Đắk Nông tìm giải pháp chống sạt lở bờ sông Krông Nô
Tình hình sạt lở bờ sông Krông Nô ngày càng nghiêm trọng, cần sớm được đánh giá nguyên nhân và có giải pháp cấp bách để xử lý.
Cuối tháng 10/2023, một đoạn đường bê tông dài khoảng 30m ven sông Krông Nô, đoạn qua thôn Nam Ninh, xã Nâm N’đir (Krông Nô) bị đứt gãy, sạt xuống dòng nước. Khoảng 100 cây cà phê gần đó cũng trong tình cảnh tương tự.
Theo một số người dân thôn Nam Ninh, đây là đường đi lại, vận chuyển nông sản của bà con. Cách đây ít năm, đường được nâng cấp, đổ bê tông. Khi đó, đường cách bờ sông Krông Nô khoảng 20m.
Nhưng dòng nước bên bờ sông ngày càng hung dữ. Mỗi năm, bờ sông Krông Nô qua đoạn này bị khoét vào vài mét. Nhiều diện tích cây trồng của người dân bị xói lở. Tuyến đường bê tông cũng chịu chung cảnh ngộ.
Tuyến đường bê tông bị sạt lở kết nối với trạm bơm số 1 cách đó chừng 200m. Phía sau của trạm bơm chừng 30m, một vệt cà phê bị sạt lở rơi xuống sông. Dấu vết sạt lở rất mới và đang có nguy cơ lan rộng vào trong đường giao thông cùng kênh mương nội đồng.
Theo UBND xã Nâm N’đir, cánh đồng của xã kéo dài ven sông Krông Nô có diện tích khoảng 1.000 ha. Hiện trên cánh đồng có khoảng 6 điểm sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, có 3 vị trí sạt lở mở rộng và diễn biến phức tạp từ tháng 9/2023 tới nay. UBND xã Nâm N’đir đã cắm cách biển cảnh báo nguy hiểm.
Tại khu vực sạt lở gần trạm bơm số 1, chính quyền địa phương nhận định, nếu không triển khai khắc phục sớm, sẽ có hơn 200m đường bê tông và kênh tưới có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Việc này sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân và nguồn nước tưới của cánh đồng trên địa bàn.
UBND huyện Krông Nô nhận định, tình trạng sạt lở tại cánh đồng xã Nâm N’đir đang diễn biến rất phức tạp. Hàng trăm mét bờ sông dọc cánh đồng đã bị sạt xuống sông Krông Nô với chiều rộng từ 12 - 20m. Không chỉ có đất sản xuất và cây trồng của người dân, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, đường điện đang đứng trước nguy cơ sạt lở.
Để bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền đã triển khai các biện pháp cảnh báo, phân luồng giao thông… Địa phương khuyến cáo người dân tuyệt đối không lưu thông qua khu vực có nguy cơ.
Huyện Krông Nô cho rằng về lâu dài, sông Krông Nô cần phải kè để chống sạt lở, bảo vệ dân cư và vùng trọng điểm lương thực. Nhưng trước mắt, huyện đề xuất tỉnh ưu tiên kinh phí để gia cố 3 điểm sạt lở nghiêm trọng trên cánh đồng Nâm N’đir, nhất là điểm sạt lở gần trạm bơm số 1A.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Trần Đăng Ánh cho hay, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có các giải pháp hỗ trợ chống sạt lở bờ sông. Huyện cũng đề nghị tỉnh yêu cầu phía thủy điện và các ngành chức năng đánh giá, hỗ trợ người dân bị sạt lở; hỗ trợ kinh phí gia cố tạm thời bảo vệ hạ tầng giao thông.
Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Võ Văn Minh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc sạt lở bờ sông như: địa chất yếu, vận hành thủy điện, khai thác cát, thiên tai…
Trước đây, khi UBND tỉnh chỉ đạo, Sở TN-MT đã mời phía thủy điện, doanh nghiệp khai thác cát được cấp phép làm việc tìm phương án hỗ trợ cho người dân. Nhưng tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đang diễn ra ngày càng phức tạp, nên cần phải đánh giá kỹ nguyên nhân, phân định trách nhiệm và có phương án khắc phục.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao cho Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, đoạn qua xã Nâm N’đir. Các đơn vị đánh giá nguyên nhân và sớm tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý.