Đắk Nông trong “Tháng Giêng bên hồ Gia Nghĩa”

Tôn Ngọc| 07/03/2014 09:44

Có một người bạn chưa từng đặt chân đến Đắk Nông hỏi tôi rằng: “Nghe nói Đắk Nông là Đà Lạt thứ hai, ở đó có gì khiến người ta liên tưởng vậy?”.

ADQuảng cáo

Tôi cười úp mở: “Thì có rừng hoa, hồ, có những ngọn đồi bát úp với không gian khoáng đạt, đất trời lồng lộng đẹp như mơ!”. Bạn cười: “À ra thế! Chắc là phải thu xếp để đến Đắk Nông thôi”. Mà, thế thật.

Ảnh: Ngọc Tâm

Tôi đưa bạn xem những bài thơ của Trần Lê Châu Hoàng và nhắn gửi: “Nếu chưa đi được thì cứ tạm làm một cuộc phiêu du trong thơ đã, cũng thú vị lắm đấy!”.

Tôi sống và gắn bó với Đắk Nông đã mười năm, mọi sự thay đổi của mảnh đất này đều được tận kiến, vậy mà khi gặp lại những hình ảnh quen thuộc ở đây trong những trang thơ Trần Lê Châu Hoàng, lòng vẫn thấy bồi hồi, xao xuyến.

Mới đây, nhân sự kiện ngăn dòng Đắk Nông tích nước hồ Gia Nghĩa, anh lại có một bài thơ ghi lại cảm xúc của mình – bài thơ “Tháng Giêng bên hồ Gia Nghĩa”. Không quá cầu kì về câu chữ, bài thơ như dòng chảy tự nhiên của một tâm hồn đa cảm với những câu thơ mở đầu trong:

Có đôi chân nhỏ
Bước nhanh qua cầu
Hoa cỏ yêu thương
Đón mùa xuân về
Đón con nước về

Niềm vui đón con nước về khi mùa xuân vừa tới như xôn xao trong “đôi chân nhỏ bước nhanh qua cầu” giữa muôn sắc màu “hoa cỏ yêu thương”. Bởi lẽ, con nước về sẽ tụ thủy, tụ khí rồi tụ nhân như phương cách quần cư, tụ cư mà ông cha ta đã tổng kết từ ngàn xưa; sẽ mang về một ngày mới cho Đắk Nông ở phía tương lai, không vui sao được? Niềm vui ấy phải chăng là tiếng nói chan chứa yêu thương của một tấm lòng nên câu chữ cũng vì thế mà thăng hoa, mà tung mở:

Dạt dào
Đêm hội hoa đăng
Tháng Giêng trong xanh
Như lòng mẹ
Như bầu nước – Đắk Nông
Giữa trời mênh mông

Có quá nhiều xúc cảm trong khổ thơ này, vần điệu không nằm ở hình thức mà nằm ở chiều sâu của tâm hồn. Tác giả đã mềm hóa sự kiện thành một không gian thơ với những so sánh, liên tưởng rộng rãi “Tháng Giêng - lòng mẹ - bầu nước Đắk Nông - bầu trời mênh mông”. Dường như cả đất trời Đắk Nông tưng bừng trong vũ điệu của đất, của trời, của nước, của lòng người trước ngưỡng cửa mùa xuân. Mùa xuân ngát xanh trên “đỉnh Nâm Nung”, mùa xuân dào dạt từ “nguồn Đắk Nông”, mùa xuân vỡ ra từ kí ức cùng.

“Đôi chân quanh năm tảo tần
Lội suối trèo nương
Bắt con tép bạc
Hái mớ rau rừng

Giữa niềm vui tác giả chợt lắng lòng. Người Đắk Nông đã gắn bó với suối nương, với “con tép bạc”, với “mớ rau rừng” tự thuở nào. Họ đã cõng trên “đôi chân trần” của mình cả cuộc đời tần tảo sớm hôm và không ngừng nuôi hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Giờ thì hi vọng của họ đã được thắp lên rồi. Con nước đã về trong hồ Gia Nghĩa, một sức sống mới đang dần mở ra. Chút lắng lòng của tác giả cũng chính là chút lắng lòng của mỗi người Đắk Nông trước cuộc sống đang ngày một thay da đổi thịt trên quê hương mình. Lắng lòng để tự hào, để thôi thúc, để gắng sức nhiều hơn.

Mùa xuân yêu thương
Thơm bầu sữa mẹ
Theo con nước về
Chở mùa trăng về
Ngọt ngào tháng Giêng

Tác giả không quá chú trọng về liên kết hình thức trong bài thơ, mỗi khổ thơ ẩn giấu trong nó một mạch ngầm cảm xúc để kết nối điều muốn nói. Tất cả đều xoay quanh hình ảnh “con nước về”. “con nước về” mang theo “mùa Xuân yêu thương / thơm bầu sữa mẹ” và “chở” cả “mùa trăng” để làm nên một tháng Giêng ngọt ngào, một “tháng Giêng trong xanh”. “con nước về” gọi ra những vần thơ lai láng tình người, tình đất, tình quê... Cứ thế, tác giả say tràn trong sự biến hóa tinh tế của xúc cảm:

Em tôi ơi!
Tháng Giêng bên hồ
Đôi chân bé nhỏ
Reo vui, reo vui
Bước nhanh qua cầu
Em tôi lên mười
Soi tấm gương trời
Em tôi mơ
Về một ngày tháng Giêng
Bên hồ Gia Nghĩa.

Lung linh hồ Gia Nghĩa. Ảnh: Ngọc Trí

Chúng ta bắt gặp lại hình ảnh “đôi chân bé nhỏ.../ bước nhanh qua cầu” ở khổ thơ đầu như đang “reo vui” bên hồ trong tiếng gọi thiết tha, trìu mến: “Em tôi ơi!”. Đắk Nông đã trở thành “người tình” đặc biệt trong tình yêu sâu lắng của tác giả.

Đắk Nông dường như cũng đã là một phần không thể thiếu trong tâm hồn tác giả – một tâm hồn rộng mở và thành thật (điều này luôn hiện diện trong từng bài thơ của Trần Lê Châu Hoàng). Vì thế, để nói đến mười năm có Đắk Nông, tác giả không ngại ngần khi viết “Em tôi lên mười”.

“Em tôi” nghe sao mà gần gũi và thân thương đến vậy? Có phải, em đang hạnh phúc “soi tấm gương trời” trên mặt hồ và mơ giấc mơ tuyệt vời “về một ngày tháng Giêng / bên hồ Gia Nghĩa, sáng trong, yêu thương”? và, như để nhấn lại cái nhịp điệu cảm xúc dào dạt ấy, tác giả kết lại bài thơ thật mềm, thật sáng:

Mặt trời hồng tươi hoa lá
Và những tấm gương đời
Mãi sáng trong, yêu thương

Hình như đấy là những nốt nhạc vui của một giai điệu đẹp đang vang lên trong lòng người giữa đất trời Đắk Nông dịu dàng xuân sắc. Quả là một cái kết thấm tình người và thật là sâu lắng biết chừng nào khi đi từ những cảm xúc của “đất trời”, của “con nước”, “tấm gương trời” thật hồn nhiên, trẻ trung đôn hậu đến cái khát vọng lớn lao nhất là “tấm gương đời” mãi sáng trong yêu thương!

Hãy đọc, hãy lắng nghe và hãy cảm nhận bài thơ theo cách riêng của mình để thấy rằng, chỉ có thể là gắn bó và thực sự hướng thượng, đem lòng nhân văn thiết tha yêu thương mọi người thì tâm hồn của chúng ta mới có thể đến với cõi bình yên, thăng hoa hạnh phúc và chạm ngõ tơ trời.

Trần Lê Châu Hoàng đã chạm ngõ “tơ trời” với Đắk Nông, anh đã thực sự yêu mảnh đất này bằng một thứ tình yêu không có tuổi. Mùa xuân – tháng Giêng đọc bài thơ “Tháng Giêng bên hồ Gia Nghĩa”, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm và tươi trẻ. Tôi tin, sau cuộc phiêu du qua thơ anh, bạn tôi sẽ sớm đến với Đắk Nông để hiểu vì sao có người say mê mảnh đất này đến thế!

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông trong “Tháng Giêng bên hồ Gia Nghĩa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO