Chính trị

Đắk Nông triển khai hiệu quả chính sách dân tộc

Mẫn Doanh 15/10/2024 06:14

Giai đoạn 2019 - 2024, các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương cùng nhiều đề án, dự án đặc thù khác của tỉnh Đắk Nông được triển khai một cách đồng bộ, mang lại nhiều kết quả nổi bật.

Triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc

Toàn tỉnh có 46 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) được phân định khu vực. Trong đó, 29 xã thuộc khu vực I; 5 xã khu vực II và 12 xã khu vực III; 143 thôn đặc biệt khó khăn. Đồng bào DTTS có 227.270 người (48.492 hộ), chiếm trên 32%.

Theo đồng chí Bùi Ngọc Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2019 - 2024, cùng với việc thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách đặc thù nhằm chăm lo mọi mặt đời sống đồng bào DTTS.

a11.jpg
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm, chăm lo đội ngũ người có uy tín, lực lượng cốt cán trong đồng bào DTTS

Thực hiện Chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2019 – 2021, Đắk Nông đầu tư xây dựng 54 công trình giao thông, 10 công trình trường học, 22 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng,… Triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2017 – 2020, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hơn 11.700 hộ; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư 4 dự án với tổng kinh phí hơn 271 tỷ đồng.

a1.jpg
Thay đổi tập quán sản xuất, đồng bào DTTS nâng cao thu nhập từ các mô hình kinh tế

Tiếp tục Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2015 - 2025”, Đắk Nông tăng cường công tác tuyên truyền. Toàn tỉnh duy trì 57 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 151 mô hình câu lạc bộ phát triển bền vững; 410 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.

Theo phê duyệt của UBND tỉnh, giai đoạn 2023 – 2027, Đắk Nông có 309 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Hằng năm, tỉnh biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến và chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng.

Tỉnh cũng đạt được một số kết quả nhất định trong triển khai Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới”. Từ năm 2020 - 2023, toàn tỉnh tuyển dụng 32 công chức người DTTS (chiếm 16%); 71 viên chức là người DTTS (chiếm 13,34%).

a10-30d48f1f90072384fe280f967f9c1974(1).jpg
Đồng bào DTTS xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong tham gia lớp học xóa mù chữ

Thông qua Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc bán trú, hơn 47.000 lượt học sinh đã được hỗ trợ với kinh phí hơn 127 tỷ đồng. Hơn 144.200 lượt học sinh cũng được thụ hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, với số tiền hơn 54 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, tổ chức đào tạo nghề cho trên 10.400 học sinh, sinh viên DTTS. Qua đó nâng cao trình độ học vấn, tay nghề và năng lực tự chủ cho lao động người DTTS.

a6.jpg
Văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh luôn được bảo tồn và phát huy

Cùng với đó, tỉnh ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh, sinh viên DTTS. Theo đó, 176 học sinh, sinh viên DTTS được hỗ trợ chi phí học tập với số tiền hơn 657 triệu đồng. Tỉnh cũng ký kết với trên 15 trường đại học, cao đẳng đào tạo qua từng năm cho 447 em. Trong đó, 369 sinh viên được cử học hệ đại học, 36 học hệ cao đẳng và 50 học hệ trung học chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trở về địa phương, UBND tỉnh đã bố trí được 272 em vào làm việc.

a9.jpg
Gia đình anh Điểu Nhuân, bon Bu N’Đơr B, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức được hỗ trợ bò, phát triển mô hình sinh kế từ chương trình MTQG

Đến nay, hơn 1.170 hộ đồng bào DTTS tại chỗ đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất. Giai đoạn 2021 - 2025, có 84 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh kết nghĩa với 79 bon, buôn đồng bào DTTS tại chỗ. Thông qua hoạt động kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị vận động hỗ trợ về vật chất và tinh thần, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại các bon, buôn với tổng số tiền hơn 10,4 tỷ đồng.

a3.jpg
Gia đình chị H’Ngin KPơ, dân tộc M’nông ở bon U2, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút có được mái ấm khang trang gần 70m2 nhờ Chương trình 1719

Giai đoạn 2021 – 2025, Trung ương và tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng số vốn dự kiến hơn 4.162 tỷ đồng.

Thông qua nguồn lực này, các sở, ngành và địa phương liên quan triển khai nhiều nội dung, dự án tạo động lực và đột phá trong phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Cụ thể như: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết;…

PN ông Sơn

Diện mạo vùng DTTS ngày càng khởi sắc

Việc triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách dân tộc đã mang lại những kết quả tích cực. Đời sống đồng bào DTTS được cải thiện và diện mạo vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc.

Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 30,14% năm 2019 xuống còn 13,24% vào năm 2023. Bình quân giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm từ 5% trở lên, cơ bản không còn hộ đói.

a5.jpg
Đồng bào các dân tộc đoàn kết, đời sống ngày càng ấm no

Tỷ lệ tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS giảm từ 2 - 3%/năm; số cặp kết hôn cận huyết cũng giảm từ 3 - 5%/năm. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự thay đổi nhận thức của cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Các chương trình bảo tồn văn hóa, lễ hội dân tộc và khôi phục nghề thủ công truyền thống được đẩy mạnh, giúp giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc.

a8.jpg
Diện mạo vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc

Đến nay, Đắk Nông có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, 5 xã đạt chuẩn nâng cao; bình quân mỗi xã đạt 16,8 tiêu chí. Tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông toàn tỉnh đạt 70%; tỷ lệ cứng hóa đường xã, thôn, bon đạt 53%.

71/71 xã có điện lưới quốc gia, 100% số thôn, bon, buôn có điện và 99% số hộ dân sử dụng điện; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh.

a7.jpg
Giáo dục vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có bước chuyển mình rõ nét

Toàn tỉnh hiện có 370 cơ sở giáo dục, trong đó có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, tạo điều kiện học tập thuận lợi cho hơn 60.700 học sinh DTTS​.

Mạng lưới y tế ngày càng phát triển. Đồng bào DTTS cơ bản được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. 100% các trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ; 100% thôn, bản, tổ dân phố có cộng tác viên dân số. 71/71 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có trạm y tế.

PN PCT Hạnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đánh giá, việc triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình MTQG đã góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo, nâng cao đời sống, khai thác tiềm năng và phát triển bền vững tại các địa phương. Cụ thể như việc triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đã mang lại những kết quả tích cực trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người và cải thiện hạ tầng cơ sở.

a4.jpg
Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, góp phần thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS một cách rõ nét

"Với tỷ lệ DTTS trên 32%, việc triển khai 10 dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đã giúp giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết như thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở; quy hoạch và bố trí dân cư ổn định; hỗ trợ sinh kế gắn kết phát triển sản xuất nông lâm nghiệp; phát huy tiềm năng để sản xuất hàng hóa hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư hạ tầng thiết yếu, y tế, văn hóa, giáo dục... Từ đó, tạo ra cơ hội và động lực mới, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững; định hướng cho mục tiêu, chiến lược phát triển dân tộc trong những năm tiếp theo", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh chia sẻ.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông triển khai hiệu quả chính sách dân tộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO