Đắk Nông trước cơ hội và thách thức mới
Nếu sáp nhập với một tỉnh lân cận, Đắk Nông sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn nhưng cũng gặp phải những thách thức không nhỏ.
Cơ hội vươn xa
Đắk Nông có diện tích hơn 6.500km², dân số khoảng 750.000 người. Diện tích khá lớn, nhưng quy mô dân số ít nên nhiều năm qua, Đắk Nông gặp nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư.

Đắk Nông tiếp giáp với Đắk Lắk, Lâm Đồng và Bình Phước. Các tỉnh này đều phát triển và tiềm lực mạnh hơn Đắk Nông. Nếu sáp nhập với một trong những tỉnh này, Đắk Nông sẽ mạnh lên.
Trước hết, khi diện tích và dân số tăng, Đắk Nông có thể thu hút nhiều dự án lớn hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh như công nghiệp chế biến nông sản, khai thác khoáng sản, năng lượng tái tạo...
Việc mở rộng không gian cũng giúp Đắk Nông thuận lợi hơn để phát triển hạ tầng giao thông, kết nối hiệu quả với các khu vực kinh tế trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, duyên hải Nam Trung Bộ.
Đắk Nông có trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước. Tỉnh được quy hoạch phát triển thành trung tâm công nghiệp nhôm của cả nước. Nhiều năm qua, ngành công nghiệp này đóng góp lớn cho kinh tế Đắk Nông.
.jpg)
Thế nhưng, việc khai thác và chế biến bô xít ở Đắk Nông vẫn chưa đạt hiệu quả tối ưu do hạn chế về hạ tầng và quy mô kinh tế. Mặt khác, tỉnh đang gặp nhiều vướng mắc trong quy hoạch khai thác bô xít, khiến ngành công nghiệp tiềm năng này chưa phát huy hết hiệu quả.
Việc kêu gọi dự án đầu tư khai thác, chế biến bô xít của tỉnh còn khó khăn do hạn chế về hạ tầng, logistics. Chi phí vận chuyển alumin từ Đắk Nông đến các cảng biển hiện rất cao do hạ tầng giao thông yếu kém.
Đắk Nông đang thiếu tuyến đường sắt kết nối với các khu vực cảng biển. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành khai thác bô xít so với các nguồn cung khác trên thị trường.

Hiện tại, Đắk Nông chủ yếu xuất khẩu alumin thô mà chưa có nhà máy sản xuất nhôm thành phẩm (nhà máy luyện nhôm Trần Hồng Quân vẫn chưa đi vào hoạt động), làm hạn chế giá trị gia tăng.
Nếu sáp nhập với một tỉnh có tiềm lực công nghiệp mạnh hơn, Đắk Nông có thể tận dụng nguồn vốn, công nghệ để phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu, nâng cao hiệu quả khai thác bô xít.
Sự liên kết vùng tốt hơn cũng giúp giải quyết bài toán vận chuyển và logistics. Nếu có sự sáp nhập, các tuyến đường cao tốc và đường sắt có thể được đầu tư đồng bộ hơn, giúp giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả sản xuất bô xít.
Ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 866 về quy hoạch khai thác và thăm dò bô xít ở Đắk Nông, với tổng diện tích hơn 121.000ha, chiếm khoảng 18% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Ngoài bô xít, Đắk Nông sở hữu nguồn tài nguyên du lịch rất lớn, nổi bật như Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO, hồ Tà Đùng (được ví là "vịnh Hạ Long của Tây Nguyên"), cùng nhiều thắng cảnh thiên nhiên khác...
Tuy nhiên, du lịch của tỉnh vẫn chưa phát triển mạnh do thiếu hạ tầng, dịch vụ hạn chế. Khi sáp nhập với một tỉnh có kinh nghiệm phát triển du lịch như Đắk Lắk hay Lâm Đồng, Đắk Nông có thể tận dụng thế mạnh này để thu hút du khách, tạo chuỗi giá trị du lịch liên vùng. Du lịch Đắk Nông sẽ có cơ hội trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương.

Một lợi ích quan trọng khác của việc sáp nhập tỉnh là cải thiện môi trường đầu tư. Khi trở thành một đơn vị hành chính lớn hơn, quy mô dân số lớn, khả năng thu hút đầu tư sẽ cao hơn. Bởi vì các doanh nghiệp thường có xu hướng đầu tư vào những khu vực có quy mô kinh tế lớn, hạ tầng tốt.
Ngoài ra, việc tinh gọn bộ máy hành chính cũng giúp giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Các chính sách về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị sẽ được thực thi hiệu quả hơn. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển và thu hút đầu tư hiệu quả.
.jpg)
Đắk Nông có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 378.000ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt trên 86.000ha, cây lâu năm khoảng 235.000ha. Nông nghiệp là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.
Nếu sáp nhập tỉnh, ngành Nông nghiệp Đắk Nông có thể hưởng lợi nhờ mở rộng thị trường và tăng cường liên kết vùng. Sáp nhập với tỉnh khác, đặc biệt là một tỉnh có hệ thống logistics phát triển hơn, việc tiêu thụ nông sản sẽ thuận lợi, giảm chi phí vận chuyển và mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu.
Thách thức không nhỏ
Bên cạnh những lợi ích rõ ràng, việc sáp nhập tỉnh cũng đặt ra nhiều thách thức lớn. Đắk Nông là một tỉnh biên giới, tiếp giáp với Campuchia với chiều dài 141km.
Trong đó, vẫn còn nhiều km đường biên giới chưa được cắm mốc. Việc sáp nhập có thể làm thay đổi mô hình quản lý ở cơ sở, đặt ra những yêu cầu lớn hơn về duy trì an ninh, trật tự và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
.jpg)
Đắk Nông có địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt, hệ thống giao thông còn yếu kém, chưa có cao tốc kết nối với các tỉnh khác. Nếu sáp nhập nhưng không có sự đầu tư đồng bộ vào hạ tầng giao thông, sự phát triển kinh tế có thể gặp trở ngại, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ hộ nghèo ở Đắk Nông hiện vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung cả nước. Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn nhiều khó khăn.
Nếu sáp nhập tỉnh, vấn đề này sẽ là một thách thức lớn, đòi hỏi nguồn lực đầu tư mạnh mẽ để nâng cao đời sống người dân. Việc thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội là yếu tố quan trọng để tạo sự đồng thuận trong quá trình sáp nhập hành chính.

Sáp nhập tỉnh không chỉ đơn thuần là thay đổi về mặt hành chính mà còn mở ra cơ hội lớn để Đắk Nông phát triển mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực kinh tế then chốt.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chính sách, quy hoạch và nguồn lực, bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững.
Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo chung của Đắk Nông còn 3,15%, tương đương với hơn 5.000 hộ; cận nghèo còn khoảng 8.000 hộ.