bầu trời tuổi thơ ngọt ngào, dù nhìn qua nhìn lại đứa nào cũng mặc quần lủng mông, áo vá chằng chịt, sống trong những ngôi nhà lợp tranh vách đất lụp xụp. “Hồi đó, đời sống của bà con nói chung đều khó khăn trăm bề. Còn nhớ, cô đi quanh xóm để mượn 500 đồng mua lọ mực cho con mà không ai có”, bà Nguyễn Thị Vân, 72 tuổi, ngụ tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút nhớ lại.

Bon làng sáng điện, đường xá cải thiện

Cách nay vài tháng, chị Vũ Thị Mây, ngụ tại xã Cư K’nia có nhắn, khi nào về nhớ ghé nhà anh chị chơi, tôi nghe mà… toát mồ hôi. Vì trong ký ức tôi, đoạn đường từ trung tâm huyện Cư Jút đến xã này đúng nghĩa “con đường đau khổ”, với nhiều "ổ gà, ổ voi", cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn.

doan-khach-tham-quan-ho-ta-dung-thoi-diem-truoc-dich-covid-19-do-benthanh-tourist-thuc-hien-1-.jpg
Du khách TP. Hồ Chí Minh trải nghiệm tại Tà Đùng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Thế nhưng, khi trải nghiệm thực tế mới thấy, những gì mình tưởng tượng chỉ là quá khứ của vài chục năm về trước. Bằng chứng, đoạn đường gần 30 km chạy bon bon, ào chút đã tới, bất chấp những cơn mưa nặng hạt, cùng tiết trời se lạnh của núi rừng Tây Nguyên. Chập choạng tối, hai bên đường dẫn về Cư K’nia đèn điện sáng choang, thỉnh thoảng có những chiếc ô tô, xe máy lướt qua; các cây xăng, quán cà phê cũng “mọc” lên nhiều hơn để phục vụ người dân, du khách…

Chỉ vào chiếc xe điện vừa đầu tư cho con, chị Vũ Thị Mây vui mừng cho biết: “Trường học cách nhà khoảng 3 km nên tôi đầu tư chiếc xe này để 2 anh em, đứa lớp 8, đứa lớp 4 chở nhau cho tiện. Ở nhà có sẵn hệ thống wifi để tụi nhỏ học tiếng Anh trực tuyến”. Nhìn ngôi nhà khang trang nằm giữa vườn cà phê trĩu quả, đằng sau là chuồng heo giống, trang trại gà thịt, đường lớn cách đó không xa, người viết bài cũng cảm thấy vui mừng cho gia đình chị Mây.

Hiện nay, để ổn định cuộc sống người dân, nâng cao dân trí, ánh sáng điện hầu như được phủ khắp các bon làng. Điểm qua một số xã từng được xem là vùng sâu, vùng xa của huyện Cư Jút như Đắk Wil, Cư K’nia… ; hay huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Glong… cũng đã “thay da đổi thịt” từng ngày. Chất lượng cuộc sống của bà con từng bước được nâng cao, đường làng sạch đẹp, nhiều trẻ em tự đi xe điện đến trường. Tất nhiên, nếu quay ngược về hơn 30 năm trước, đó chính là giấc mơ tương lai diệu kỳ của những đứa trẻ thế hệ 8X.

Nền kinh tế năng động khu vực Tây Nguyên

Bạn bè, đồng nghiệp nhiều lần hỏi tôi “Đắk Nông có gì vui, có gì để trải nghiệm?” và tôi trở lời rằng nơi đây có muôn vàn cảnh đẹp. Điển hình như, khám phá hang động núi lửa Chư Bluk, một trong những điểm check-in lý tưởng. Hang Chư Bluk còn được gọi hang Dơi có chiều dài khoảng 25 km, thuộc xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô, cách trung tâm huyện này khoảng 20 km. Hay như hồ Tà Đùng ở huyện Đắk Glong, nơi đây được bao quanh bởi vùng núi đồi rộng lớn, giữa lòng hồ nước trong xanh có hơn 40 đảo lớn nhỏ, được du khách ưu ái với tên gọi “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”.

doan-farmtrip-tham-quan-dak-nong-tu-ngay-15-den-17-9-1-.jpg
Đoàn Farmtrip tham quan hồ Tà Đùng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp du lịch tại TP. Hồ Chí Minh đều có các tour kết nối khách đến tham quan như BenThanh Tourist, Thế Hệ Trẻ… Lãnh đạo các doanh nghiệp này xác nhận, người dân TP. Hồ Chí Minh cũng như khách trong và ngoài nước đều quan tâm tới hai điểm đến nổi tiếng nêu trên.

Mới đây, Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Chương trình số 64-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, chương trình đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên. Công nghiệp là động lực cho tăng trưởng, đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm quốc gia. Đối với du lịch, tỉnh quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được quan tâm phát triển toàn diện; hướng đến việc người dân có mức thu nhập khá trong vùng Tây Nguyên, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 106 triệu đồng…

Sinh ra, lớn lên ở Đắk Nông; học tập và làm việc ở một địa phương khác, nhưng với tôi, nơi đây luôn ấm áp bởi hai tiếng “quê hương”. Nhớ lại những đứa trẻ chúng tôi năm ấy, giờ nhiều người cùng con cái của họ đã và đang góp sức mình (trực tiếp hoặc gián tiếp) kiến thiết tỉnh nhà, vì một Đắk Nông giàu mạnh.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông tuổi 20 mươi, hiện thực hóa những khát vọng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO