Đắk Nông thiếu hơn 600 giáo viên nhưng khó tuyển dụng
Dù đã triển khai nhiều giải pháp, phương án thực hiện, nhưng năm học 2023-2024, Đắk Nông vẫn thiếu hơn 600 giáo viên ở các bậc học.
Có chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được
Năm học 2022-2023, Trường THCS THPT Lê Hữu Trác (Tuy Đức) có 22 lớp gồm 20 lớp bậc THCS và 2 lớp bậc THPT, nhưng thiếu 14 biên chế bậc THCS.
Để bảo đảm dạy học, trường phải tổ chức cho giáo viên dạy tăng giờ. Thống kê cả năm học 2022-2023, số tiết tăng thêm là 3.529 tiết, tương ứng với số kinh phí chi trả cho giáo viên hơn 670 triệu đồng. Tuy nhiên, do chưa có nguồn chi trả nên giáo viên trong trường chưa được thanh toán.
Mặc dù năm học 2023-2024, Trường THCS THPT Lê Hữu Trác được bổ sung thêm 5 biên chế, nhưng giáo viên đứng lớp vẫn thiếu so với quy định.
Điều đáng nói, chỉ tiêu được giao có nhưng ngành giáo dục không tuyển dụng được. Tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông với Sở GD-ĐT và Sở Y tế, lý giải vấn đề này ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, số biên chế chưa tuyển được chủ yếu là giáo viên các bộ môn như tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật. Sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này hầu hết đi làm ngoài nên hàng năm ngành GD-ĐT và các địa phương không có nguồn để tuyển. Trong năm 2023, qua tuyển dụng, ngành giáo dục được bổ sung thêm 115 biên chế.
Thiếu 606 giáo viên
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, số lượng giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thiếu so với định mức quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ là 1.027 người. Trong đó số giáo viên thiếu là 606 người, số nhân viên thiếu là 421 người. Bậc mầm non có số lượng giáo viên, nhân viên thiếu nhiều nhất, với 251 người, trong đó giáo viên thiếu 213 người. Bậc tiểu học thiếu 349 người, trong đó thiếu 194 giáo viên. Bậc THCS thiếu 232 người, trong đó thiếu 77 giáo viên và bậc THPT thiếu 195 người, trong đó thiếu 122 giáo viên.
Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, bậc học, những năm qua Sở GD-ĐT và UBND các huyện, thành phố luôn rà soát ở tất cả các cấp học, bậc học để xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên dư thừa cục bộ. Trên cơ sở đó, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu cho phù hợp.
Cũng theo ông Hải, trên cơ sở biên chế được giao, ngành giáo dục sẽ khẩn trương tuyển dụng giáo viên các cấp học, bậc học, bảo đảm đủ theo cơ cấu theo môn học.
Để gỡ khó, bảo đảm dạy học, tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông với Sở GD-ĐT và Sở Y tế, Tỉnh ủy Đắk Nông giao UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, nghiên cứu, tham mưu xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về thực hiện hợp đồng lao động chiếm không quá 70% số chênh lệch giữa số lượng người làm việc được giao với số lượng theo định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế ban hành.