Đắk Nông thí điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026
Ngày 19/11/2024, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Thông báo số 2755 về việc thống nhất chủ trương tổ chức thí điểm thi vào lớp 10 tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh từ năm học 2025 - 2026.
Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo triển khai bảo đảm đúng quy định; đồng thời nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu tiên phù hợp cho học sinh là người dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi và công bằng trong quá trình thi tuyển.
Các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả và công bằng trong kỳ thi thí điểm này.
Chủ trương này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường THPT, đồng thời tạo thêm động lực học tập cho học sinh cuối cấp THCS.
Trước đó, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo đó, Sở GD-ĐT đề xuất việc tổ chức thi tuyển vào lớp 10 từ năm học 2025-2026 do những hạn chế của phương thức xét tuyển hiện tại.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông Trần Sĩ Thành thông tin, hiện nay, cấp THCS không tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực chung toàn tỉnh dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm tính khách quan khi đánh giá chất lượng giáo dục giữa các trường.
Kết quả học bạ không đồng nhất giữa các trường, gây khó khăn trong việc đánh giá năng lực thực tế của học sinh và bảo đảm công bằng trong tuyển sinh vào THPT. Sở GD-ĐT đề nghị cần có kỳ thi tuyển sinh để nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra tại cấp THCS.
Sở GD-ĐT đã đề ra 3 phương án. Cụ thể, phương án 1 là giữ nguyên cách thức tuyển sinh như năm học 2024-2025: Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh thi tuyển; Trường THPT DTNT N’Trang Lơng thi tuyển kết hợp xét tuyển học bạ; các trường còn lại xét tuyển học bạ. Phương án này có thể tiết kiệm chi phí 900 triệu đồng, tuy nhiên thiếu cơ sở khách quan đánh giá năng lực học sinh.
Phương án 2: thi tuyển vào lớp 10 tại tất cả 32 trường THPT công lập trong tỉnh. Với phương án này bảo đảm công bằng, khách quan, đánh giá được năng lực học sinh, giúp nâng cao chất lượng đầu vào nhưng chi phí có thể lên tới 5 tỷ đồng và không phù hợp với các trường vùng sâu, nơi nhu cầu dự tuyển thấp, gây lãng phí.
Phương án 3, thi tuyển tại 11/32 trường ở các khu vực trung tâm và xét tuyển tại các trường còn lại. Phương án này được đánh giá vừa bảo đảm công bằng, nâng cao chất lượng giáo dục THPT đầu vào, vừa giảm chi phí xuống chỉ còn 2,452 tỷ đồng. Riêng 2 huyện Tuy Đức và Đắk Glong không tổ chức thi tuyển.