Đắk Nông thúc đẩy liên kết các ngành hàng nông nghiệp
Đắk Nông thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị các ngành hàng, liên kết các vùng trồng với doanh nghiệp để chế biến, tiêu thụ nông sản.
Liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm
Trên 10 năm nay, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Buôn Choáh, huyện Krông Nô đã liên kết, tập hợp các hộ dân để hình thành chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao ở địa phương.
Hiện HTX có diện tích sản xuất lúa hàng năm khoảng 450 ha. Người dân thực hành sản xuất lúa theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt VietGAP, với các giống lúa chủ yếu như RVT, ST24, ST25.
Theo bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Quản lý sản xuất VietGAP của HTX, sản phẩm của nông dân đều được HTX bao tiêu đầu ra, với giá cao hơn thị trường. Nhờ phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, đời sống của người dân được nâng lên.
Từ chỗ chỉ có 12 xã viên, đến nay, HTX đã phát triển 300 người. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa HTX và hộ dân có ý nghĩa rất lớn đối với việc hình thành, duy trì vùng sản xuất lớn, giúp chất lượng sản phẩm đồng đều hơn. Chính vì thế, khi HTX đầu tư cho chế biến thì sản phẩm gạo ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo tại HTX Nông nghiệp Buôn Choáh là một trong những điển hình cho liên kết nông nghiệp tại Đắk Nông. Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 65 liên kết thuộc 9 ngành hàng, với 9.660 hộ tham gia, chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất toàn ngành.
Trong đó, một số ngành hàng có số liên kết khá như cà phê 25 liên kết, với diện tích 13.284 ha/7.691 hộ tham gia, sản lượng 40.788 tấn, chiếm 12,8% sản lượng. Ngành hàng hồ tiêu có 9 liên kết, với diện tích 1.630 ha/763 hộ tham gia, sản lượng 3.812 tấn, chiếm 3,5% sản lượng.
Ngành hàng trái cây có 14 liên kết, với diện tích 608 ha/185 hộ tham gia, sản lượng 4.660 tấn, chiếm 9,5% sản lượng trái cây toàn tỉnh. Ngành hàng chăn nuôi heo có 5 liên kết, quy mô khoảng 246.950 con, chiếm 59% tổng đàn heo…
Nhiều giải pháp để khắc phục hạn chế
Đánh giá của ngành chức năng, nhìn chung sản phẩm các ngành hàng nông sản Đắk Nông cơ bản đã được sơ chế, chế biến trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, thực tế thì tỷ lệ còn thấp so với tổng sản lượng và năng lực sản xuất của ngành Nông nghiệp.
Các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này chủ yếu thuộc dạng vừa và nhỏ; quy mô, năng lực, công nghệ sản xuất còn thấp. Thị trường đầu ra nông sản của tỉnh còn thiếu tính ổn định, chưa kết nối được với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lớn. Do vậy, chưa khẳng định được thương hiệu trên thị trường cũng như cầu nối đầu ra bền vững cho người nông dân.
Khâu tổ chức sản xuất các ngành hàng còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Chính vì thế, chưa đáp ứng yêu cầu nền sản xuất hàng hóa tập trung, chưa hình thành vùng nguyên liệu lớn theo chuỗi giá trị bền vững.
Để giải quyết những hạn chế, theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT, tỉnh đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp một cách căn cơ.
Đắk Nông tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị ngành hàng. Trong đó, tỉnh quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao, ưu tiên các ngành hàng về cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái.
Đắk Nông có những chính sách hỗ trợ, tạo lực phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX. Tỉnh xác định HTX là cầu nối quan trọng để hình thành, phát triển liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giữa người dân và các doanh nghiệp.