Kinh tế

Đắk Nông tìm đầu ra, tăng giá trị cho nông sản

Lê Dung 08/12/2023 05:00

Nông sản Đắk Nông đang từng bước vượt qua những thách thức từ thị trường, có hướng đi bền vững, giá trị kinh tế cho người dân.

ADQuảng cáo

Nỗ lực của doanh nghiệp

Là đơn vị chuyên cung ứng các sản phẩm nông sản của Đắk Nông ra thị trường, Công ty TNHH TM & DV Sagri Bazan (Gia Nghĩa) luôn mong muốn được đưa đến tay người tiêu dùng những hàng hóa chất lượng nhất.

macca(1).jpg
Nông sản Đắk Nông đang từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường

Theo bà Trần Minh Yến, đại diện Công ty TNHH TM & DV Sagri Bazan, hiện đơn vị đang có 1 cửa hàng trưng bày sản phẩm, với nhiều hàng hóa đặc trưng như: mắc ca, tiêu, điều, cà phê… Những sản phẩm này được đơn vị lựa chọn rất kỹ càng từ đầu vào.

Doanh nghiệp ấp ủ mục tiêu đưa sản phẩm từ vườn rừng xanh, sạch tới người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là tiêu chí kinh doanh lâu dài mà doanh nghiệp đang hướng tới, nhằm giúp thị trường biết đến và tin dùng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng của Đắk Nông.

Vừa mới được thành lập tại Đắk Nông, nhưng sản phẩm bò một nắng của Công ty TNHH Fantasy Farm (Đắk Glong) cũng đặt ra những mục tiêu mang tính bền vững, giúp mang lại giá trị kinh tế cho bà con trên địa bàn.

img_7551(1).jpg
Sản phẩm bò một nắng của Công ty TNHH Fantasy Farm (Đắk Glong)

Hiện tại, đơn vị đang thực hiện thu mua nguyên liệu bò trên địa bàn các địa phương: Đắk Glong, Gia Nghĩa và Krông Nô. Đầu vào được công ty tuyển chọn khá kỹ. Đó là loại bò cỏ, không dùng thức ăn tăng trọng, không vỗ béo, được nuôi hoàn toàn tự nhiên. Thịt làm bò một nắng chủ yếu là thịt đùi, không gân.

Ông Trịnh Công Pha, Giám đốc Công ty TNHH Fantasy Farm (Đắk Glong) cho biết, bò một nắng hiện là sản phẩm đã được cấp các chứng nhận HACCP, ISO. Đây là hai chứng nhận đủ điều kiện để sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu. Doanh nghiệp mong muốn sẽ xây dựng được một sản phẩm đặc trưng từ chăn nuôi cho Đắk Nông và vùng Tây Nguyên.

Công ty hiện đã làm việc với địa phương để tìm các nguồn nguyên liệu bò thịt. Sắp tới, doanh nghiệp có hướng sẽ gửi bò cho bà con nuôi, sau đó thu mua lại và cấp giống tái đàn. Mọi quy trình chăm sóc đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, được chuyên gia thú y hỗ trợ, có ghi chép nhật ký đầy đủ.

Điều này vừa giúp tăng thu nhập cho bà con, vừa nâng cao giá trị cho sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn. Bà con sẽ không phải lo về giống, đầu ra. Quá trình chăn nuôi, người dân còn tận dụng nguồn phân chuồng để bón cho cây trồng.

Điểm nghẽn logistics

Ở một góc nhìn khác, Giám đốc siêu thị Co.opMart Đắk Nông Trần Giang Nhật Thảo cho rằng, Đắk Nông có nguồn nguyên liệu rất lớn, nhưng còn tồn tại nhiều điểm nghẽn.

macca-huong(1).jpg
Nông sản của Đắk Nông đạt chất lượng tốt, nhưng chi phí vận chuyển lớn khiến giá thành luôn cao hơn so với các địa phương trong cả nước

Đó là quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Hạ tầng giao thông và logistics đang rất thiếu và yếu... Đặc biệt, điểm yếu nhất hiện nay cho đường đi của nông sản Đắk Nông là về logistics.

Ông Thảo phân tích, tuyến đường từ TP. Gia Nghĩa tới Trung tâm phân phối Bình Dương của SaigonCo.op ngắn hơn chặng đường từ Bình Dương tới TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Tuy nhiên, lượng hàng hóa Co.opMart thu mua của tỉnh bạn luôn nhiều hơn của Đắk Nông. Đây chính là do logistics trên địa bàn chưa bảo đảm, công nghệ bảo quản, vận chuyển chưa tốt.

ADQuảng cáo

Hiện nay, chi phí logistics đang chiếm tới 17% giá thành đưa vào giá vốn của đơn vị. Cộng với khâu bảo quản chưa tốt nên khi tới siêu thị, chi phí cho sản phẩm của Đắk Nông bị hư hỏng, chất lượng hao hụt mất tầm 20-30%. Do vậy, sản lượng hàng hóa giảm đi rất nhiều. Giá thành sản phẩm khi tới tay người tiêu dùng phải đội lên nhiều lần.

Với những hạn chế trên, theo ông Thảo, rất cần sớm có cơ chế, chính sách quan tâm phát triển về cơ sở hạ tầng gắn với logistics. Có như vậy mới cắt giảm được chi phí vận chuyển, hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản của Đắk Nông khi ra thị trường.

Đầu tư để tăng sức cạnh tranh

Giám đốc Co.opMart Đắk Nông Trần Giang Nhật Thảo cho hay, nhu cầu sản phẩm nông nghiệp tại chỗ của đơn vị khá lớn. Hiện tại, hệ thống Saigon Co.op ở mỗi địa phương đều có gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản đạt các chứng nhận OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu…

img_7554(1).jpg
Ngoài chất lượng, sản phẩm nông sản của Đắk Nông cần phải chú trọng tới khâu bao bì, nhãn mác

Để đáp ứng các tiêu chí cần thiết, các doanh nghiệp, HTX của Đắk Nông cần tuân thủ đầy đủ các quy định khi tham gia vào những thị trường lớn, mang tính chuyên nghiệp, bài bản.

“SaigonCo.op sẵn sàng hỗ trợ về giấy tờ, thủ tục cấp mã trước khi nhập hàng nếu các doanh nghiệp, HTX của Đắk Nông có nhu cầu đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị”, ông Thảo thông tin.

Là đơn vị có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics xuất, nhập khẩu, Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp và xuất nhập khẩu DTL (TP. Hồ Chí Minh) cam kết sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, HTX của Đắk Nông trong nhiều hoạt động.

Đại diện Công ty cho biết, nếu các doanh nghiệp, HTX của Đắk Nông có nhu cầu hỗ trợ về logistics, công nghệ thông tin thì liên hệ trực tiếp với đơn vị để được tư vấn, hướng dẫn cách thức triển khai. Đặc biệt là trong việc xây dựng, thiết kế mẫu mã cho sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn về bao bì, nhãn hiệu trước khi ra thị trường.

Hiện tại, Công ty đang tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao tại Đắk Nông và các tỉnh Tây Nguyên, để được liên kết vùng trồng. Trong đó, chú trọng đến khâu phân bón, thổ nhưỡng và nước, nhằm tạo ra những sản phẩm organic, tốt cho sức khỏe, cung cấp cho các thị trường lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và tương lai sẽ xuất khẩu.

Để tập trung phát triển cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, Đắk Nông đã ban hành Chương trình hành động về phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản, đáp ứng chuỗi liên kết giá trị gia tăng, giai đoạn 2021-2025.

img_6755(1).jpg
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển mới từ 3 - 4 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản lớn theo hướng chuyên sâu

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ thu hút, hỗ trợ đầu tư phát triển mới từ 3 - 4 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản lớn theo hướng chuyên sâu, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ phân bố phát triển công nghiệp theo ngành.

Trong đó, đối với ngành công nghiệp chế biến, tỉnh xác định phát triển ngành công nghiệp cà phê gắn với vùng nguyên liệu tại: Đắk Song, Đắk Mil, Đắk R’lấp và Tuy Đức. Ngành công nghiệp hồ tiêu gắn với vùng nguyên liệu tại: Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Mil.

Ngành công nghiệp chế biến điều gắn với vùng nguyên liệu tại: Tuy Đức, Đắk R’lấp, Krông Nô. Ngành công nghiệp chế biến trái cây, hoa quả gắn với vùng nguyên liệu tại: Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk Glong.

Nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 50% doanh nghiệp áp dụng hình thức thương mại điện tử và 70% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm; hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp được trải nghiệm các nền tảng số...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông tìm đầu ra, tăng giá trị cho nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO