Đắk Nông thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
Đắk Nông đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa giúp trẻ em nói lên tâm tư, nguyện vọng, bảo đảm quyền trẻ em.
Tiếng nói của trẻ em ngày càng được coi trọng
Thực hiện Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2023-2027”, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa giúp các em nói lên tâm tư, nguyện vọng, bảo đảm quyền trẻ em.
Học sinh Nguyễn Trần Bảo Thức, lớp 8A3, Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Đắk R’lấp là 1 trong 3 đại biểu thiếu nhi của tỉnh Đắk Nông tham gia Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2, năm 2024 tại thủ đô Hà Nội.
Phiên họp diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội với sự tham gia của 306 đại biểu trẻ em chia thành 12 tổ để thảo luận và tham gia chất vấn về 2 chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Tham gia tại tổ thảo luận số 5, "đại biểu" Nguyễn Trần Bảo Thức đã thể hiện phong thái chững chạc, tự tin, mạnh dạn nói lên tiếng nói thể hiện ý kiến, nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng Đắk Nông.
Cùng với dẫn chứng con số đáng báo động về số vụ bạo lực học đường, Bảo Thức cho biết, thực tế, nhiều bạn bị bạo lực nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, không dám nói lên tiếng nói của mình khiến cho tình trạng bạo lực trở nên trầm trọng hơn. Gia đình, nhà trường cần tạo môi trường an toàn, gần gũi để con em tự tin, mạnh mẽ không lùi bước trước kẻ bắt nạt và có giải pháp giải quyết xung đột mà không gây xung đột.
Không chỉ sôi nổi tại tổ thảo luận, em Bảo Thức còn có màn hỏi đáp thú vị, thẳng thắn, ngắn gọn mà súc tích với câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với đại biểu Quốc hội trẻ em ngay sau phiên chất vấn liên quan đến vấn đề bạo lực học đường.
Bảo Thức chia sẻ: "Em rất vui, không tin được bản thân được đến thủ đô Hà Nội, trải nghiệm Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”. Em đã cố gắng hết sức, tìm hiểu thông tin, kiến thức về phiên họp, các vấn đề trẻ em quan tâm. Qua tham dự, em đã có những trải nghiệm bổ ích, ý nghĩa. Em cảm nhận được sự quan tâm của các bác lãnh đạo, các cấp, ngành dành cho chúng em và trẻ em trên cả nước nói chung, hiểu rằng chúng em luôn được lắng nghe, được quan tâm, hỗ trợ để có được môi trường học tập an toàn và lành mạnh. Từ phiên họp, em cũng tin rằng việc cất lên tiếng nói của trẻ em là cực kỳ quan trọng để các vấn đề của trẻ em được giải quyết và mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Em sẽ lan tỏa thông điệp tích cực của Quốc hội đến các bạn nơi mình đang sinh sống, học tập".
Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
Mới đây, Huyện đoàn, Hội LTHN Việt Nam huyện, Hội đồng Đội huyện Đắk Mil đã tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em vào các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, chương trình công tác có liên quan đến trẻ em với sự tham gia của các đội viên đến từ Liên đội Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị trấn Đắk Mil.
Tại chương trình, các đội viên, thiếu nhi đã nói lên những tâm tư, nguyện vọng của bản thân chủ yếu xoay quanh các vấn đề khó khăn trong quá trình học tập và rèn luyện; mong muốn được trang bị thêm một số cơ sở vật chất dành cho thiếu nhi như: bể bơi, phòng đọc… Một số đội viên, thiếu nhi có ý kiến liên quan đến các cuộc thi do hội đồng đội các cấp tổ chức…
Trang bị kỹ năng cần thiết cho thiếu nhi, Huyện đoàn, Hội đồng Đội huyện Cư Jút đã tổ chức tập huấn cho nhóm trẻ em nòng cốt tham gia các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em năm 2024. Tham gia tập huấn, 32 em thiếu nhi nòng cốt được trang bị kỹ năng tham gia các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, các hoạt động lấy ý kiến trẻ em, thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của trẻ em.
Hoạt động giúp nhóm trẻ em nòng cốt tăng cường sự tự tin, chủ động tham gia các hoạt động liên quan; tạo điều kiện để các em có cơ hội giao lưu, học hỏi và trau dồi kiến thức, kỹ năng trong tham gia các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
Anh Lê Đức Ân, Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Cư Jút cho biết, từ đầu năm học đến nay, hội đồng đội các xã, thị trấn cùng với các liên đội trực thuộc đã tổ chức được 18 chương trình gặp mặt đối thoại với trẻ em, thu hút gần 3.000 trẻ em tham gia. Tại các chương trình đối thoại các em được cùng nhau trao đổi, thảo luận và được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, nhà trường chia sẻ, trả lời những thắc mắc với các nội dung, quy định về Luật Trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực học đường; các điều kiện về vui chơi, học tập, bảo đảm an toàn cho các em… Qua triển khai, các em đã phát huy tốt quyền trẻ em, mạnh dạn bày tỏ ý kiến về các vấn đề đang gặp phải trong đời sống, học tập, vui chơi giải trí... của chính các em.
Theo Tỉnh đoàn Đắk Nông, Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” được các cấp bộ đoàn triển khai với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, hiệu quả. Nhiều mô hình, hoạt động tư vấn, giáo dục kỹ năng, hỗ trợ, giúp đỡ thiếu niên, nhi đồng được triển khai.
Đắk Nông đã tổ chức hơn 216 hoạt động tuyên truyền phòng, chống đuối nước, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, 27 lớp dạy bơi phòng chống đuối nước, 17 lớp tập huấn các kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho hơn 13.343 lượt thiếu nhi trên địa bàn tỉnh; thực hiện 24 công trình “Vì đàn em thân yêu”, giúp đỡ 3.825 em thiếu nhi khó khăn với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Đoàn các cấp tích cực, chủ động thực hiện và tham gia giám sát Luật Trẻ em, thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả CLB Trợ giúp pháp lý trẻ em tỉnh Đắk Nông, thực hiện tốt vai trò tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Tổ chức đoàn hội tổ chức diễn đàn trẻ em và đối thoại giữa trẻ em với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo nhà trường, kết hợp lồng ghép với các chương trình giáo dục, tuyên truyền của các liên đội.
Chị H'Hồng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian tới, các cấp bộ đoàn, đội trong tỉnh sẽ quan tâm, triển khai thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi. Trong đó, một nhiệm vụ cần thiết là phát huy vai trò, vị trí của trẻ em; tổ chức các chương trình, hoạt động giúp đội viên, thiếu nhi trang bị đủ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, phát huy nội lực trong nhiều lĩnh vực; thúc đẩy quyền và tiếng nói của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.