Đắk Nông tiếp sức cho hợp tác xã
Năm 2024, Đắk Nông đẩy mạnh các hoạt động tiếp sức cho các HTX như hỗ trợ vốn, xúc tiến thương mại, giúp HTX hoạt động hiệu quả hơn.
Hỗ trợ vốn
Năm 2024, từ 4 đề án, chương trình khác nhau, Đắk Nông hỗ trợ 28 HTX với số tiền 3,4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các HTX có điều kiện đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Từ Chương trình 1804, Liên minh HTX Đắk Nông hỗ trợ HTX Công Bằng Đắk Ka, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, 340 triệu đồng mua máy móc phục vụ chế biến cà phê chất lượng cao. Từ nguồn vốn được hỗ trợ, HTX đầu tư thêm 400 triệu đồng mua máy bắn màu hiện đại, công suất lớn.
Anh Trần Văn Phú, Giám đốc HTX Đắk Ka cho biết: “Nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh là động lực để chúng tôi mạnh dạn đầu tư thêm vốn nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Chúng tôi đã mua máy bắn màu có công suất 2 tấn tươi mỗi giờ, cao gấp 4 lần so với máy cũ”.
Năm nay, HTX Đắk Ka dự kiến sản xuất khoảng 30 tấn cà phê nhân chất lượng cao, rang khoảng 10 tấn nhân. Máy bắn màu phân loại 100% quả cà phê tươi chín và loại bỏ hoàn toàn tạp chất giúp HTX Đắk Ka nâng cao công suất chế biến cà phê đặc sản.
HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song được hỗ trợ 385 triệu đồng từ Đề án 677 về xây dựng mô hình điểm chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Hoàng Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi xác định khâu sơ chế sau thu hoạch góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ nguồn vốn hỗ trợ, HTX Hoàng Nguyên xây dựng hệ thống phơi hồ tiêu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”.
HTX Hoàng Nguyên hiện có 202 hộ dân trồng 700ha hồ tiêu, trong đó gần 197ha đã được chứng nhận hữu cơ các tiêu chuẩn quốc tế gồm: Nhật Bản, Mỹ, EU, Canada.
Bên cạnh các nguồn vốn từ những đề án, chương trình thì Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã giải ngân cho 4 HTX ở Đắk Nông vay 808 triệu đồng tạo công ăn việc làm cho thành viên.
Xúc tiến thương mại
Trong năm 2024, Đắk Nông đã hỗ trợ 50 lượt HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An…, với tổng kinh phí 421 triệu đồng.
Anh Trần Đình Lượng, Giám đốc HTX Nam Hà, huyện Cư Jút chia sẻ: “Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giúp chúng tôi tiếp cận gần hơn với thị trường các tỉnh từ đó giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn đến với người tiêu dùng. Trong đó, tại sự kiện Hội nghị xúc tiến thương mại kinh tế tập thể được tổ chức tại Nghệ An, chúng tôi đã giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm từ gấc của HTX đến với các HTX toàn quốc, người dân”.
Tháng 5/2024, Liên minh HTX Đắk Nông đưa Trang thông tin điện tử (chợ nông sản) vào hoạt động và có khoảng 4.000 lượt người truy cập. Đến nay, Liên minh HTX Đắk Nông đã đưa 55 sản phẩm của 23 đơn vị lên chợ nông sản. Đây cũng là kênh hữu ích hỗ trợ HTX giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông chia sẻ: “Đa số các HTX của Đắk Nông tiềm lực kinh tế hạn chế. Chúng tôi đã kết nối để HTX được tham gia các chương trình, dự án từ đó tiếp cận nguồn vốn. Chúng tôi ưu tiên các HTX có nhiều thành viên, mang lại nhiều lợi ích lớn cho cộng đồng”.
Đắk Nông hiện có 310 HTX, trong đó 239 HTX đang hoạt động. Các HTX có tổng vốn điều lệ trên 338 tỷ đồng. Đắk Nông có 31 HTX có sản phẩm OCOP, 34 HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng như: cao cao, cà phê, hồ tiêu, chanh leo, sầu riêng, mắc ca, rau sạch ứng dụng công nghệ cao, trồng chế biến cây ăn trái, chăn nuôi gia súc gia cầm, lúa gạo…
Những năm qua, các HTX tích cực chuyển đổi số, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất và áp dụng các tiêu chuẩn Organic, GlobalGAP, VietGAP… đang dần khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường.