Thời sự Đắk Nông

Đắk Nông tìm cách gỡ vướng để giảm nghèo bền vững

Thanh Hằng 13/10/2023 15:11

Sáng 13/10, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố và Phòng LĐTB-XH, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên các địa phương.

hinh-giam-ngheo-1(1).jpg
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông làm việc với các địa phương, đơn vị về tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Qua hai năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả khả quan, đáng khích lệ.

Tuy nhiên, kết quả triển khai một số tiểu dự án chưa đạt mục tiêu theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Tỷ lệ giải ngân toàn chương trình chưa cao.

Cụ thể, tổng vốn giải ngân toàn chương trình lũy kế vốn 2 năm mới đạt gần 150 tỷ đồng, đạt 27,27%. Trong đó, nguồn vốn năm 2022 giải ngân được 138 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân hơn 64% so với tổng số vốn được giao (gần 217 tỷ đồng). Nguồn vốn năm 2023 mới giải ngân được hơn 10 tỷ đồng, đạt hơn 3% trên tổng số vốn được bố trí (330 tỷ đồng).

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Ngoài những yếu tố khách quan như cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, văn bản hướng dẫn chậm ban hành hoặc chồng chéo… thì có cả những yếu tố chủ quan trong công tác chỉ đạo, điều hành của các địa phương, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện các dự án.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, vấn đề khó khăn của địa phương đó là vướng quy hoạch bô xít và quy hoạch phát triển du lịch. Hiện nay địa phương đã điều tiết các nguồn vốn, phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ giải ngân được hết vốn năm 2022.

Tương tự, huyện Tuy Đức là một trong 2 địa phương có nhiều tiểu dự án đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Huyện Tuy Đức kiến nghị, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hôi (LĐTB-XH) cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

hinh-giam-ngheo-6(1).jpg
Lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các tiểu dự án giảm nghèo.

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông đánh giá, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của một số đơn vị, địa phương vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu, có nơi vẫn còn thụ động trong triển khai thực hiện.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ tham mưu chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, vẫn còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, chờ đợi các đơn vị khác làm rồi làm theo…

hinh-giam-ngheo-4(1).jpg
Lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai chương trình.

“Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Tuy nhiên một số địa phương vẫn còn máy móc, chưa linh hoạt trong quá trình thực hiện. Để bảo đảm tiến độ đề ra, Sở LĐTB-XH tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt để nâng cao tỷ lệ giải ngân", ông Hoàng Việt Nam đề nghị.

Liên quan đến tiến độ thực hiện các tiểu dự án, ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Nông cho biết, đối với vướng mắc do quy hoạch 3 loại rừng, Sở NN-PTNT tỉnh đã có văn bản đề nghị các địa phương trình bày rõ khó khăn và kiến nghị giải pháp. Trong tháng 10, các đơn vị khẩn trương gửi về Sở NN-PTNT để đơn vị tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cũng được giao khoảng 20% vốn của chương trình giảm nghèo, đơn vị này cam kết, đến cuối năm 2023, sẽ bảo đảm giải ngân 100% vốn trong 2 năm.

hinh-giam-ngheo-2(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giảm nghèo.

Đối với lĩnh vực đào tạo nghề, các địa phương kiến nghị sớm có giải pháp để mua sắm trang thiết bị dạy học. Ngoài ra, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông nghiên cứu, phối hợp với trung tâm GDNN-GDTX các huyện để mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiểu dự án. Hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp, nên các địa phương phải linh hoạt lồng ghép các chương trình để đạt hiệu quả tối đa. Đối với những vướng mắc trong quá trình triển khai, các đơn vị cần phối hợp, bàn bạc để tìm cách tháo gỡ, trong trường hợp cần xin ý kiến của cơ quan trung ương thì các sở, ngành, địa phương chủ động tham mưu UBND tỉnh để tỉnh Đắk Nông xin ý kiến các bộ, ngành, Chính phủ.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đắk Nông tìm cách gỡ vướng để giảm nghèo bền vững
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO